Bất động sản

Vụ chung cư BMM chây ì: Sẽ đề nghị cưỡng chế phí bảo trì

UBND phường Phúc La, quận Hà Đông khẳng định sẽ báo cáo UBND TP. Hà Nội và đề nghị cưỡng chế phí bảo trì trước việc Công ty BMM chây ì bàn giao phí bảo trì; không bàn giao đầy đủ hồ sơ cho BQT tòa nhà theo quy định.

Sẽ báo cáo, đề xuất cưỡng chế nếu CĐT cố tình chây ì

Sau nhiều lần nhận được phản ánh của cư dân và chỉ đạo của UBND phường Phúc La, UBND quận Hà Đông, CĐT chung cư BMM (Hà Đông) vẫn tiếp tục chây ì bàn giao quỹ bảo trì và mập mờ hồ sơ thiết kế để chiếm dụng nhiều phần diện tích chung, không thực hiện đúng quy định Hợp đồng đã ký kết.

Đại diện UBND quận Hà Đông cho biết, đã nhiều lần tổ chức hội nghị giữa UBND quận, phường Phúc La, Công ty Sản xuất Thương Mại BMM, Ban quản trị tòa nhà để giải quyết các vấn đề tồn tại của CĐT; yêu cầu bàn giao quỹ bảo trì và hồ sơ theo quy định để BQT vận hành tòa nhà; làm rõ các phần diện tích sở hữu chung, riêng của tòa nhà…

Cam kết 1 đằng, CĐT chung cư BMM thực hiện 1 nẻo.

Ngày 10/2 vừa qua, UBND phường Phúc La cũng đã tổ chức hội nghị để thống nhất giải quyết các nội dung liên quan. Tại buổi làm việc trên, đại diện Công ty BMM tiếp tục cam kết thực hiện, hoàn thiện các nội dung cư dân và BQT kiến nghị trong tháng 2.

Tuy nhiên, sau nhiều lần cam kết hợp tác để giải quyết vấn đề, đại diện CĐT BMM vẫn “phớt lờ” ý kiến của cơ quan chức năng, chây ì bàn giao quỹ bảo trì và thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật, gây khó khăn cho BQT và cư dân trong việc quản lý, vận hành tòa nhà.

Việc cư dân “tố” Công ty BMM chiếm dụng nhiều phần diện tích chung để cho thuê, trục lợi hàng tỷ đồng cũng chưa được làm rõ sau nhiều lần giải quyết khiến cư dân vô cùng bức xúc.

Nhiều cư dân cho rằng, đơn vị CĐT dự án này làm việc thiếu chuyên nghiệp và hết sức coi thường cư dân. Hợp đồng ký một đằng, nhưng thực hiện một nẻo khiến nhiều người bức xúc tố lãnh đạo Công ty BMM “lừa đảo”.

Sau nhiều lần UBND phường Phúc La; quận Hà Đông vào cuộc giải quyết, Công ty BMM vẫn tiếp tục chây ì.

Đơn cử như Hợp đồng giữa khách hàng và CĐT đã quy định rõ các phần diện tích sở hữu chung bao gồm diện tích và hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: hành lang, cầu thang bộ, cầu thang máy, lối đi chung, lối thoát hiểm; Nơi để xe của tòa nhà chung cư BMM (có bố trí một tầng hầm làm nơi để xe); Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư…

 

Tuy nhiên, trên thực tế CĐT vẫn đang quản lý tầng hầm gửi xe, hệ thống hạ tầng tiện ích bên ngoài, tiến hành kẻ vạch thu phí trông giữ xe trong nhiều năm qua. Ngoài ra, một bãi xe trái phép trên đất dự án cũng được xây dựng để cho thuê, kiếm lời.

Một số cư dân cũng cho biết, CĐT đã có hành vi chiếm đoạt tài sản lên tới hàng tỷ đồng của toàn thể các hộ dân bởi trong quá trình thương thảo ký kết hợp đồng mua bán, CĐT đã thu mỗi hộ dân 25 triệu đồng tiền đầu tư xây dựng hệ thống gas trung tâm. Tuy nhiên đến nay hệ thống này vẫn chưa hoàn thiện và CĐT cũng không tiếp tục hoàn thiện nên để đảm bảo an toàn, đơn vị vận hành đã cắt gas, khiến cư dân gặp nhiều khó khăn.

Buông lỏng quản lý, chung cư hoạt động 3 năm chưa thẩm định PCCC

Trước đó, Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin phản ánh về việc cư dân bức xúc tố CĐT chung cư BMM hàng loạt vi phạm như chiếm dụng nhiều phần diện tích chung; khóa cửa sảnh chính gây khó khăn cho người già, người tàn tật đi lại.

BQT tòa nhà cũng cho biết, sau khi được thành lập và công nhận, CĐT là Công ty BMM cũng không tiến hành bàn giao phí bảo trì và các hồ sơ theo quy định để BQT có thể vận hành các hoạt động của tòa nhà.

 

Vỉa hè được CĐT kẻ vẽ, thu phí trái phép.

Vấn đề này BQT và cư dân đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị, yêu cầu CĐT thực hiện nhưng đại diện Công ty BMM luôn thiếu thiện chí làm việc, không trả lời các nội dung đã được đưa ra.

Hàng loạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC chưa được khắc phục sau 03 năm kể từ khi cư dân dọn đến ở khiến nhiều hộ gia đình sống trong cảnh nơm nớp lo sợ trước tình trạng hàng loạt chung cư trên địa bàn thường xuyên xảy ra cháy, nổ.

Theo kết quả kiểm tra mới nhất của Phòng cảnh sát PC&CC số 9, hàng loạt tồn tại tiếp tục được chỉ rõ: hai tầng kỹ thuật được ngăn chia thành các căn hộ để bán nhưng chưa có hồ sơ thẩm duyệt bổ sung; thang bộ hở thông xuống tầng hầm, chưa có giải pháp ngăn thoát nạn.

Thêm vào đó, cửa các gian phòng kỹ thuật từng tầng, cửa phòng bơm chữa cháy, phòng quạt hút khói, các phòng ở tầng hầm chưa đảm bảo là cửa chống cháy; khoang đệm thang máy chưa lắm cửa chống cháy; hệ thống gas trung tâm chưa được nghiệm thu

Nghiêm trọng hơn, hệ thống báo cháy được trang bị trong tòa nhà chỉ có nút ấn báo cháy, không có đầu báo cháy.

 

Hệ thống báo cháy chỉ có nút ấn, không có đầu báo cháy khiến nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn, gây nguy hiểm tới tình mạng hàng nghìn cư dân BMM.

Phòng cảnh sát PC&CC số 9 cũng yêu cầu đơn vị vận hành tạm dừng sử dụng và cấp gas cho các hộ dân trong tòa nhà để đảm bảo an toàn PCCC.

Như vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC tại chung cư cao cấp BMM trong nhiều năm sau khi cư dân đến ở vẫn chưa hoàn thiện đúng quy định; sau nhiều lần bị kiểm tra, nhắc nhở vẫn không chấp hành, không được xử lý dứt điểm khiến cư dân hoang mang.

Đề nghị UBND TP Hà Nội sớm vào cuộc chỉ đạo, xử lý dứt điểm tình trạng trên, yêu cầu CĐT thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cư dân.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Mạnh Hùng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo