Xã hội

Chương trình đào tạo 9+: nhiều lợi ích cho người học

DNVN- Chương trình đào tạo liên thông từ tốt nghiệp trung học cơ sở đến trình độ cao đẳng (chương trình đào tạo 9+) đã và đang đem đến nhiều lợi ích cho người học, khi có được trình độ kỹ năng nghề cao ngay sau tốt nghiệp THPT.

Học sinh được đào tạo nghề Cơ điện tử trên thiết bị thực hành hiện đại ngay khi bắt đầu tham gia chương trình đào tạo 9+

Học sinh được đào tạo nghề Cơ điện tử trên dây chuyền công nghệ hiện đại ngay khi bắt đầu tham gia chương trình đào tạo 9+.

Sức hút từ chương trình đào tạo

Tiếp cận ngay các ngành nghề kỹ thuật công nghệ cao, đây được xem là sự khác biệt và thu hút người học của chương trình đào tạo, Nguyễn Hoàng Quân học sinh năm thứ 2 hệ 9+ tại trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết: “Em nhận thấy mô hình đào tạo này rất phù hợp với điều kiện và năng lực học tập của em. Tại trường, em được học những kiến thức văn hóa của chương trình THPT và kỹ năng nghề Cắt gọt kim loại. Về thực hành, đến nay em đã vận hành tốt máy móc, thiết bị công nghệ để sản xuất, cắt gọt các chi tiết máy theo yêu cầu bài tập của chương trình đào tạo. Về chương trình học tập văn hóa, mặc dù không có nhiều khó khăn, nhưng em vẫn phải cố gắng học tập những kiến thức cơ bản hỗ trợ cho việc học nghề tốt hơn. Sau khi học xong chương trình này và liên thông lên cao đẳng em sẽ đăng ký sang Nhật hoặc Đức để làm việc.”

Một học sinh khác là Nguyễn Văn Bộ chia sẻ: Mặc dù đang học lớp 12, nhưng qua tìm hiểu và trao đổi với gia đình, em đã quyết định học nghề Cơ điện tử theo chương trình đào tạo 9+ bởi vẫn có thể vừa học văn hóa, vừa học nghề, mặc dù có vất vả hơn nhưng phù hợp với điều kiện, năng lực của bản thân, nhanh chóng có được tay nghề vững vàng.

Theo Ban Giám hiệu trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội, tại cơ sở 2 của nhà trường đóng tại Thanh Trì, Hà Nội hiện đang có khoảng 400 học sinh theo học chương trình đào tạo 9+, chủ yếu tập trung vào các ngành kỹ thuật, công nghệ cao như Cơ điện tử, Công nghệ ôtô, Cắt gọt kim loại,… Công tác tuyển sinh khá thuận lợi, bởi hệ đào tạo này đang nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh và các em học sinh trong lứa tuổi, mỗi năm nhà trường chỉ tuyển sinh khoảng 150 em theo đúng chỉ tiêu và bảo đảm chất lượng đào tạo.

Chương trình đào tạo song song, buổi sáng học văn hóa, buổi chiều học nghề, hoặc ngược lại. Đối với chương trình đào tạo văn hóa, các em được tham gia kỳ thi quốc gia để lấy bằng tốt nghiệp lớp 12, đồng thời được cấp bằng trung cấp nghề của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay đa số các em có nhu cầu học liên thông lên trình độ cao đẳng, bởi các em chỉ mất thêm 1,5 năm đào tạo để có bằng cao đẳng nghề.

 

Cần sự quyết tâm và nỗ lực

"Mặc dù có lợi thế sớm ra nghề, nhưng tham gia chương trình đào tạo 9+, học sinh cũng cần xác định rõ ràng, quyết tâm nỗ lực học tập", thầy Nguyễn Phan Huấn, giáo viên chuyên ngành Cắt gọt kim loại chia sẻ.

Thầy giáo Nguyễn Phan Huấn (bên phải) hướng dẫn thực hành nghề Cắt gọt kim loại cho học sinh hệ đào tạo 9+

Thầy Nguyễn Phan Huấn (bên phải) hướng dẫn thực hành nghề Cắt gọt kim loại cho học sinh hệ đào tạo 9+.

Theo thầy Huấn, đối với học sinh 9+ vừa học nghề, vừa học văn hóa sẽ gặp khó khăn khi còn thiếu kiến thức cơ bản về toán, lý, hóa. Do các em còn đang học chương trình THPT nên những kiến thức này còn chưa được hoàn thiện, vì vậy công tác đào tạo phải uốn nắn từng chút một.

 

Theo khung chương trình đào tạo nghề Cắt gọt kim loại là tích hợp với 30% lý thuyết và 70% thực hành, đối với hệ đào tạo 9+, giáo viên phải soạn lại nội dung bài giảng để phù hợp với năng lực, nhận thức của các em. Đồng thời nhà trường tạo điều kiện tối đa về trang thiết bị đào tạo, vật tư tiêu hao để các em được thực hành nhiều, nhằm bù đắp thiếu hụt về kiến thức lý thuyết, bảo đảm cho các em đạt được tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng theo khung chương trình đào tạo, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong giảng dạy văn hóa của chương trình đào tạo 9+, cô Bùi Thị Vân, giáo viên giảng dạy môn Ngữ Văn cho biết: Khó khăn chung của chương trình đào tạo 9+ ở tất cả các môn là chất lượng đầu vào không cao, ý thức nề nếp còn chưa tốt. Tuy nhiên đây là hệ đào tạo được nhà trường đặc biệt quan tâm, các thầy cô nhiệt tình và tâm huyết, qua đó nắm bắt rõ tâm tư của các em để đề ra những giải pháp giảng dạy cụ thể, phù hợp. Ngoài những kiến thức cơ bản, giáo viên còn bù đắp cho các em những kiến thức bị hổng từ lớp dưới. Sau một năm học tập, phần lớn các em đã có nhiều cố gắng, ý thức, nỗ lực hơn trong học tập để hướng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT với kết quả tích cực, đạt được mục tiêu đề ra.

Xây dựng “thương hiệu” đào tạo 9+

Trao đổi về chương trình đào tạo 9+, thầy Đồng Văn Ngọc- Hiệu trưởng trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội khẳng định: Nhà trường cam kết về đào tạo chất lượng cao ở tất cả các trình độ được đào tạo, trong đó nhấn mạnh mục tiêu xây dựng và định vị thương hiệu cho hệ đào tạo 9+. Cụ thể, đào tạo cho học sinh đạt trình độ văn hóa THPT và phấn đấu tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT hàng năm từ 98% trở lên. Bên cạnh đó, từng bước thay đổi nhận thức của người học, nhất là cha mẹ học sinh thay đổi lối mòn tư duy là trượt THPT mới đi học hệ này.

Chương trình đào tạo 9+ giúp học sinh giảm sức ép học các môn văn hóa, được đào tạo nghề trong môi trường chuyên nghiệp, đầy đủ trang thiết bị, máy móc công nghệ cao. Chỉ sau 3 năm học các em đã tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp trình độ Trung cấp nghề, đủ điều kiện học liên thông lên trình độ Cao đẳng chính quy và tốt nghiệp danh hiệu Kỹ sư thực hành. Đào tạo 9+ cũng rút ngắn đáng kể thời gian học tập và hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp cho người học. Bên cạnh đó, học sinh còn được doanh nghiệp và nhà trường cam kết việc làm với mức lương khởi điểm từ 8 triệu đồng trở lên.

 

Trung Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo