Mỗi năm có hàng trăm người phải cấp cứu vì thuốc lá điện tử
Thuốc lá điện tử hại như thuốc lá truyền thống / Làm thế nào để quản lý hiệu quả thuốc lá điện tử?
Chia sẻ tại “Chương trình tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức về thuế thuốc lá và các vấn đề liên quan”, ngày 31/10, ThS Bùi Thị Thu Hà - Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng.
Trong đó, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3%; nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2% và nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.
Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.
“Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là trong giới trẻ. Đây là các sản phẩm thuốc lá mới có tác hại cấp tính và mãn tính đối với sức khỏe người sử dụng.
Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm có hàng trăm người phải cấp cứu do ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”, bà Hà lo ngại.
Một trong những thực trạng rất đáng lo ngại là, quảng cáo, bán hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên mạng xã hội đang rất phổ biến. Lượng tin bài quảng cáo, mua bán, tiếp thị lớn, tập trung nhiều ở mạng xã hội Tiktok (49,7%), Facebook (48,8%). Đối tượng tiếp cận với quảng cáo, tiếp thị trên internet chủ yếu là người trẻ (dưới 35 tuổi).
Bên cạnh đó, việc mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng online, vận chuyển dễ dàng. Đơn hàng được đóng gói, chuyển phát qua các đơn vị vận chuyển dưới dạng thông tin “thuốc trị mụn”, “mỹ phẩm” để qua mắt cơ quan chức năng, phụ huynh.
Các cửa hàng thuốc lá điện tử được thiết kế để thu hút giới trẻ với thiết kế đẹp như các cửa hàng bán đồ công nghệ hoặc quán cà phê. Các cửa hàng có các chương trình khuyến mại (cho dùng thử, tặng sản phẩm) để hấp dẫn khách hàng.
Bà Hà cho biết, theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt hiện nay, Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm 38,8% giá bán lẻ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị tỷ lệ này cần đạt ít nhất 70% - 75% giá bán lẻ.
Chiến lược Quốc gia về Phòng chống hút thuốc lá đến năm 2030 là xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá bảo đảm đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO.
Để ngăn ngừa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế đang đề xuất trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.
Bà Hà khuyến nghị cần tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá. Trong đó có các hình thức quảng cáo, khuyến mại trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet.
“Cần tổ chức thường xuyên các hoạt động truyền thông và các chiến dịch truyền thông phòng chống hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các hoạt động truyền thông cần đa dạng, phong phú phù hợp với các nhóm đối tượng; tăng cường hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng”, bà Hà nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo