Khám phá

Việt Nam chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Lê Đình Tiến tại Hội thảo “Hợp tác trong sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, chống phổ biến hạt nhân, an ninh hạt nhân và phát triển trong tương lai”

Theo thứ trưởng Lê Đình Tiến, Việt Nam thể hiện cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế thông qua việc tham gia tích cực các điều ước quốc tế và các sáng kiến quan trọng trong lĩnh vực an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tháng 4/2010, Việt Nam đã tuyên bố tham gia Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân và gia nhập Công  ước An toàn hạt nhân.

Tháng 9/2012, Việt Nam đã gia nhập Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, phê chuẩn Phần sửa đổi của Công ước và phê chuẩn Nghị định thư bổ sung, một thành  tố quan trọng của cơ chế không phổ biến hạt nhân. Việt Nam đã tham gia và có đóng góp tích cực vào sự thành công của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất tại Washington (Hoa Kỳ) năm 2010 và lần thứ hai tại Seoul (Hàn Quốc) năm 2012. Việt Nam cũng đã thực hiện thành công việc chuyển đổi nhiên liệu cho Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và sẽ đưa nhiên liệu Uran có độ làm giàu cao (HEU) đã qua sử dụng trở lại Nga vào năm 2013.

 “Quan điểm nhất quán của Việt Nam là chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, đảm bảo an toàn, an ninh ở mức cao nhất, đặc biệt là từ sau thảm họa kép xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi, Nhật Bản. Là một quốc gia mới bắt đầu Chươnng trình điện hạt nhân, Việt Nam đang tập trung vào việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cần thiết để bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, đặc biệt là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tham gia các điều ước quốc tế; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường năng lực cho cơ quan pháp quy hạt nhân, các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế phục vụ cho Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên” Thứ trưởng Lê Đình Tiến nhấn mạnh.

Hội thảo diễn ra bốn phiên họp với các nội dung như sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình ở Việt Nam, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực thanh sát hạt nhân và quan hệ hợp tác trong tương lai về lĩnh vực an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tại các phiên họp, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý hai nước thảo luận về hiện trạng phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân ở Việt Nam, khuynh hướng quốc tế trong bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân, những thách thức hạt nhân trong tương lai….

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong những thập kỉ tới sẽ ngày càng lớn, trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, Việt Nam đã quyết định phát triển chương trình điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ chính sách đa dạng hóa và phát triển cơ cấu năng lượng bền vững.

Theo quy hoạch năng lượng quốc gia đã được phê duyệt, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành năm 20202 và đến năm 2030, tổng công suất điện hạt nhân của Việt Nam sẽ đạt khoảng 10.700 MW, chiếm khoảng 7% tổng công suất điện và đóng góp khoảng 10% vào tổng sản lượng điện quốc gia. Hiện nay Việt Nam đã ký Hiệp định liên chính phủ với Liên bang Nga và Nhật Bản về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 1 và số 2 tại Ninh Thuận.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Đất Việt)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo