Hiệp hội doanh nghiệp

Toàn văn tham luận của PCT Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME Tô Hoài Nam tại Hội nghị Bộ trưởng DNNVV APEC 2017

(DNVN) - Doanh Nghiệp Việt Nam xin đăng tải toàn văn bài tham luận của Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam tại Hội nghị Bộ trưởng DNNVV APEC 2017, diễn ra tại TP. HCM.

Kinh thưa: Thủ Tướng Chính Phủ Nước CHXHCN VN Nguyễn Xuân Phúc

Kính thưa: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ,Các vị Bộ trưởng, các Trưởng đoàn các nền kinh tế APEC
Kính thưa: Các Đại biểu tham dự Hội nghị
Trước hết, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trân trọng cảm ơn Ban Tổ chức đã cho phép và tạo cơ hội cho chúng tôi được phát biểu tại Hội nghị rất quan trọng đối với DNNVV của APEC trong một thế giới đang có những thay đổi hết sức sâu sắc về cả chính trị, kinh tế và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 - đã làm thay đổi cách thức sản xuất kinh doanh, và mức độ liên kết. Từ thực tiễn hoạt động của DNNVV Việt Nam,  chúng tôi xin chia sẻ một số ý kiến về vấn đề Nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV  tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng chí Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME Tô Hoài Nam tại Hội nghị.

Với số lượng chiếm tới trên 97% , DNNVV Việt Nam hiện nay có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút khoảng trên 50% lực lượng lao động. DNNVV Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng khi số lượng sẽ tăng lên 1 triệu vào năm 2020 theo mục tiêu Chính phủ đề ra.
Tại cuộc gặp của Thủ Tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Thủ Tướng đã nhắc nhở cộng đồng DNNVV “Cho dù những cái bắt tay giữa DNNVV Việt Nam và tập đoàn đa quốc gia có thể ví như cuộc chơi của người bé nhỏ với gã khổng lồ nhưng đó chính là con đường ngắn nhất, tốt nhất để doanh nghiệp chúng ta lớn nhanh và ghi tên mình vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu”.

Trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi cả nền kinh tế nói chung và DNNVV Việt Nam nói riêng phải vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, đứng vững và vươn lên trong sân chơi toàn cầu. Tuy nhiên , sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các DNNVV Việt Nam hiện nay còn ở mức khiêm tốn. Hiện nay, chỉ có khoảng 21% DNNVV Việt Nam liên kết được với chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi con số đó ở Thái Lan là 30% và ở Malaysia là 46%. Có hai vấn đề cốt yếu ở đây là: (i) Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực đẩy mạnh cải cách song môi trường kinh doanh vẫn còn không ít rào cản sự phát triển sản xuất kinh doanh. (ii)năng lực cạnh tranh của DNNVV Việt Nam yếu, kinh nghiệm hội nhập chưa nhiều, khả năng đáp ứng yêu cầu về công nghệ, chuẩn mực quản trị để cung ứng cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn, công ty đa quốc gia còn thấp.
Và để vượt qua được hai thách thức này
Về phía chính phủ phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trưởng đầu tư kinh doanh, khâu đột phá trong phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay.
Về phía các DNNVV, cần có  nhiều hơn nữa khát vọng vươn lên, làm giàu cho mình và đất nước; sự tự tin, tính chủ động trong tìm kiếm cơ hội và kết nối, với tất cả các loại hình doanh nghiệp kể các các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các công ty lớn; nâng cao kỹ năng quản trị và tính chuyên nghiệp trong mọi hoạt động của mình.
Hiệp hội DNNVV Việt Nam cam kết vươn lên theo kịp đòi hỏi phát triển mới, luôn đồng hành cùng các DNNVV và là cầu nối hiệu quả cho sự tương tác Chính phủ - doanh nghiệp, doanh nghiệp - thị trường, đối tác.
Thưa toàn thể hội nghị
Với tầm quan trọng của DNNVV trong toàn khu vực APEC, tại hội nghị này chúng tôi xin có một số kiến nghị gửi tới Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp APEC.
Thứ nhất, APEC cần tiếp tục thúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận được thị trường vốn, xâm nhập thị trường và tận dụng, phát huy sức mạnh của công nghệ số.
Thứ hai, APEC cần có thêm sáng kiến thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng cho DNNVV nhằm tăng năng suất, thích ứng tốt hơn với đòi hỏi mới về phát triển bền vững và ngày càng cao của người tiêu dùng. Một ví dụ ở đây có thể là chương trình xây dựng các mô hình chuỗi giá trị gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ ba, APEC cần đẩy mạnh nhiều hình thức chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu (thông qua diễn đàn, hội thảo, hội chợ, dự án…) giữa DNNVV với nhau, giữa DNNVV với  các doanh nghiệp lớn , giữa khối các Hiệp hội DNVVN,… trong khu vực APEC.
Việt Nam là một thành viên tích cực của APEC. Trong một thế giới mà mức độ phụ thuộc vào nhau ngày càng nhiều hơn, hiệp hội DNNVV Việt Nam, cộng đồng DNNVV Việt Nam luôn mong muốn có được cơ hội kết nối, hợp tác với doanh nghiệp của các nền kinh tế thành viên APEC trong chuỗi giá trị toàn cầu để cùng phát triển.
Chúc Hội nghị thành công.
Chúc quí vị sức khỏe và thành đạt.
Xin chân thành cảm ơn!
Nên đọc

Theo VINASME
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo