Xã hội

Vì sao ông Trần Văn Thêm chịu oan hơn 40 năm mới được xin lỗi?

(DNVN) - Ngày 11/8, ông Trần Văn Thêm, người mang án tử suốt 43 năm đã được xin lỗi và minh oan. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao ông phải chịu oan gần nửa thế kỷ?.

Năm 1970, ông Trần Văn Thêm (SN 1936, ở Yên Phong, Bắc Ninh) bị cáo buộc đã giết em họ là Nguyễn Khắc Văn để cướp tài sản. Cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên ông Thêm mức án tử hình.

Sau hơn 5 năm ông Thêm phải ngồi tù, khi hung thủ thực sự bị bắt, đến năm 1976. Được ra tù, ông Thêm bắt đầu hành trình đi kêu oan của mình. Báo Vietnamnet thông tin.

Ông Trần Văn Thêm trong ngày nhận quyết định đình chỉ điều tra và được xin lỗi công khai. Ảnh: TUYẾN PHAN/PLO.

Theo ông Thêm, trong suốt thời gian đó, ông nhận được rất nhiều trả lời của các cơ quan tố tụng rằng: "Vụ án xảy ra năm 1970, trong thời kỳ đang chiến tranh, phải đi sơ tán nhiều nơi, do vậy hồ sơ các vụ án thời kỳ này đã bị thất lạc" và "nếu ông bị oan sai thì phải có tài liệu chứng minh để được chánh án TAND Tối cao hoặc Viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị để Ủy ban thẩm phán - TAND Tối cao xét xử theo trình tự giám đốc thẩm".

Ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội, đọc lời xin lỗi công khai ông Thêm. Lời xin lỗi còn có phần lược thuật quá trình xảy ra vụ án. Báo Pháp luật TP. HCM thông tin.

Theo đó, ông Thêm bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phú cũ khởi tố ngày 29/7/1970. Hôm sau, ông Thêm bị tạm giam rồi sau đó bị truy tố về tội giết người, cướp tài sản xảy ra đêm 23/7/1970 tại thôn Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú. Sau đó ông Thêm bị hai cấp tòa kết án tử hình.

Năm 1975, do xuất hiện tình tiết mới (người được cho là hung thủ của vụ án xuất hiện), Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã xét giám đốc thẩm, hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết án ông Thêm để điều tra, xét xử lại.

Quá trình điều tra lại, Công an tỉnh Vĩnh Phú đã xác định ông Thêm không phải là thủ phạm gây ra vụ án giết người, cướp của. Do đó, ông đã được trả tự do, được cấp giấy miễn lao động nặng. Tuy nhiên, do tình hình chính trị-xã hội lúc đó chưa ổn định nên vụ án chưa được giải quyết dứt điểm.

 

Sau đó bị cáo - người được cho là hung thủ thật sự nói trên - đã chết, chính vì vậy việc minh oan cho ông Thêm bị kéo dài.
Năm 1997, ông Thêm đã có đơn đề nghị xem xét việc minh oan cho ông. Đến năm 2004, ông Thêm nộp đơn đề nghị được bồi thường oan kèm theo giấy miễn lao động do bác sĩ của Bộ Công an cấp.

Theo Phó Chánh án Trần Văn Tuân, lý do vụ việc bị kéo dài là vì chiến tranh, chia tách địa giới hành chính tỉnh nên tài liệu bị thất lạc. Đến tháng 4/2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an mới thu thập được các bản án. Do đó, các cơ quan liên ngành tư pháp đã họp thống nhất về vụ việc của ông Thêm. Kết quả cho thấy ông Thêm không thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Thêm.

Phó Chánh án Trần Văn Tuân khẳng định việc kết án oan ông Thêm là lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm năm 1970.

“Đại diện cho TAND Cấp cao tại Hà Nội, VKSND Cấp cao tại Hà Nội và đại diện Bộ Công an, chúng tôi công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm và gia đình theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Việc khởi tố, truy tố và xét xử đối với ông Thêm là không đúng, việc minh oan lại kéo dài nhiều năm đã gây những tổn thương, mất mát về tinh thần cho ông. Đây là bài học đắt giá cho các cơ quan tố tụng. Chúng tôi xin chân thành xin lỗi ông và sẽ rút kinh nghiêm sâu sắc trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như xét xử để không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, bảo vệ công lý và tôn trọng quyền con người” - ông Tuân nói.

 

Về vấn đề bồi thường, ông Tuân thông tin: “Ngay sau hôm nay, chúng tôi sẽ khẩn trương tiến hành các thủ tục bồi thường cho ông Thêm. Mong ông Thêm thông cảm sâu sắc và tha thứ cho các cơ quan tố tụng đã làm oan ông”.

Ông Tuân cũng bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với sự mất mát đau thương của gia đình người bị hại và mong hai gia đình đoàn kết, gắn bó với nhau.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo