Pháp luật

Vụ dân tập trung phản đối dự án FLC: “Tức nước vỡ bờ”

(DNVN) - Hàng chục héc ta rừng phòng hộ ven biển không nằm trong quy hoạch được giao bị FLC phá nát, lấn chiếm; ngăn cấm, xua đuổi ngư dân đánh bắt gần bờ phía ngoài dự án; đền bù GPMB với mức giá “quá bèo” so với thị trường và tiếp đến là dự án “chiếm” luôn chỗ neo đậu tàu thuyền của ngư dân bao đời nay…đã làm tràn ly nước sôi sục, bức xúc của người dân Sầm Sơn nhiều tháng qua.

Hàng chục héc ta rừng phòng hộ ngoài quy hoạch bị FLC "phá nát"

Những ngày qua, dư luận tại Thanh Hoá đang hết sức bức xúc về việc UBND tỉnh này giao đất bãi biển là bến thuyền của ngư dân từ bao đời nay cho Công ty cổ phần tập đoàn FLC (Công ty FLC) để thực hiện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn.

Hàng trăm người dân xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã tập trung kéo nhau “vây” kín cổng UBND tỉnh Thanh Hóa để phản đối, yêu cầu trả lại bãi biển, bến thuyền cho ngư dân.

Theo một số cư dân tại đây, việc thu hồi đất tại khu vực này đã đẩy họ vào tình thế khó khăn khi phải đi gần 10km mới có thể neo đậu tàu thuyền, dự án của FLC đã “chặn” kế sinh nhai của họ.

Ngư dân tập trung tại bến thuyền, phản đối thu hồi đất dự án FLC

Trước đó, người dân xã Quảng Cư cũng đã nhiều lần lên tiếng phản ánh việc Công ty FLC ngang nhiên thả phao quây biển trái phép, ngăn cấm và xua đuổi ngư dân địa phương cào ngao, đánh bắt ven biển; “ép” ngư dân đi xa hàng km mới được hoạt động.

Đại diện UBND xã Quảng Cư, ông Ngô Hữu Bàn khẳng định, việc FLC tổ chức thả phao, ngăn cấm, xua đuổi ngư dân cào ngao tại khu vực này là sai quy định, không ai giao cho họ quản lý vùng nước phía ngoài dự án. UBND xã cũng đã báo cáo lên UBND thị xã xin ý kiến chỉ đạo nhưng chưa có phản hồi.

Hàng trăm người dân "vạ vật" tại UBND tỉnh Thanh Hoá nhiều ngày nay đề nghị giải quyết thoả đáng.

Không chỉ dừng lại ở đó, FLC đã phá nát hàng chục héc ta rừng phòng hộ nằm ngoài quy hoạch tại khu vực ven biển xã Quảng Cư.

Theo quyết định số 2784/QĐ-UBND ngày 28/8/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án sân golf và các dự án tại Khu du lịch sinh thái Quảng Cư, Công ty FLC có trách nhiệm phối hợp với Sở NN&PTNT nghiên cứu, tính toán kỹ việc giữ chiều dày lớp rừng phòng hộ ven biển để bảo vệ, chống xâm thực của biển vào dự án và đảm bảo quy định của pháp luật.

Trong báo cáo số 81/TTr-FLC ngày 13/10/2014 của công ty FLC gửi Sở NN&PTNT về việc chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích đất thực hiện dự án Sân Golf và khu nghỉ dưỡng Quốc tế FLC Sầm Sơn, Công ty đã cam kết trong quá trình khai thác đảm bảo khai thác không làm ảnh hưởng đến dải cây rừng phòng hộ ven biển.Tuy nhiên, FLC đã phá bỏ cam kết, phớt lờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, ngang nhiên làm trái quy định của pháp luật khi tiếp tục phá nát phần rừng phòng hộ còn lại, chiếm dụng “nốt” 15,4 ha đất rừng, đất ven biển ngoài quy hoạch, không được UBND tỉnh Thanh Hóa giao.

 

Thu hồi GPMB giá “bèo”, hỗ trợ tái định cư giá "trên trời".

Theo một số người dân tại thôn Quảng Thanh (xã Quảng Cư), trong thôn có 28 hộ dân nằm trong diện thu hồi để tiến hành giai đoạn 2 của dự án, song hầu hết các hộ dân tại đây đều không đồng ý với mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà UBND thị xã Sầm Sơn đưa ra.

Lý giải về vấn đề này, anh Lường Văn Ngọc, hộ dân có đất nằm trong diện thu hồi trên đường Hồ Xuân Hương cho biết: “Mức giá đất theo thị trường hiện nay ở khu vực này rơi vào khoảng 35 đến 40 triệu đồng/m2, thế nhưng giá đền bù GPMB của thị xã đưa ra chỉ là 3,2 đến 3,5 triệu đồng/m2 thì chúng tôi chấp nhận sao được. Đành rằng triển khai dự án thì tỉnh, thị xã có lợi, nhưng không thể “đạp” lên trên lợi ích của người dân như vậy”.

“Các hộ dân ở đây đều không đồng tình với mức giá “bèo” này, bởi tính sơ sơ, hộ nào ít thì thiệt hại tiền tỷ, có hộ thiệt hại hàng chục tỷ đồng”, anh Ngọc bức xúc cho biết.

Đất dọc đường Hồ Xuân Hương có giá thị trường từ 30 - 40 triệu, được áp mức giá 3,2 - 3,5 triệu gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho các hộ dân.

Cùng chung quan điểm trên, chị Dung (thôn Quảng Thanh) nói thêm: “Họ áp giá đền bù cho gia đình tôi chỉ 2,5 triệu đồng/m2, gây thiệt hại lớn quá nên gia đình tôi không đồng ý. Trong khi đó, đất tái định cư ở cách đây rất xa thì họ bắt chúng tôi mua với giá 25 đến 30 triệu đồng, thử hỏi ai chấp nhận nổi?”

 

Được biết, UBND xã Quảng Cư, UBND thị xã Sầm Sơn đã nhiều lần thông báo đến các hộ gia đình thuộc diện giải toả, cũng như tổ chức nhiều cuộc họp vận động bà con giải toà, di dời để giao mặt bằng cho dự án nhưng người dân vẫn chưa chấp thuận. Hiện nay, hàng trăm người dân vẫn đang tập trung tại cổng trụ sở UBND tỉnh Thanh Hoá để phản đối; nhiều người dân Quảng Cư cũng đang tập trung tại địa phương để phản đối kế hoạch cưỡng chế, giải toả mặt bằng.

Trao đổi với PV, ông Ngô Hữu Bàn, Chủ tịch UBND xã Quảng Cư thừa nhận, mức giá đất tại khu vực đường Hồ Xuân Hương theo giá thị trường hiện ở mức trên 30 triệu đồng/m2. Việc áp mức giá như vậy với các hộ dân là do thời điểm UBND tỉnh đưa ra quy định về mức giá đền bù thì giá đất vẫn còn thấp.

Nói về thiệt hại của các hộ dân đang phải chịu nếu như tính theo mức giá này, ông Bàn cho biết, UBND xã có đề xuất lên UBND thị xã để tính lại nhưng chưa có phản hồi và cũng…khó.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc hàng loạt sai phạm của FLC Sầm Sơn!

Huệ Nguyễn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo