Xã hội

Vụ dừng tuyển sinh: Bộ Giáo dục nói rõ không nhầm lẫn!

Ngày 6/2, sau khi các trường lên tiếng phản đối quyết định của Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo ĐH và cảnh báo hàng trăm ngành đào tạo ĐH, CĐ khi mùa tuyển sinh đã cận kề, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã lên tiếng giải thích sự việc này.

Đội ngũ cán bộ đào tạo cơ hữu chưa đảm bảo

Trước việc lãnh đạo một số trường cho rằng quyết định này của bộ quá bất ngờ, khiến trường không kịp trở tay khi mùa tuyển sinh đã đến rất gần. Thứ trưởng cho biết: "Đầu năm 2013, bộ đã gửi công văn yêu cầu các trường rà soát tổng thể, báo cáo tình hình đội ngũ của các ngành nghề hiện đang đào tạo. Như vậy các trường có gần ba năm chuẩn bị bổ sung đội ngũ đảm bảo các yêu cầu theo quy định về mở ngành.
 
Kết quả rà soát lần này cho thấy hơn 75% số trường ĐH đã chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để đảm bảo chất lượng đào tạo, thậm chí có ngành số lượng và chất lượng giảng viên vượt xa so với yêu cầu".
 
Thế nhưng, theo Thứ trưởng thì một số trường, nhất là các trường ở địa phương, trường ĐH nâng cấp từ các trường CĐ, có khó khăn trong xây dựng đội ngũ. Một số trường công lập hợp đồng với giáo viên đã nghỉ hưu nhưng theo quy định thì những giáo viên này không được tính vào đội ngũ giáo viên cơ hữu của trường.
 
Thứ trưởng Bùi Văn Ga
 
Một số trường ngoài công lập kê khai giáo viên cơ hữu trong khi giáo viên này đã là giáo viên cơ hữu của trường khác. Do đó lực lượng giáo viên cơ hữu thực tế làm nòng cốt đảm bảo chất lượng đào tạo ở các ngành khác nhau theo quy định thấp hơn số các trường kê khai
 
Trước việc nhiều trường phản hồi sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT vì việc dừng tuyển sinh ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của nhà trường cũng như ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của giảng viên, Thứ trưởng bày tỏ: "Khi bị dừng tuyển sinh một số ngành thì đương nhiên các trường cần điều chỉnh kế hoạch hoạt động. Sinh viên đang theo học các ngành này vẫn được tiếp tục đào tạo đến khi tốt nghiệp ra trường. Trong vòng hai năm, bất cứ lúc nào nhà trường báo cáo có đầy đủ giáo viên thì bộ sẽ cho phép tuyển sinh trở lại".
 
Còn mặt khác, theo quan điểm của Thứ trưởng thì quá thời hạn này mà trường không khắc phục được thì quyết định cho phép mở ngành sẽ bị thu hồi.
 
ĐH lớn bị dừng do 1 phần giải trình của lãnh đạo nhà trường
 
Trong 71 cơ sở giáo dục ĐH có ngành đào tạo bị dừng tuyển sinh có tên cả những trường ĐH lớn, đặc biệt có trường nói ngành bị dừng đào tạo họ có thừa đội ngũ theo tiêu chuẩn thông thường. Nhưng ông Ga khẳng định không hề có sự nhầm lẫn ở đây, mà lần này có một số ngành của các trường ĐH tốp đầu cũng bị dừng tuyển sinh. Ngoài lý do thực tế đội ngũ không còn đảm bảo yêu cầu (do cán bộ nghỉ hưu, chuyển công tác, điều động đi làm nhiệm vụ khác...) còn do trách nhiệm báo cáo giải trình của lãnh đạo nhà trường.
 
Ông cho hay: "Đợt rà soát này cho thấy công tác kế hoạch nhân sự của một số trường, ngay cả những trường lớn, làm chưa thật tốt, còn bị động, thiếu sự chuẩn bị mang tính lâu dài. Có những ngành một thời nổi tiếng về chất lượng nhưng nay bị yếu dần do không có đội ngũ thay thế đủ mạnh, thậm chí không còn đủ điều kiện để tiếp tục đào tạo. Đây là điều rất đáng tiếc".
 
Các trường ĐH quá bất ngờ trước quyết định này
 
Theo quan điểm của ông thì quyết định dừng tuyển sinh trên 200 ngành đào tạo bậc ĐH lần này nhắc nhở tất cả các trường phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, không đợi đến khi nước đến chân mới nhảy.
 
Mặc dù thẳng tay xử lý, nhưng vẫn có một số nhân nhượng đối với một số ngành, ông Ga cho hay: "Căn cứ tình hình thực tế hiện nay, những ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật, một số ngành ngoại ngữ, các trường ở khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ có khó khăn trong tuyển dụng cán bộ trình độ cao nên bộ tạm thời chưa dừng tuyển sinh trong đợt này".
 
Trong khi đó, ngày 28/1, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Viết Thịnh, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: "Đây là một sự sai sót quá đáng tiếc về mặt thông tin. Tám ngành được nêu tên đều là những ngành đi đầu của nhà trường trong suốt quá trình hình thành và phát triển, từ Toán học, văn học, hóa học, sinh học, tâm lý học, giáo dục công dân đến sư phạm mỹ thuật, công nghệ thông tin".
 
"Tất cả các ngành trong trường chúng tôi đều hội tụ rất nhiều GS, PGS giỏi của đất nước. Tôi rất buồn khi Bộ có thể đưa ra một quyết định mà quá sai sót về mặt thông tin như vậy" - ông bức xúc.
 
Ông Thịnh nói thẳng: "Ông cũng không hiểu được tại sao lãnh đạo Bộ lại có thể ký một văn bản mà ai cũng biết là không hợp lý như vậy. Đó toàn là những ngành không thể cấm được. Câu chuyện này khiến tôi bất ngờ".
 
Bên cạnh đó, ông Cao Thành Lê - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Tĩnh ngỡ ngàng: "Tôi đã biết thông tin này, Hiệu trưởng trường chúng tôi rất ngạc nhiên không biết lãnh đạo Bộ lấy thông tin từ đâu để đình chỉ một số mã ngành của chúng tôi'.
 
Không những vậy, một số ngành theo chia sẻ của ông Lê, cũng là những mã ngành đứng đầu là hai, ba, Giáo sư, Tiến sỹ, trong năm tới, nhà trường còn định mở thêm đào tạo thạc sỹ, mà nay Bộ lại tiến hành đình chỉ dựa trên căn cứ nào.
 
"Không biết Bộ sẽ quản lý như thế nào, nhưng trường chúng tôi sẽ có đơn kiến nghị lên trên Bộ để xử lý sự việc này, vì chúng tôi đảm bảo được điều kiện tuyển sinh theo Nghị định 08 của Bộ quy định", ông Lê nhấn mạnh.
 
Đồng thời, TS Võ Lương Hồng Phước, Giảng viên chính Bộ môn Hải dương, khí tượng và thủy văn, Khoa Vật lý, vật lý kỹ thuật, Trường ĐH KHTN TPHCM cũng cho rằng: "Hiện nay Bộ môn có 3 Tiến sĩ, 5 thạc sĩ và 3 cử nhân được đào tạo chính quy và đạt yêu cầu của Bộ đề ra. Do vậy TS Phước cho rằng có thể đây là một sự nhầm lẫn".
 
"Trước mắt nhầm lẫn này ảnh hưởng trực tiếp tới việc tuyển sinh vì tháng 3 là đã bắt đầu các công việc liên quan đến tuyển sinh rồi nên nhà trường đã họp khẩn để có văn bản đề nghị Bộ xem xét lại", TS Phước cho biết.
Báo Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo