Quốc tế

Trung Quốc: Quan tham tẩu tán hàng trăm tỉ USD

Trung Quốc đã bắt giữ tổng số 18.487 quan chức bị tình nghi tham nhũng và biển thủ công quỹ trốn ra nước ngoài từ năm 2000 đến 2011.

Dịch vụ truyền thông Trung Quốc (CNS - một dịch vụ tin tức của Chính phủ Trung Quốc) hôm 10/6 dẫn thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho hay. Tuy nhiên, mới chỉ có 8,51 tỉ USD được thu hồi trong số tài sản hàng trăm tỉ USD bị biển thủ và tẩu tán.



50 kẻ định trốn mỗi ngày



Ông Cao Jianming - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc - cho hay, riêng trong năm 2011, các chính phủ nước ngoài đã giúp bắt giữ 1.631 người Trung Quốc chạy trốn vì “các hành động tội phạm liên quan đến công việc” và thu hồi 7,8 tỉ nhân dân tệ (1,2 tỉ USD) tài sản bị đánh cắp.

 

Phần lớn đối tượng phạm tội đều là quan chức và nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước - Tuần báo Kinh tế Trung Quốc cho hay.



Hiện tượng này thường được người Trung Quốc gọi là các “quan chức trần trụi” (naked officials), có nghĩa những người đã tẩu tán gia đình ra nước ngoài, mang theo toàn bộ tài sản và họ không giữ gì trong tay. Sau khi gia đình thoát vòng kiềm tỏa của Chính phủ Trung Quốc, họ mới lên kế hoạch chạy trốn.



Ông Wang Minggao - một nhà nghiên cứu - cho hay, phần lớn các “quan chức trần trụi” chạy ra nước ngoài sau tuổi 50, khi đã có chức vụ cao và kiếm đủ tiền. Điển hình cựu Phó Thị trưởng thành phố Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) Lan Fu bỏ trốn khi 59 tuổi và sau đó mới bị kết tội tham nhũng.



Hồi cuối tháng 5/2012, một hội thảo về chủ đề ngăn ngừa quan tham trốn ra nước ngoài đã được tổ chức tại Bắc Kinh, với sự tham dự của các lãnh đạo chủ chốt từ cơ quan thanh tra, tư pháp, cảnh sát và Bộ Ngoại giao.

 

Ông Gan Yisheng - Phó Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - cho biết, các cơ quan chính phủ phải hợp tác để chặn dòng tiền chảy ra nước ngoài phi pháp của quan tham.



Theo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, mới có 54,19 tỉ nhân dân tệ (8,51 tỉ USD) được thu hồi trong năm 2005, 2007 và từ 2009 đến 2011. Trong khi đó, ông Li Chengyan - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu chính phủ trong sạch của Đại học Bắc Kinh - ước tính có khoảng 10.000 quan chức trốn chạy vẫn ngoài vòng pháp luật, với khoản tiền tẩu tán ra nước ngoài đến hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (157 tỉ USD).



Nhiều chính quyền địa phương đã có những hành động kiên quyết để chống lại hiện tượng này. Hồi tháng 1/2012, tỉnh Quảng Đông thông báo những quan chức có gia đình di cư ra nước ngoài sẽ bị cấm bổ nhiệm vào cương vị cao cấp. Kể từ năm 2011, chính phủ đã bắt đầu kiểm soát về nơi ở của gia đình và tài sản của các quan chức và nhiều cơ quan đã bắt đầu hợp tác để ngăn chặn quan tham chạy trốn.

 

Theo Tuần báo Kinh tế Trung Quốc, hệ thống được cải thiện đã giúp chặn khoảng 50 quan chức định trốn khỏi Trung Quốc mỗi ngày.



Gây mâu thuẫn tài chính



Việc tăng cường hợp tác đa phương theo Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng và Công ước
Liên Hợp Quốc chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các vụ bắt giữ được thực hiện dễ dàng hơn. Song, các chuyên gia cho rằng vẫn rất khó để lần theo dấu những quan tham chạy trốn và đưa họ trở về Trung Quốc chịu tội.



Thêm vào đó, những quan tham này thường khôn khéo đầu tư tiền vào quốc gia họ trốn đến, gây nên mâu thuẫn tài chính giữa Trung Quốc và những nước này - theo Tuần báo Kinh tế Trung Quốc.



Hiện nay, Trung Quốc mới ký hiệp ước dẫn độ với 37 quốc gia và thỏa thuận tư pháp hình sự với 47 nước khác. Mỹ, Canada, Nhật và phần lớn các quốc gia Châu Âu đều chưa ký hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, gây rào cản lớn khi muốn đưa các quan tham trên về nước.

 

Theo chuyên gia Li Chengyan, chi phí để bắt giữ những quan tham trốn chạy tại những nước chưa ký các văn kiện trên là rất lớn.

 

 

Theo

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo