Y tế

Những tác dụng phụ thường gặp và hiếm gặp sau khi tiêm vaccine COVID-19

DNVN - Những tác dụng phụ thường gặp và hiếm gặp của vaccine COVID-19 là gì và cách xử lý, người tiêm cần lưu ý gì sau khi tiêm, những đối tượng nào cần thận trọng khi tiêm vaccine COVID-19?

Vắc xin COVID-19: Hai mũi tiêm hai loại vắc xin khác nhau có được không? / Việt Nam nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 một liều tiêm theo công nghệ Mỹ

Vaccine COVID-19 đang được triển khai trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, theo Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, đã có gần 3,7 triệu người Việt Nam được tiêm vaccine phòng bệnh. Vậy, những tác dụng phụ thường gặp và hiếm gặp của vaccine COVID-19 là gì và cách xử lý, người tiêm cần lưu ý gì sau khi tiêm, những đối tượng nào cần thận trọng khi tiêm vaccine COVID-19?

hjk

Những tác dụng phụ thường gặp và hiếm gặp của vaccineCOVID-19 là gì và cách xử lý, người tiêm cần lưu ý gì sau khi tiêm?

Tác dụng phụ phổ biến (gặp ở 1 trong 10 người tiêm): đau, sưng, ngứa vị trí tiêm; cảm thấy không khỏe, mệt mỏi; ớn lạnh hoặc cảm thấy sốt; đau đầu; buồn nôn; đau khớp hoặc đau cơ.

Tác dụng phụ hiếm gặp hơn (tỷ lệ trong 10 người có chưa đến 1 người gặp các tác dụng phụ này): sưng, đỏ hoặc nổi cục ở chỗ tiêm; sốt; bị ốm (nôn mửa) hoặc tiêu chảy; có các triệu chứng giống cúm, như sốt, đau họng, chảy nước mũi, ho và ớn lạnh

Tác dụng phụ hiếm gặp (gặp ở 1 trong số 100 người tiêm): chóng mặt; chán ăn; đau bụng; sưng hạch; đổ mồ hôi nhiều, ngứa da hoặc phát ban.

 

Tác dụng phụ rất hiếm gặp: Những tác dụng phụ rất hiếm gặp song vẫn xảy ra sau khi tiêm vaccine COVID-19 là đông máu, sốc phản vệ, viêm cơ tim và hội chứng Guillain-Barre.

Đông máu

Đây là hiện tượng máu đông kèm theo giảm tiểu cầu. Theo thống kê, có khoảng 6 ca/1 triệu liều AstraZeneca gặp biến chứng đông máu; xảy ra nhiều hơn ở người dưới 60 tuổi. Hiện tượng này cũng xảy ra với vắc xin Johnson&Johnson.

Những đối tượng nào có nguy cơ gặp biến chứng này cao hơn?

Người trẻ tuổi và phụ nữ có tỷ lệ gặp biến chứng đông máu sau tiêm vaccine cao hơn. Tuy nhiên vẫn có trường hợp nam giới và người cao tuổi gặp biến chứng này. Vẫn chưa rõ liệu nữ giới có nguy cơ mắc biến chứng này cao hơn nam giới hay không. Ở một số quốc gia, do nữ giới chiếm tỉ lệ lớn trong nhóm nhân viên y tế tuyến đầu và được ưu tiên tiêm chủng, nên tỉ lệ nữ được tiêm vaccine COVID-19 cũng cao hơn nam giới.

 

Người từng mắc một loại bệnh khác có tăng nguy cơ bị đông máu sau tiêm?

Dựa trên thông tin hiện tại, chưa khẳng định được tình trạng tiểu sự bệnh tật của người tiêm có làm tăng biến chứng đông máu không, hoặc làm cho tình trạng đông máu trở nên tồi tệ hơn không. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, một số tình trạng hiếm gặp có thể làm tăng nguy cơ đông máu, như người bị huyết khối xoang tĩnh mạch não (một loại cục máu đông trong não); người giảm tiểu cầu do heparin (phản ứng với thuốc gọi là heparin); huyết khối giãn tĩnh mạch vô căn (cục máu đông trong tĩnh mạch bụng); Hội chứng kháng phospholipid có huyết khối.

Triệu chứng của biến chứng đông máu sau tiêm gồm những gì?

Biến chứng thường xảy ra trong khoảng 4 đến 26 ngày, hầu hết là sau khi tiêm mũi 1, phổ biến là đau đầu nghiêm trọng, dai dẳng, không đỡ khi uống thuốc giảm đau thông thường, cảm giác đau tăng hơn khi nằm, hoặc kèm theo buồn nôn hoặc nôn

 

Ngoài biến chứng đau đầu, người tiêm còn có thể cảm thấy nhìn mờ, nói khó, lơ mơ, co giật, khó thở, đau ngực, sưng phù chân, đau bụng dai dẳng, xuất huyết li ti dưới da cách xa vị trí tiêm, kèm theo các triệu chứng trên.

Nếu có 1 trong các triệu chứng trên, bạn cần phải tới cơ sở y tế để được thăm khám ngay. Khi đi khám, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm máu và thực hiện chẩn đoán hình ảnh.

Sốc phản vệ

Tại Anh, tỷ lệ phản vệ với vắc xin AstraZeneca và Pfizer lần lượt là 17.5 và 14 trên 1 triệu mũi tiêm. Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng rất nhanh. Tùy theo cơ địa mỗi người, bất cứ thuốc hoặc yếu tố lạ (như thức ăn, phấn hoa, mỹ phẩm, côn trùng…) nào cũng có nguy cơ gây phản vệ. Phản vệ xảy ra đột ngột, có thể đe dọa tính mạng nhưng có thể phục hồi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và xử trí đúng.

Với vaccine, phản vệ thường xuất hiện trong 30 phút đầu sau tiêm, cũng có thể muộn hơn dù hiếm gặp.

 

Một số các triệu chứng bị sốc phản vệ là : Mày đay, phù mạch nhanh; khó thở, tức ngực, thở rít; đau bụng hoặc nôn; tụt huyết áp hoặc ngất; rối loạn ý thức.

Viêm cơ tim

Đã có những trường hợp được chẩn đoán bị viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine Pfizer và Moderna, tuy nhiên rất hiếm gặp và hay gặp ở nam giới 16-30 tuổi. Mặc dù vậy, vẫn có nữ giới và người lớn tuổi hơn gặp tình trạng này. Hầu hết những người bị chứng này đã hồi phục sau khi nghỉ ngơi và điều trị cơ bản.

Tình trạng viêm cơ tim gặp sau tiêm liều 2 hơn là chỉ tiêm 1 liều. Tỷ lệ xấp xỉ 1/175.000 liều (châu u).

Vẫn chưa rõ tình trạng này liệu có phải do vaccine gây ra hay không. Tuy nhiên, hãy liên hệ với cán bộ y tế nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây trong vòng vài ngày sau khi được tiêm chủng: tức ngực; khó thở; tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực.

 

Hội chứng Guillain-Barre

Ngoài ra còn có một tác dụng phụ rất hiếm gặp khi tiêm vaccine COVID-19 nừa là Hội chứng Guillain-Barre, viêm dây thần kinh với biểu hiện là đau, tê, yếu cơ và có thể khó khăn khi đi lại. Hiện chưa rõ đây có phải là tác dụng phụ của vaccine không nhưng cần theo dõi. Người có dấu hiện trên sau khi tiêm vaccine cần đi khám và điều trị.

Hoàng Lan (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm