Xã hội

Đà Nẵng sẽ lấy ý kiến người dân về phố du lịch An Thượng

DNVN - UBND phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về đầu tư, vận hành, vướng mắc, bất cập của phố du lịch An Thượng (giai đoạn 1) và góp ý sơ bộ về dự kiến tổ chức phố du lịch An Thượng (giai đoạn 2).

Tăng thêm 11 chuyến bay nội địa đến Đà Nẵng dịp lễ 30/4 – 1/5 / Đà Nẵng và Cần Thơ kết nối cung cầu hàng hoá

Hàng chục cơ sở kinh doanh lưu trú tại phố du lịch An Thượng phản ánh bất cập

Ngày 20/4/2024, 14 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú tại phố du lịch An Thượng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) ký tên, gửi UBND TP Đà Nẵng, Sở Du lịch TP, UBND quận Ngũ Hành Sơn nêu nhiều phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động của khu phố du lịch này.

Phố du lịch An Thượng.

Phố du lịch An Thượng.

Theo họ, khu phố du lịch An Thượng nhiều năm qua được biết đến như là khu “phố Tây” ở Đà Nẵng với nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú được đầu tư xây dựng hiện đại, tiện nghi, cung cấp dịch vụ lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc tế; cùng các nhà hàng, quán ăn, quán bar và nhiều dịch vụ phụ trợ khác đáp ứng nhu cầu của du khách.

Từ ngày 15/7/2023, khi TP Đà Nẵng triển khai thực hiện thí điểm phố đi bộ - chợ đêm An Thượng thì cảnh quan khu “phố Tây” đã thay đổi nhanh chóng. Các kios chủ yếu bán sản phẩm lưu niệm giản đơn; các quầy thực phẩm tươi sống như tôm, cá, mực... bán ngay trên đường phố, không được che đậy, không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thực phẩm; các điểm massage vỉa hè mọc lên rất nhiều… Đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá bán, bán sản phẩm không đạt chất lượng; chèo kéo, mời chào gây phiền toái cho du khách.

Đặc biệt, từ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến nay, tình trạng hát karaoke dưới danh nghĩa “hát cho nhau nghe” khiến tiếng ồn từ sân khấu ca nhạc ở góc đường Võ Nguyên Giáp – Hoàng Kế Viêm – Trần Bạch Đằng kéo dài từ 19 – 23h, thậm chí 24h đêm.

“Người đến hát thường đã có hơi men, mượn sân khấu này để “xả rượu”, lại được sự trợ giúp của dàn loa "khủng" khiến người dân và du khách xung quanh bị “tra tấn” bởi những âm thanh đinh tai nhức óc”, đại diện khách sạn S ở khu vực này phản ánh.

Vị này cho biết thêm, không hiếm cảnh khách mặc quần cộc, cởi trần hay mặc quần áo ngủ hát như hét trên sân khấu trong sự ngán ngẩm, thậm chí sợ hãi của nhiều du khách đang lưu trú tại khu vực. Một số điểm kinh doanh tự phát nhạc từ loa riêng cũng gây xung đột âm thanh. Cùng với đó là các loa rao đêm bán bánh bao, bánh chưng, chả… phát tự động liên tục không ngừng nghỉ tới tận 2 – 3h sáng.

 

“Tình hình trên khiến bầu không khí trong khu vực nhiều khi trở nên bát nháo, hỗn tạp, đặc biệt là trong khung giờ từ 20 – 24h hàng đêm, đã gây nhiền ảnh hưởng rất tiêu cực và có tác động trực tiếp đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như sức khoẻ của người dân sinh sống tại khu vực”, đơn phản ánh với 14 chữ ký đại diện cho các cơ sở lưu trú ở phố du lịch An Thượng cho biết.

Họ cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy hiện trạng lộn xộn, kém văn minh, không phù hợp của phố du lịch này đã bị phản ánh nhiều trên các diễn đàn trực tuyến, các blog cá nhân với rất nhiều đánh giá tiêu cực của du khách.

Nhiều khách nước ngoài đã bức xúc viết đánh giá, nhận xét rất tiêu cực, đưa các video clip tự quay lên Facebook, Instagram, YouTube… phản ánh tình trạng tiếng ồn quá mức và hoạt động nhếch nhác của khu phố chợ đêm.

Là những công ty, hộ kinh doanh từ rất nhiều nơi trên cả nước đến đầu tư làm ăn tại Đà Nẵng và đã đầu tư lớn mở cơ sở dịch vụ lưu trú tại “phố Tây” An Thượng, các đơn vị ký tên trong đơn phản ánh cho rằng việc tổ chức phố đi bộ - chợ đêm An Thượng như hiện nay là không phù hợp, nếu không muốn nói là xa lạ và gây hại cho du khách cũng như môi trường du lịch của TP.

Các điểm bán hàng lưu niệm tại phố du lịch An Thượng khá vắng khách.

Các điểm bán hàng lưu niệm tại phố du lịch An Thượng khá vắng khách.

 

“Chúng tôi khẩn thiết đề nghị UBND TP, Sở Du lịch Đà Nẵng, UBND quận Ngũ Hành Sơn có giải pháp quản lý chợ đêm, đặc biệt là dẹp ngay vấn nạn karaoke đường phố núp dưới cái tên “hát cho nhau nghe”. Đồng thời cần nghiên cứu, tổ chức phố du lịch An Thượng văn minh, trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách trong và ngoài nước”, đơn phản ánh nêu rõ.

Theo các đơn vị này, không nên nguỵ biện rằng cần có các hoạt động ca hát, nhảy múa để khách du lịch có trò chơi, tiêu khiển như Thái Lan từng làm… Thực tế cho thấy tổ chức quá nhiều hoạt động ca hát tự phát, biểu diễn nghệ thuật, lễ hội đường phố… mà không có chất lượng nghệ thuật thì không thể thu hút được khách quốc tế vốn có nhu cầu hưởng thụ văn hoá ở cao.

Họ cũng cho biết, sau gần 1 năm vận hành, chợ đêm phố du lịch An Thượng đã trở nên vắng vẻ, đìu hiu, người bán nhiều hơn người mua bởi khách du lịch không chịu nổi đã bỏ đi nơi khác để tìm chỗ lưu trú và giải trí phù hợp. Kể cả nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực cũng phản ánh gay gắt vì bị ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt.

Lấy ý kiến người dân

Được biết, vào ngày 8/5, UBND phường Mỹ An sẽ tổ chức cuộc họp lấy ý kiến nhân dân về đầu tư, vận hành, vướng mắc, bất cập của phố du lịch An Thượng (giai đoạn 1) và góp ý sơ bộ về dự kiến tổ chức phố du lịch An Thượng (giai đoạn 2), với sự tham dự của lãnh đạo UBND quận Ngũ Hành Sơn, BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Đà Nẵng (chủ đầu tư); các phòng, ban hữu quan quận Ngũ Hành Sơn, phường Mỹ An; nhân dân các tổ dân phố 22, 23 và 24 phường Mỹ An.

 

Theo đề xuất của UBND quận Ngũ Hành Sơn, phố du lịch An Thượng (giai đoạn 2) triển khai đoạn từ đường Lê Quang Đạo đến Mai Thúc Lân với tổng mức đầu tư dự kiến gần 120 tỷ đồng từ ngân sách TP, thực hiện từ năm 2023 – 2026. Bên cạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại còn xây dựng quảng trường trung tâm (khoảng 6.300m2) với các hạng mục sân khấu, bệ ngồi, phun nước, cây xanh… để tổ chức các sự kiện, nghệ thuật sắp đặt, các tiện ích phục vụ người dân và du khách.

“Xây dựng phố du lịch An Thượng giai đoạn 2 nhằm hoàn thiện, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với giai đoạn 1 cũng như toàn bộ khu vực lân cận; hình thành tuyến phố du lịch ven biển Đà Nẵng - một tổ hợp vui chơi giải trí, mua sắm sầm uất cả ngày lẫn đêm, tạo sản phẩm đặc trưng đáp ứng nhu cầu của du khách”, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hoà nhấn mạnh.

Ngày 2/4, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã có Thông báo 140/TB-VP kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường giao UBND quận Ngũ Hành Sơn chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo UBND TP Đà Nẵng xem xét, quyết định.

Cụ thể, rà soát đánh giá hiệu quả khai thác các hạng mục đã đầu tư tại phố du lịch An Thượng. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân (các chủ cơ sở, hộ kinh doanh, du khách…) về việc đầu tư, vận hành phố du lịch; các vướng mắc, bất cập cần điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường tại khu vực.

Đối với đề xuất chủ trương đầu tư khu phố du lịch An Thượng (giai đoạn 2), UBND TP Đà Nẵng giao UBND quận Ngũ Hành Sơn chỉ đạo đơn vị tư vấn trên cơ sở kết quả đánh giá hiệu quả đầu tư giai đoạn 1 để nghiên cứu, đề xuất quy mô đầu tư giai đoạn 2 cho phù hợp.

 

Trong đó, lưu ý rà soát pháp lý về đất đai đối với đề xuất bố trí 2 bãi đỗ xe tại khu vực; rà soát chi phí, sự phù hợp khi đề xuất đầu tư hệ thống cấp điện ngầm từ ngân sách TP (có thể nghiên cứu đề xuất đầu tư hào kỹ thuật, còn hệ thống cấp điện do điện lực đầu tư). Phát phiếu lấy ý kiến góp ý sơ bộ của nhân dân trong khu vực dự kiến tổ chức phố du lịch An Thượng (giai đoạn 2)…

Đối với đề xuất tranh tường, bích hoạ, phù điêu và nghệ thuật sắp đặt, UBND TP Đà Nẵng đề nghị trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Đà Nẵng nghiên cứu, triển khai thí điểm tại một phần tường rào chung quanh trường ở góc đường Ngô Thì Sĩ – Lê Quang Đạo; kinh phí thực hiện từ nguồn của đơn vị hoặc huy động xã hội hoá.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm