VDB phải giảm nợ xấu về 7% trong 2 năm tới
Đến năm 2015, VDB phải giải quyết dứt điểm nợ xấu bàn giao từ Quỹ hỗ trợ phát triển và các tổ chức tiền thân, phấn đấu giảm nợ xấu xuống 7% tổng dự nợ.
Đó là nội dung đáng chú ý trong “chiến phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Theo chiến lược, VDB tiếp tục củng cố và phát triển với vai trò là ngân hàng chính sách của Chính phủ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận theo hướng bền vững, hiệu quả, đảm bảo đủ năng lực để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Mục tiêu cụ thể đặt ra là tốc độ tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2013 - 2020 bình quân khoảng 10%/năm, quy mô tài sản của VDB đến năm 2020 đạt khoảng 50.000 tỷ đồng. Giai đoạn sau năm 2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng được xác định phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
VDB cần xác định quan hệ giữa vốn chủ sở hữu so với tổng dư nợ cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Trên cơ sở đó xây dựng lộ trình tăng vốn điều lệ của ngân hàng phù hợp, dự kiến đến năm 2020 đạt 10% tổng dư nợ tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tương đương mức 20.000 tỷ đồng vào năm 2015 và 30.000 tỷ đồng vào năm 2020.
Thủ tướng yêu cầu VDB cần tập trung vốn tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp nông thôn; xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và công nghệ xanh; năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng xuất khẩu được tập trung vào những ngành hàng quan trọng đem lại giá trị xuất khẩu cao, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước đồng thời đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế. Tập trung nguồn vốn ODA vay về cho vay lại của Chính phủ thực hiện qua VDB; khuyến khích các quỹ tài chính địa phương thực hiện đầu tư ủy thác qua Ngân hàng theo mục tiêu phát triển của địa phương.
Về công tác quản trị ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu xây dựng luật riêng áp dụng cho các ngân hàng chính sách trong đó có cả VDB. Trước mắt, VDB hoạt động theo cả 2 Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng.
VDB cũng được thực hiện mô hình hội đồng thành viên để quản trị đối với hoạt động của ngân hàng như một tổ chức tín dụng 100% vốn chủ sở hữu của Nhà nước.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu VDB phải đánh giá lại nợ xấu, ban hành quy định phân loại nợ phù hợp với đặc thù của ngân hàng, giải quyết dứt điểm nợ xấu bàn giao từ Quỹ hỗ trợ phát triển và các tổ chức tiền thân, phấn đấu giảm nợ xấu xuống 7% tổng dự nợ cuối năm 2015.
Từ năm 2016 - 2020 xác định tỷ lệ an toàn vốn năm 2020 đạt 10%, vốn chủ sở hữu đạt 30.000 tỷ đồng vào năm 2020, nợ xấu phấn đấu ở mức 4%-5% vào năm 2020. Cải thiện cân đối thu chi, tài chính giảm cấp bù của ngân sách nhà nước, tiến tới đảm bảo tự chủ tài chính trong hoạt động từ năm 2020.
Nhật Minh (Theo Vneconomy)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo