Doanh nghiệp

Trên bước đường thành công, không có vết chân của kẻ lười biếng

Từ những vùng đất chiêm trũng bỏ hoang nhưng dưới bàn tay của chàng cử nhân Nguyễn Quý Hào (sinh năm 1983) ở xóm 4 xã Thạch Thán (Quốc Oai, Hà Nội) thì vùng đất ấy lại cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Tốt nghiệp khoa Thú y, trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội năm 2007, Nguyễn Quý Hào không mang hồ sơ lao ra Thủ đô xin việc như bao bạn bè mà anh quyết định mang kiến thức về quê làm giàu.

Biến đồng hoang thành trang trại 

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nên Hào sớm được tiếp xúc với công việc chăn nuôi, đồng áng. Bố mẹ Hào cũng có nuôi lợn để phát triển kinh tế nhưng do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ vì vậy lợi nhuận kinh tế không được bao nhiêu. Đã thế bệnh dịch hoành hoành nên đã không ít lần cả xóm phải mang lợn đi tiêu hủy. 

“Khoảng năm 2001 bố mẹ em bỏ gần 20 triệu nuôi 3 con lợn nái, trong năm đầu tiên sinh được ra 30 con lợn con. Bố mẹ ra sức chăm sóc, đầu tư mua thêm thức ăn công nghiệp về cho ăn, đàn lợn lớn nhanh như thổi nhưng chỉ một trận dịch heo tai xanh phải mang đi tiêu hủy thế là bao nhiêu vốn liếng đổ hết xuống sông”. Hào nhớ lại.  Biết được nguyên nhân do việc chăn nuôi ở quê quá nhỏ lẽ lại thiếu hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc vì vậy Hào quyết định học thật giỏi để thi vào ngành thú ý để khi học xong mang kiến thức về quê làm giàu.

Ngày tốt nghiệp mang tấm bằng đại học về quê, bố mẹ  ra sức khuyên bảo Hào đi xin việc Nhà nước để làm cho thoát cảnh “chân lấm tay bùn” nhưng Hào không chịu. Trái lại anh thuyết phục bố mẹ vay thêm vốn để ở nhà mở trang trại chăn nuôi, phát triển kinh tế. Thấy con quyết tâm, cuối cùng bố mẹ Hào đã giao cho anh tiếp quản 2ha đất đấu thầu để mở trang trại chăn nuôi lợn và phát triển kinh tế theo mô hình VAC.

Khởi nghiệp từ số vốn 70 triệu đồng bố mẹ Hào vay mượn được từ anh em, họ hàng, Hào khăn gói ra đồng dựng trại ở để xây chuồng trại chăn nuôi. Ban đầu do thiếu vốn Hào chỉ thả 5 mạ lợn nái nuôi thí điểm. Về sau thấy đây là hướng đi tốt Hào vận động bố mẹ vay thêm ngân hàng hơn 200 triệu đồng để mở rộng quy mô nuôi lợn, nuôi gà, đào thêm ao thả cá và trồng cây ăn quả. 

Hào kể: “Trong một lần đi thực tập mình được nhà trường cho đến tham quan một trang trại nuôi lợn quy mô lớn ở Quảng Ninh, nhìn đàn lợn hàng trăm con to lớn trong chuồng khiến mình mê tít. Chỉ mong sao học thật nhanh ra trường để về nhà thực hiện ước mơ”.

Dù có được kiến thức trong tay nhưng Hào cũng gặp không ít khó khăn. Có lúc giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp của Hào dường như sắp sụp đổ. Đó là vào khoảng năm 2006 khi đàn lợn trong chuồng của Hào đã lên tới hàng trăm con, bỗng dưng da thịt thâm tím rồi bỏ ăn. Một mình không kịp trở tay cứu chữa đã làm cho hơn một nửa số lợn trong chuồng bị chết khiến bao vốn liếng đổ hết xuống sông. 

“Lúc đấy do quá chủ quan mình giao hết công việc cho công nhân từ tiêm chích phòng dịch đến dọn trang trại, còn mình dành thời gian để mở thêm cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc, lâu lâu mới đến trang trại kiểm tra nên khi phát hiện ra bệnh thì quá muộn. Rút kinh nghiệm sau lần đó mình thuê người quản lí cửa hàng để đích thân đến trang trại chăm sóc đàn lợn”. Hào nhớ lại.

Lấy ngắn nuôi dài dần dần số lợn nái trong trang trại của Hào cũng dần tăng lên từ 20 con lợn nái, rồi lên 50 con, đến năm 2012 Hào đã có trang trại rộng lớn với 120 con lợn nái, mỗi năm  bán ra thị trường 2300 con lợn thịt. Bên cạnh đó đàn gà hơn 2500 con gà đẻ, mỗi năm cũng cho xuất 7000 quả trứng ra thị trường. Ngoài ra vườn cam, bưởi và hồ cá rộng hơn 1 mẫu cũng cho thu hoạch mỗi năm cả trăm triệu đồng. Riêng năm 2013 lợi nhuận thu về gần 900 triệu đồng/năm. Đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động.

Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi lợn Hào bật mí:  “Khó nhất là khâu chọn lợn nái. Có được lợn nái tốt sẽ gây dựng được đàn lợn con nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy để có được giống lợn tốt thì người nuôi phải biết chọn con nái tốt, con giống tốt phải có nguồn gốc từ những lợn mẹ sinh sản có năng suất cao, lợn nái giống phải có thân dài, mông nở, lông thưa và có từ 12 vú trở lên. Trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi, khử độc làm sạch chuồng trại giữ nhiệt độ phù hợp và tiêm phòng dịch cho lợn phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao”.

Anh Nguyễn Quý Hào và trang trại lợn của mình

Nhiệt tình giúp bạn bè cùng phát triển kinh tế

Ấn tượng đầu tiên khi tôi tìm về trang trại nuôi lợn của Hào là dòng chữ: “Trên bước đường thành công không có vết chân của kẻ lười biếng” được Hào viết ngay trên bức tường nơi cổng ra vào trang trại. Hào chia sẻ: “Bố mẹ em nghèo lắm, nuôi được mấy anh chị em ăn học xong thì trong nhà không còn gì đáng giá ngoài những tấm giấy khen của con cái. Thương bố mẹ nhưng không biết làm sao được vì vậy em quyết tâm phải chăm chỉ làm ăn, thoát nghèo để không phụ lòng của bố mẹ. Dòng chữ ấy là quan điểm sống của em vì vậy em ghi ngay ở cổng ra vào để hàng ngày nhắc nhở mình phải cố gắng”. 

Không chỉ biết làm giàu cho mình Hào còn rất nhiệt tình truyền thụ lại kinh nghiệm cho nhiều thanh niên, người dân trong và ngoài xã. “Mình biết thì hướng dẫn cho người khác, cũng như trước đây mình được những người đi trước truyền thụ kinh nghiệm lại cho mình vậy”, Hào bày tỏ. 

Hào cho biết không chỉ người dân trong xã mà không ít người ở các xã khác cũng đến học hỏi. Có người còn ở tận miền Trung nghe tiếng cũng ra nhà Hào ăn ở cả tháng để học tập kinh nghiệm. “Mình nhớ nhất là hai vợ chồng bác Hưng quê ở Hưng Yên. Hai bác đã về hưu rồi nhưng cũng xuống ở tại trang trại mình gần một tháng để học cách chăm sóc và phòng dịch cho lợn để về mở trang trại và hướng dẫn cho con cháu làm ăn”.

Theo Hào, phát triển kinh tế bằng mô hình VAC không khó, hiệu quả kinh tế lại cao tuy nhiên do vốn lớn nên nhiều người không dám mạnh dạn làm. Nhiều thanh niên trong xã đã được anh Hào cho vay vốn, hỗ trợ con giống, kỹ thuật và thức ăn chăn nuôi để cùng phát triển kinh tế trang trại. Nhờ vậy mà chỉ trong hai năm qua, xã Thạnh Thất đã có thêm nhiều mô hình chăn nuôi mới. 

Anh Nguyễn Văn Nghĩa – Bí thư đoàn xã Thạch Thán (Quốc Oai) cho biết: “Từ mô hình ban đầu của anh Hào đến nay nhiều thanh niên trong xã đã đến học tập kinh nghiệm và mở trang trại chăn nuôi. Nhờ vậy mà nhiều thanh niên đã thoát nghèo. Đây đã trở thành hướng đi chính trong phát triển kinh tế của thanh niên và người dân địa phương thời gian qua”.

Với những thành tích đã đạt được, anh Nguyễn Quý Hào đã được Trung ương đoàn trao giải thưởng Lương Định Của năm 2012 và được thành đoàn Hà Nội tặng bằng khen tại Festival thanh niên nông thôn Thủ đô năm 2012, nhiều năm liền được huyện đoàn Quốc Oai tặng giấy khen về gương “Người tốt, việc tốt ”. 

Theo ANTĐ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo