Hỗ trợ doanh nghiệp

VPBank đẩy mạnh đầu tư cho Ngân hàng số, hé lộ việc bán cổ phần FE Credit

Ban lãnh đạo VPBank cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho mảng Ngân hàng số, hướng đến 600.000 người sử dụng, gấp 15 lần con số 40.000 cách đây 3 năm. Đồng thời, nhà băng này cũng hé lộ về kế hoạch bán cổ phần của "gà đẻ trứng vàng" FE Credit.

Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã diễn ra chiều 19/3. Sau hơn 7 tháng tăng giá ấn tượng từ lúc lên sàn, đây là thời điểm cổ đông VPBank đang chờ đợi những kế hoạch quan trọng sắp tới, nhất là xung quanh kế hoạch tăng vốn, trả cổ tức bằng cổ phiếu và tham vọng vượt ngưỡng 10.000 tỷ lợi nhuận.

Theo dự thảo Nghị quyết ĐHĐCĐ 2018 đã công bố trước đó, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay ở mức 10.800 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2017. Tổng tài sản ước tính đạt gần 360.000 tỷ đồng, tăng 29%, dư nợ tín dụng mục tiêu đạt 243.000 tỷ, tăng 23%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Đại hội đồng cổ đông VPBank 2018.

Chia sẻ về kế hoạch này và định hướng kinh doanh 5 năm, ban lãnh đạo VPBank tỏ ra khá lạc quan, tập trung vào chiến lược về Retail banking (Dịch vụ ngân hàng bán lẻ), SME Banking (Cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ), cung cấp các dịch vụ quản lý tài chính, mua sắm. Hiện tại, mảng Retail Banking và SME Banking đã bắt đầu có lãi năm 2017.

Phía VPBank cũng cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho mảng Ngân hàng số, hướng đến 600.000 người sử dụng, gấp 15 lần con số 40.000 cách đây 3 năm. Vào khoảng tháng 6 năm nay, VPBank cũng sẽ công bố dịch vụ Ngân hàng số và Affluent Banking.

Về kế hoạch 10.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, VPBank sẽ đặt nhiệm vụ tăng trưởng 30% doanh thu cho mảng Ngân hàng truyền thống, 40 – 50% cho FE Credit. Theo đánh giá chủ quan của Ban lãnh đạo, đây là những con số tăng trưởng phù hợp với trung bình tăng trưởng từng mảng, nhất là trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định như hiện nay.

Với con số này, ROE và ROA tương ứng ở mức 27,5% và 2,5%. Ban lãnh đạo cũng đề cập đến vấn đề quản trị rủi ro chuyên môn hóa theo quy chuẩn quốc tế. Đồng thời, duy trì định hướng, nâng số điểm bán hàng của FE Credit lên 12.000 điểm, đẩy mạnh đầu tư vào Ngân hàng số: Tài chính cá nhân, mua sắm, đặt phòng khách sạn…

Trong phần hỏi đáp của các cổ đông, Chủ tịch Ngô Chí Dũng và Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cũng đã trả lời khá nhiều câu hỏi tập trung vào kế hoạch tăng vốn, tiềm năng của FE Credit và kế hoạch đầu tư vào Ngân hàng số.

 

Về mục đích tăng vốn, tuy Ngân hàng Nhà nước chưa yêu cầu quy chuẩn Basel II, nhưng nội bộ ngân hàng tự đặt ra yêu cầu cao hơn, đồng thời dự trữ thêm và đầu tư cho các mảng kinh doanh đang trên đà tăng trưởng tốt như FE Credit và Ngân hàng số.

Trả lời những câu hỏi liên quan đến tình hình kinh doanh và tiềm năng của FE Credit, VPB cho biết hiện tại đã chiếm được trên 50% thị phần với điểm mạnh vượt trội là đi trước đón đầu, sớm liên kết đối tác và sản phẩm được công nhận về mọi mặt ( con người, mạng lưới, hệ thống scoring). Hiện tại, dư nợ của FE Credit chiếm 20% tổng dư nợ của ngân hàng. Mục tiêu xa hơn, FE Credit sẽ trở thành công ty độc lập và VPBank sẽ là cổ đông lớn nhất.

VPBank cũng khá lạc quan khi so sánh FE Credit với các doanh nghiệp cùng ngành ở các nước khác, cụ thể là nhìn từ Đông Âu và Ấn Độ. Đây là hai “case study” có tỷ lệ vay nợ tiêu dùng cao hơn nhiều so với Viêt Nam, khả năng chi trả vẫn ở mức cao hơn. Ban lãnh đạo FE Credit là những người đã trải qua thời kỳ khủng hoảng tín dụng tiêu dùng ở các nước này và hoàn toàn tự tin trong việc quản trị rủi ro.

Nên đọc
Theo VietNamFinance
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo