Môi trường

Quản lý chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy: "Siết" trách nhiệm doanh nghiệp

DNVN - Tăng cường các hành động của cộng đồng doanh nghiệp trong quản lý chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo Công ước Stockholm mà Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn là vô cùng quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới mục tiêu trung tâm chế biến nông sản, phát triển bền vững / Bàn giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) được các quốc gia ký kết và phê chuẩn thực hiện nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất POP gây ra.

Công ước quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải.

Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn Công ước Stockholm vào ngày 22/7/2002. Ngày 10/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam.

Các kế hoạch này được ban hành nhằm quản lý an toàn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ các chất POP tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Công ước Stockholm, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Quản lý chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần sự tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp.

Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, địa phương, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp và các chuyên gia triển khai hiệu quả các Quyết định này tại Việt Nam.

Nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam đối với Công ước Stockholm và trong bối cảnh xu hướng quốc tế về quản lý và kiểm soát chặt chẽ các chất POP và các chất ô nhiễm khó phân hủy khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Các nội dung này được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP. Trong đó, kể từ ngày 1/1/2023, thông báo chấp thuận đăng ký miễn trừ chất POP của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ sở để cơ quan hải quan xem xét, cho phép làm thủ tục hải quan đối với chất POP. Với các quy định này, Việt Nam sẽ tăng cường vai trò và trách nhiệm trong việc quản lý các chất POP đối với Công ước Stockholm và Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Hướng dẫn các quy định về nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy”, ngày 4/11, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh hành động của cộng đồng doanh nghiệp vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc gia.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tạiHội thảo “Hướng dẫn các quy định về nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy”. (Ảnh: Hà Anh).

“Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần có những động thái mạnh mẽ hơn để đảm bảo tính minh bạch, sự tuân thủ cao và cam kết hoàn thành trách nhiệm nhằm thúc đẩy tiến trình giảm thiểu các rủi ro môi trường và sức khỏe con người”, ông Vinh nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI, trong 20 năm qua, với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện và tập hợp cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh, VCCI đã luôn tiên phong, bền bỉ nỗ lực thúc đẩy kinh doanh bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp.

Từ năm 2010, với sự ra đời của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI), ngoài các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy triển khai các sáng kiến trong nhiều đề tài phát triển bền vững.

“VBCSD-VCCI luôn là tổ chức tiên phong cũng như nhận được sự hưởng ứng cao từ cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động phối hợp cùng các bộ, ban, ngành trong việc cập nhật và chia sẻ thông tin liên quan đến kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm. Điều đó cho thấy tính chủ động, sự trách nhiệm và tư duy đổi mới trong kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bắt kịp với xu hướng quốc tế”, ông Vinh khẳng định.

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, việc tổ chức hội thảo này là cần thiết nhằm mục đích trao đổi, thảo luận những nội dung về đánh giá nhu cầu nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP của các doanh nghiệp; thủ tục đăng ký miễn trừ chất POP; lộ trình thay thế, chuyển đổi nguyên liệu là các chất POP trong các ngành công nghiệp...

“Trong thời gian tới, hy vọng sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội ngày càng chặt chẽ; các doanh nghiệp có thể hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định; đồng thời cũng thể hiện quyết tâm, hành động của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai có hiệu quả các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy nói trên”, ông Thức nói.

Việt Tuấn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm