Nhận quảng cáo sản phẩm dễ dãi, nghệ sĩ đánh mất giá trị bản thân
Được công ty quản lý theo dõi sát sao, chặt chẽ, nghệ sĩ Hàn không được tự ý nhận quảng cáo hay chia sẻ hình ảnh của các sản phẩm kém chất lượng.
Mỹ nhân chuyển giới số một Hàn Quốc tiết lộ được 100 nam nghệ sĩ theo đuổi / Rosé (BLACKPINK) cán mốc 700.000 người theo dõi trên Spotify, thành tích khiến nhiều nghệ sĩ phải ghen tỵ
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc và phim ảnh, ngành quảng cáo của Hàn Quốc cũng nhanh chóng lớn mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống khán giả cũng như nghệ sĩ.
Từ giai đoạn đầu thập niên 1990 - khi làn sóng văn hóa Hàn Quốc bắt đầu lan sang các nước lân cận, chính phủ nước này đã nhanh nhạy lồng ghép quảng cáo các sản phẩm từ thực phẩm, vật dụng hàng ngày đến mỹ phẩm vào các sản phẩm văn hóa được ưa chuộng như MV, phim...
Trải qua ba thập kỷ song song phát triển, mối quan hệ giữa quảng cáo với sản phẩm nghệ thuật và các ngôi sao ngày càng mật thiết, phát triển theo hướng "đôi bên cùng có lợi". Do đó, các ngôi sao Hàn Quốc trưởng thành trong môi trường chuyên nghiệp trên cũng phải tuân theo những quy tắc riêng trong việc nhận quảng cáo.
Ngành quảng cáo đã gắn bó mật thiết với giới giải trí Hàn Quốc qua phim ảnh, âm nhạc từ thập niên 1990.
Quy định nghiêm ngặt khi nhận quảng cáo
Các nghệ sĩ ở Hàn Quốc, dù là diễn viên hay ca sĩ, đều hoạt động dưới sự quản lý của một công ty giải trí. Các công ty có quy mô lớn nhỏ khác nhau, một số công ty không có quá 10 nhân viên, nhưng nhìn chung vẫn tuân theo quy tắc và quy trình làm việc nhất định.
Vì nằm dưới quyền quản lý của công ty, các nghệ sĩ không được tự quyền quyết định hoặc phát ngôn bừa bãi, càng không được tự ý nhận đóng phim hay quảng cáo mà chưa thông qua quy trình xét duyệt của công ty quản lý.
Ở Hàn Quốc, các nghệ sĩ có danh tiếng mới được mời đóng quảng cáo. Càng nổi tiếng, thương hiệu họ quảng cáo càng cao cấp và thù lao càng hấp dẫn. Một số mặt hàng như rượu soju, gà rán, cửa hàng miễn thuế thậm chí chỉ mời ngôi sao hạng A, hạng S quảng cáo, bởi các mặt hàng trên có thể xem là món hàng hóa "quốc dân" ai ai cũng sử dụng ở xứ kim chi.
Do đó, để mời được nghệ sĩ quảng cáo, các nhãn hàng phải là thương hiệu có đăng ký và có giấy phép kinh doanh với chính quyền, phần lớn đều là sản phẩm thuộc chi nhánh con của các tập đoàn thương mại lớn như Samsung, Hyundai, CJ, Amore Pacific... Khi lời mời được gửi đến, bộ phận quản lý của công ty giải trí sẽ xem xét giá trị thương mại của nhãn hàng, mức cát-xê, hình ảnh của sản phẩm của phù hợp với nghệ sĩ hay không... trước khi ký kết hợp đồng.
Quản lý SM Entertainment cho biết công ty sẽ xem xét, kiểm tra các nội dung nghệ sĩ Hàn chia sẽ trên mạng xã hội.
Việc quảng cáo sản phẩm của sao Hàn cũng được thực hiện quy củ, chuyên nghiệp. Chẳng hạn, hầu hết ngôi sao đều chỉ chia sẻ poster chính thức hoặc video quảng cáo đã được nhãn hàng sản xuất, phê duyệt. Nếu nghệ sĩ đăng tải ảnh đời thường có sử dụng sản phẩm để quảng cáo thêm, thì bức ảnh phải được công ty quản lý kiểm tra và cho phép.
"Về cơ bản, công ty chúng tôi cũng như các công ty khác đều có người quản lý đi kèm nghệ sĩ phần lớn thời gian. Nghệ sĩ muốn chia sẻ điều gì lên mạng xã hội cũng phải được quản lý đồng ý trước rồi mới được đăng, đặc biệt là các nghệ sĩ mới ra mắt đôi ba năm", anh Kim Min Sung - quản lý của SM Entertainment - từng chia sẻ với Zing.
Do bị quản lý chặt chẽ, nghệ sĩ khó lòng tự ý PR sản phẩm, nhất là những sản phẩm chưa ký hợp đồng quảng cáo với công ty quản lý, trên trang cá nhân.
Xin lỗi khán giả vì quảng cáo trá hình trên YouTube
Ilgan Sports từng đưa tin ngày càng nhiều nghệ sĩ mở kênh YouTube riêng và thu về lượt xem "khủng" nhờ danh tiếng có sẵn khi hoạt động nghệ thuật. Họ thường được đề xuất mức thù lao khoảng 50-100 triệu won (40.000-90.000 USD) để đưa sản phẩm vào video, thay cho hình thức quay campaign quảng cáo thông thường.
Theo bài đăng của Illgan Sport, nhãn hàng sẽ trả thù lao cao hơn nữa cho YouTuber (hoặc các nghệ sĩ có kênh video riêng) nếu họ ghé thăm cửa hàng bán sản phẩm. Tất nhiên, đại đa số sản phẩm mua quảng cáo video vẫn là những nhãn hàng có thương hiệu, thậm chí là sản phẩm phổ biến cũng như đã được đảm bảo chất lượng tại Hàn Quốc.
Han Ye Seul, Kang Min Kyung bị chỉ trích khi quảng cáo sản phẩm trá hình qua YouTube.
Một trong những nghệ sĩ đi đầu trong việc chuyển sang quảng cáo thông qua YouTube là Han Ye Seul. Tuy nhiên, cô cũng vấp phải ý kiến trái chiều vì hành động trên, nhiều người cho rằng cô đánh mất giá trị cũng như hình ảnh của một diễn viên khi nhận lời quảng cáo sản phẩm một cách dễ dãi.
Tuy nhiên, đa số nghệ sĩ, YouTuber không nêu rõ họ đang quảng cáo sản phẩm, thay vào đó nói dối với khán giả rằng tự bản thân mua, tự bản thân trải nghiệm. Đây là lý do chủ yếu khiến khán giả Hàn Quốc phản đối nghệ sĩ và YouTuber nhận quảng cáo sản phẩm thông qua video.
Vì không trung thực trong việc quảng cáo sản phẩm qua video, stylist Han Hye Yeon đã phải cúi đầu xin lỗi khán giả. "Tôi xin lỗi vì đã xuất hiện trước mắt khán giả theo cách này. Tôi cảm thấy hối hận vì đã khiến mọi người thất vọng, đặc biệt khi khán giả đã tin tưởng, kỳ vọng vào kênh của tôi", nữ stylist nổi tiếng nói.
Nữ ca sĩ Kang Min Kyung của nhóm Davichi cũng vướng vào lỗi tương tự. Cô quảng cáo nhiều mỹ phẩm, quần áo, đồ dùng dành cho phái nữ... qua các vlog trên kênh cá nhân. Kang Min Kyung không chú thích rõ bản thân được nhãn hàng trả tiền để giới thiệu sản phẩm. Khán giả xứ kim chi cho rằng đây là hành vi lừa dối khán giả.
"Tôi đã hào hứng nhận quảng cáo mà không cân nhắc kỹ tới lập trường cũng như cái nhìn của khán giả theo dõi kênh của mình. Tôi sẽ cẩn trọng hơn và thành thật xin lỗi những ai cảm thấy không hài lòng, hay bị tổn thương vì hành động trên", Kang Min Kyung chia sẻ.
Nghệ sĩ Hàn không quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội
Vì những tranh cãi xảy ra xoay quanh việc quảng cáo ngầm sản phẩm trên trang cá nhân hoặc YouTube, BlackPink đã được định hướng làm việc cẩn trọng hơn. Bốn cô gái nhà YG là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi thường ghi rõ chú thích "hàng quảng cáo" trong các bài đăng quảng bá cho nhãn hiệu thời trang hoặc mỹ phẩm.
BlackPink thường chú thích rõ "hàng quảng cáo" khi đăng bài quảng cáo sản phẩm lên mạng.
Thêm vào đó, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (FTC) cũng ra quyết định cấm quảng cáo ngầm trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/9/2020.
Vì quyết định của FTC, YouTuber hoặc nghệ sĩ phải cảnh báo trước với khán giả, đồng thời chú thích rõ tên các sản phẩm được quảng cáo, giới thiệu trong video. Về phía bài đăng trên mạng xã hội, công ty quản lý đều kiểm tra kỹ các nội dung của nghệ sĩ liên quan đến hợp đồng thương mại, sản phẩm quảng cáo. Do đó, tình trạng quảng cáo tràn lan, quảng cáo sản phẩm kém chất lượng không xuất hiện ở showbiz Hàn Quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo