Khám phá

Trận chiến “trợ lý ảo” của Google và Apple

Apple là hãng tiên phong trong cuộc cách mạng công nghệ di động thông minh với việc phát triển tính năng nhận diện giọng nói Siri vào năm 2011. Ngay sau đó, các hãng sản xuất khác như Google, Samsung, LG cũng đều phát triển các ứng dụng điều khiển bằng giọng nói của riêng mình.

Việc thâu tóm Siri vào năm 2011 hứa hẹn một cuộc chiến tìm kiếm giữa hai gã khổng lồ Apple và Google.

Đánh giá được ưu thế cạnh tranh của tính năng này, các gã công nghệ khổng lồ như Google và Apple đang đầu tư hàng trăm triệu đôla cho các ứng dụng trợ lý ảo Google Now hay Siri nhằm giúp người dùng tương tác hơn nữa với các thiết bị thông qua giọng nói. Tính năng này đặc biệt hữu ích khi người dùng có những câu hỏi dài, khi đang lái xe, hay bận rộn.

Được ra mắt vào tháng 7/2012, mục tiêu của Google Now là dự đoán những điều mà người dùng muốn làm thông qua việc đọc lịch hoặc email, và phân tích vị trí của người dùng từ chiếc điện thoại thông minh của họ. Ví dụ, nếu người dùng chuẩn bị đi công tác nước ngoài, Google Now sẽ cung cấp các thông tin về các chuyến bay dựa trên email xác nhận đặt phòng hay các sự kiện sắp diễn ra tại khu vực đó.

Google đã dự đoán được công cụ tìm kiếm web chủ đạo của mình có thể đánh bại được Apple trong trận chiến biến những chiếc điện thoại thông minh và những thiết bị khác trở thành người trợ lý cá nhân với tính năng điều khiển bằng giọng nói.

Ưu điểm thứ hai của Google Now là các câu lệnh được xử lý trên công nghệ đám mây với tốc độ xử lý nhanh, độ chính xác của câu trả lời cao, và khả năng hoàn thiện theo thời gian tốt. 

Scott Huffman, trưởng nhóm kỹ sư dự án Google Now, cho biết Google đã có cơ hội bước đầu để cạnh tranh bởi vì công cụ tìm kiếm của Google hiện nay cho phép các ứng dụng hiểu được cách thức ngôn ngữ được sử dụng trong thế giới thực.

Google Now cũng đặt mục tiêu phát triển đồng hồ, ô tô và phòng khách thông minh được điều khiển hoàn toàn thông qua giọng nói.

Còn ứng dụng Siri của Apple sau 2 năm ra mắt vẫn không thể thay đổi cách thức người dùng sử dụng thiết bị di động.

Apple cho biết Siri có thể đọc và trả lời tin nhắn, chỉ hướng, trả lời các câu hỏi bằng cách mở trình duyệt web và tìm kiếm câu trả lời, đặt đồng hồ báo thức, và lập những ghi chú nhắc nhở. Tuy nhiên, theo một khảo sát của hãng nghiên cứu Intelligence Voice, có tới 46% người dùng không hài lòng về chất lượng của Siri.

Nhận ra ưu thế cạnh tranh của Google, “Quả táo khuyết” đã chi hơn 200 triệu USD để thâu tóm Topsy, một công ty khởi nghiệp chuyên phân tích dữ liệu trên Twitter.

Theo nhiều nhà quan sát, Apple sẽ sử dụng công nghệ phân tích ngôn ngữ này để nâng cao sự hiểu biết của Siri về các câu hỏi trước khi xử lý chúng hoặc ủy quyền các câu hỏi đó cho dịch vụ web bên thứ ba để xử lý.

 

Dương Hương
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo