Góc nhìn

Từ Liêm lên quận, tranh chấp khiếu nại sẽ gia tăng

“Sau khi Từ Liêm lên quận thì tốc độ phát triển, tốc độ đô thị hóa sẽ rất nhanh, nếu chính quyền địa phương và thành phố không có những kế hoạch, quy hoach cụ thể định hướng sự phát triển thì sẽ rất lộn xộn. Người dân sẽ nháo nhào mua đất, nháo nhào xây dựng, đầu tư sai quy hoạch…”

Ông Lưu Đức Hải - Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng

Đây là nhận định của ông Lưu Đức Hải - nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng về tình hình phát triển đô thị của huyện Từ Liêm sau khi tách thành hai quận là Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm

 
PV: Xét về mặt phát triển đô thị, huyện Từ Liêm đã có những cơ sở, những thuận lợi gì để phát triển lên quận, thưa ông?
 
Ông Lưu Đức Hải: Thứ nhất huyện Từ Liêm là một huyện có vị trí gần nội đô, từ huyện Từ Liêm lên trung tâm thành phố như Ba Đình, Hoàn Kiếm không xa, chỉ khoảng từ 5 đến 10 km. Rất thuận lợi về địa lý, giao thông đi lại …
 
Thứ hai không chỉ đến bây giờ thành phố mới có ý định đưa Từ Liêm lên quận, mà đã có kế hoạch và có sự chuẩn bị từ lâu. Từ Liêm đã có nền tảng cơ sở hạ tầng của một quận nội thành phát triển. Là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, nhiều cơ quan nhà nước, nhiều công ty, doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực Mỹ Đình, Mễ Trì, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế …
 
Về kinh tế, đây cũng là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh, đời sống, thu nhập của người dân trên bình quân đầu người gần tương đương với các quận nội thành. Dân số ở khu vực này vượt tiêu chuẩn so với quy định để lên quận đến 3 lần (hiện nay Từ Liêm có mật độ dân số trên 7000 người/km2, theo thống kê chưa đầy đủ).
 
Khi lên quận thì thành phố sẽ phải có những đầu tư thích đáng về cơ sở hạ tầng từ một huyện ngoại thành lên một quận nội thành từ điện, đường, trường, trạm đến thay đổi các chính sách phát triển kinh tế của vùng từ kinh tế nông thôn lên thành thị. Các cơ quan công sở đương nhiên sẽ phải xây dựng thêm kéo theo kinh tế tại khu vực đấy sẽ phát triển, đó là quy luật của phát triển đô thị.
 
Và một vấn đề thuận lợi để phát triển kinh tế nữa đó là khi lên quận ngoài các chính sách của nhà nước, của thành phố đầu tư thì các công ty, các doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư nhiều hơn về khu vực này. Đương nhiên kéo theo đó là người dân, người lao động cũng sẽ kéo về đây sinh sống, mức độ đô thị hóa sẽ tăng lên nhanh chóng, mức sống của người dân sẽ được nâng cao.
 
PV: Theo ông, sau khi huyện Từ Liêm tách thành hai quận sẽ gặp những khó khăn, bất cập gì?
 
Ông Lưu Đức Hải: Thứ nhất, sau khi lên quận thì tốc độ phát triển, tốc độ đô thị hóa sẽ rất nhanh, nếu chính quyền địa phương và thành phố không có những kế hoạch, quy hoach cụ thể định hướng sự phát triển thì sẽ rất lộn xộn. Người dân sẽ nháo nhào mua đất, nháo nhào xây dựng, đầu tư sai quy hoạch …
 
Thứ hai, khi tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, dân số tăng lên đi theo nó là các loại hình dịch vụ cũng gia tăng sẽ làm mất ổn định trật tự xã hội. 
 
Và có một điều mà chúng ta phải lường trước là khi tách huyện Từ Liêm thành hai quận thì các vấn đề tranh chấp, khiếu nại sẽ gia tăng, đặc biệt là tranh chấp về đất đai. Nguyên nhân là do khi mới chia cắt sẽ nảy sinh nhiều vấn đề nhập nhằng liên quan đến pháp lý, thứ hai là vấn đề cấp sổ đỏ sẽ bị siết chặt lại và những người trước đây mua đất không sổ đỏ sẽ phải chịu thiệt. Và một vấn đề nữa khiến tình trạnh tranh chấp đất đai gia tăng đó là giá đất tại khu vực này có thể tăng.
 
PV: Ông có nghĩ sau khi Từ Liêm lên quận thì sẽ có một cơn sốt giá đất tại khu vực này?
 
Ông Lưu Đức Hải: Nếu là trước đây thì có thể tạo thành cơn sốt, nhưng với tình hình bất động sản như hiện nay thì chưa đủ lực. Tuy nhiên giá đất sẽ tăng, đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Riêng khu vực Mỹ Đình, Mễ Trì, Cổ Nhuế thì từ trước tới nay giá đất ở khu vực này đã đắt hơn các khu vực khác nên có thể tăng lên không nhiều. Đồng thời khi trở thành quận nội đô, các cơ quan, doanh nghiệp tập trung về nhiều sẽ là động lực cho các dự án chung cư, văn phòng, khu thương mại phát triển. Một số dự án đã và đang xây dựng trước đây ít người quan tâm thì sắp tới có thể tăng giá.
 
Như Trâm (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo