Văn hóa

Năm Dần tản mạn chuyện hổ trong văn học và võ thuật

DNVN - Trong 12 con giáp, hổ được mệnh danh là “Chúa sơn lâm” bởi sự oai nghi, hùng dũng của nó. Tuy là loài thú ăn thịt nhưng hổ chỉ tấn công trong trường hợp tự vệ và khả năng chiến đấu của hổ rất cao, đặc biệt là hổ trảo. Sự oai phong của hổ đã trở thành nguồn cảm hứng cho văn học và võ thuật.

5 con vật gắn liền với võ thuật Trung Quốc / Muốn tìm hiểu về võ thuật hãy luyện binh khí

Tượng trưng của sức mạnh và quyền uy

Hổ là loài thú quý hiếm, có ở các tỉnh miền núi, cỡ thân dài đến 1,6 mét, nặng từ 100 - 300kg. Hổ thường có bộ lông nền màu vàng da bò hay vàng nhạt, có nhiều sọc vằn ngang màu nâu hoặc đen, phan trắng toàn thân, sống một mình ở rừng già, ăn nhiều loài thú khác. Mỗi lứa hổ cái sinh từ 2 đến 4 con, hổ con sống với mẹ 1 đến 2 năm. Dân gian còn gọi hổ là cọp hay hùm.

Theo quan niệm văn hóa cổ phương Đông, hổ là hình ảnh uy nghi, dũng mãnh tượng trưng cho sức mạnh, uy quyền của vị tướng quân dũng mãnh, can trường, oai phong lẫm liệt hoặc những cá nhân tài năng xuất chúng. Dân gian thường thần thánh hóa hổ, cho hổ sứ mệnh thiêng liêng, có khả năng diệt trừ ma quỷ. Có hình hổ trấn giữ ở cửa thì tà ma không dám thâm nhập. Bởi vậy hình tượng hổ đã trở nên phổ biến trong đời sống văn hóa, nghệ thuật dân gian. Đặc biệt, hổ đã được vẽ thành tranh và tạc thành tượng để thờ ở các đền, đình, miếu, điện…

Đại Võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo – tác giả bài viết, chụp ảnh kỷ niệm tại Tượng đài Hoàng đế Quang Trung, TP Quy Nhơn (Bình Định).

Đại võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo – tác giả bài viết, chụp ảnh kỷ niệm tại Tượng đài Hoàng đế Quang Trung, TP Quy Nhơn (Bình Định).

Trong Tam quốc có “Ngũ hổ tướng” gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung đã trở thành đề tài bàn luận hàng mấy thế kỷ chưa dứt. Nghệ An có “Nam Đàn tứ hổ” (Phan Văn San, Nguyễn Quý Song, Trần Văn Lương, Vương Thúc Quý) nức tiếng văn chương. Hà Tĩnh có “Hồng Sơn tứ hổ” (Ngô Quảng, Đội Quyên, Đỗ Đức Trang và Lê Tất Hiệt) võ nghệ vô địch. Rồi “Quảng Nam tứ hổ”, “Nghệ An tứ hổ”, “Trường An tứ hổ”…

Trong “Truyện Kiều” có câu: “Trướng hùm mở giữa trung quân” để chỉ nơi ở của Từ Hải. Xưa thường dùng da hùm làm thành cái màn lớn để chủ soái họp bàn với các tướng, nên người sau quen dùng chữ “Hổ trướng” để chỉ chỗ làm việc của các tướng soái.

Từ Hải được Nguyễn Du miêu tả “Râu hùm hàm én, mày ngài” để chỉ tướng mạo uy dũng phi thường của bậc anh hùng. Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám được mệnh danh là “Hùm thiêng Yên Thế”. Các võ tướng ngày xưa có phù hiệu, ấn tín khắc hình đầu hổ, gọi là hổ phù.

“Chúa sơn lâm” trong văn, võ

 

Hình tượng hổ xuất hiện khá nhiều trong kho tàng văn học, văn hóa dân gian. “Hổ dữ không ăn thịt con”, “rừng nào cọp nấy”, “miệng hùm gan sứa”, “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”, “nam thực như hổ…”, “mãnh hổ nan địch quần hồ”, “dữ như cọp”, “vuốt râu hùm”, cưỡi lên lưng cọp”, “hổ chết để da, người ta chết để tiếng”…

Các động tác, tư thế tấn công, phòng thủ của loài hổ trong đời sống rừng xanh hoang dã, đã được mô phỏng lại trong nhiều bài quyền, chiêu thức chiến đấu của Võ Cổ truyền Việt Nam.

Các động tác, tư thế tấn công, phòng thủ của loài hổ trong đời sống rừng xanh hoang dã, đã được mô phỏng lại trong nhiều bài quyền, chiêu thức chiến đấu của võ cổ truyền Việt Nam.

Trong Võ cổ truyền Việt Nam, Hổ quyền là tượng hình quyền. Hổ quyền mô phỏng động tác, tư thế tấn công, phòng thủ của loài hổ trong đời sống rừng xanh hoang dã. Hổ là loài thú ăn thịt, được mệnh danh là “Chúa sơn lâm” bởi sự oai nghi hùng dũng của nó. Nhưng hổ chỉ tấn công trong trường hợp tự vệ và khả năng chiến đấu của hổ rất cao, đặc biệt là hổ trảo.

 

Hổ quyền luyện gân cốt, chỉ lực cùng sự vững chãi, nhanh nhẹn. Yếu chỉ quyền pháp của hổ quyền dũng mãnh, uy nghi, nhằm phát huy nội lực, biến đổi tình trạng gân cốt, tạo sự bền bỉ, sức dẻo dai, khả năng linh hoạt, tùy theo điều kiên để khi thì phát kình nội lực, lúc phát nổi ngoại công.

Có rất nhiều chiêu thức chiến đấu tượng hình đặc thù mang tên loài hổ để diễn tả các thế đánh Võ cổ truyền mà chúng ta thường gặp ở các bài quyền truyền thống, như: Bạch hổ khởi động, Nhị hổ tiềm tung, Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ hạ sơn, Ngọa hổ phục lâm, Hắc hổ ẩn nham.…

Hổ có vị trí chủ đạo trong võ cổ truyền Việt Nam, có nhiều bài quyền về hổ, tên hổ, như: Lão hổ thượng sơn, Mãnh hổ xuất sơn, Long hổ quyền, Hổ hạc song hình quyền, Hổ hầu quyền, Hồng hổ quyền.

Lời thiệu bài Hồng hổ quyền: Hồng hổ khai sơn thiết chỉ quyền/ Thiềm thừ quá hải phản dương tiên/ Ô vân cái nguyệt câu hồn cước/ Hắc hổ ly sơn thối ngũ liên. (Võ cổ truyền Việt Nam – Tây Sơn Bình Định).

Trong Ngũ hình quyền thì hổ ở vị trí số 2, sau rồng: Long, Hổ, Xà, Hạc, Báo. Bài Ngũ hổ cứ sơn tả về 5 con hổ. Ngũ hổ là Hắc hổ, Thanh hổ, Xích hổ, Hoàng hổ, Bạch hổ. Màu sắc và phương vị trấn giữ của ngũ hổ cũng theo ngũ hành mà sắp đặt.

 

Học trò của Đại Võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo biểu diễn Hổ quyền.

Học trò của Đại võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo biểu diễn hổ quyền.

Hắc hổ tướng quân màu đen, trấn nhậm ở phương Bắc, thuộc Thủy. Thanh hổ tướng quân màu xanh, trấn nhậm ở phương Đông, thuộc Mộc. Xích hổ tướng quân màu đỏ, trấn nhậm ở phương Nam, thuộc Hỏa. Hoàng hổ tướng quân màu vàng, trấn nhậm ở phương Trung ương tứ quý, thuộc Thổ. Bạch hổ tướng quân màu trắng, trấn nhậm ở phương Tây, thuộc Kim.

Năm Tân Sửu với bao bộn bề lo toan đang qua, năm mới Nhâm Dần 2022 đang đến, cầu chúc cho muôn người, muôn nhà chuẩn bị vui Xuân, đón Tết như ý.

 


Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm