Góc nhìn

‘Trận địa’ bán lẻ: Không lo doanh nghiệp nội thua trên sân nhà!

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nêu ra trong phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 17/11.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà (TP HCM) đặt câu hỏi tới Bộ trưởng: Hiện các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài đang đẩy mạnh thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam. Một mặt, các tập đoàn này tăng cường mở nhiều siêu thị, cửa hàng, mạng lưới bán lẻ trên cả nước. Mặt khác tăng cường hoạt động chuyển nhượng, mua bán, sáp nhập các hệ thống phân phối hiện đại của nước ta.

Đại biểu Hòa nói “Như vậy, hệ thống phân phối sẽ thế nào? Tình hình này ảnh hưởng đối với nền sản xuất trong nước ra sao? Việc tiêu thụ hàng hóa Việt Nam sẽ ra sao khi chúng ta không làm chủ được hệ thống phân phối? Liệu chúng ta có bị thua trên sân nhà hay không trong khi chúng ta đang chuẩn bị thực hiện các Hiệp định thương mại tự do trên thế giới và khu vực”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trước khi trở thành thành viên của WTO, chúng ta đã nhận thức rằng lĩnh vực phân phối, trong đó có bán lẻ là hết sức phức tạp và quan trọng nên chủ trương của Chính phủ là mở cửa thị trường phân phối bán lẻ nhưng mở cửa có lộ trình để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thương mại trong nước có thể đứng vững và cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.

Trên thực tế lâu nay Việt Nam vẫn có những sự khống chế nhất định chứ không hoàn toàn mở cửa đối với thị trường bán lẻ và Việt Nam sẽ tiếp tục giữ nguyên tắc mở cửa từ từ, có lộ trình đối với thị trường bán lẻ.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 900 cơ sở bán lẻ thì nhà đầu tư nước ngoài mới có 70 cơ sở, còn lại số lượng lớn các cơ sở thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô như Sài Gòn Corp, Hapro ... Con số này minh chứng cho sự lớn mạnh cuả doanh nghiệp nội trong lĩnh vực bán lẻ.

Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2013, tổng dung lượng bán lẻ của thị trường Việt Nam là xấp xỉ 2,7 triệu tỷ đồng, năm nay ước đạt 3 triệu tỷ đồng. Nhưng tỷ trọng dung lượng bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm có 3,4%; không bằng tỷ trọng cách đây 5 năm là 3,7-3,8%.

Như vậy, Việt Nam vẫn mở cửa thị trường bán lẻ nhưng mở cửa có lộ trình và được kiểm soát. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ và bằng những nỗ lực riêng, doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn vươn lên và phát triển.

VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo