Pháp luật

Vụ Vinalines: Dương Chí Dũng sẽ thoát án tử hình?

“Nếu không chứng minh được hoặc chỉ chứng minh được mức độ phạm tội chưa đến mức chịu án tử hình thì ông Dương Chí Dũng thoát án tử hình cũng là điều bình thường”, luật sư Cao nói.

 Bị cáo Dương Chí Dũng (trái) và Mai Văn Phúc tại phiên tòa phúc thẩm

Sau 3 ngày xét xử phúc thẩm vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm liên quan đến các tội danh Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX vẫn chưa thể tuyên án. Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng cho rằng: Đây là vụ án đặc biệt được dư luận quan tâm và với những diễn biến mới đang diễn ra có rất nhiều vấn đề cần được lý giải.

PV: Thưa ông, sau 3 ngày xét xử từ 22 – 24/4, theo dự kiến Tòa phúc thẩm sẽ tuyên án đối với bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm vào chiều 25/4, tuy nhiên, HĐXX đã tiếp tục quay lại phần xét hỏi để làm rõ các tình tiết của vụ án, ông có ý gì về việc này?
 
Về nguyên tắc pháp luật tố tụng chỉ rõ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Đồng thời, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, trong diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm, có những tình tiết liên quan đến việc giao, nhận tiền được các bị cáo khai chưa rõ ràng, còn mâu thuẫn thuẫn thì Hội đồng xét xử quay trở lại phần xét hỏi và sẽ tiếp tục tiến hành tranh luận là cần thiết.
 
PV: Trong phiên tòa này chuyện các bên trao tay nhau những vali tiền vẫn chủ yếu được thể hiện qua lời khai, giờ các bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc không thừa nhận việc nhận 10 tỷ đồng thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc xét xử?
 
Chứng cứ của một vụ án bao gồm nhiều loại khác nhau, trong đó có lời khai của bị cáo. Tuy nhiên, để xác thực chứng cứ nhằm buộc tội bị cáo thì hồ sơ vụ án cần phải được tổng hợp từ các nguồn chứng cứ khác nhau. Lời khai của bị cáo phải được đối chiếu, đặt trong sự phù hợp với các vật chứng, kết luận giám định hay các tài liệu, đồ vật khác thu thập được trong quá trình điều tra xét xử.
 
Nếu chỉ dựa vào các lời khai mà những lời khai này chưa được làm rõ, xác thực, chưa có các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án khẳng định chính xác việc các bị giao, nhận tiền lại quả thì rất khó có thể buộc tội bị cáo. Bởi vì, đối với tội tham ô tài sản thì giá trị cụ thể của tài sản là căn cứ để xác định mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, là căn cứ định khung hình phạt do đó nếu không chứng minh, làm rõ được việc các bị cáo đã chiếm đoạt bao nhiêu tài sản mà các bị cáo có trách nhiệm quản lý thì khó có thể kết tội đối với họ. 
 
Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng)
 
PV: Nếu đến ngày 28/4 tại phần tranh luận Tòa vẫn chưa làm rõ được các tình tiết liên quan đến việc giao, nhận tiền thì vụ án có thể bị điều tra lại không, thưa ông?
 
Nếu qua xét xử phúc thẩm nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được thì Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
 
Cá nhân tôi nhận thấy trong vụ án này cũng như các vụ án lớn gần đây, cơ quan tiến hành tố tụng dường như chịu áp lực phải xử nhanh các vụ án lớn, các vụ án điểm nên có thể việc điều tra vụ án chưa thực sự kỹ lưỡng. Qua diễn biến xét xử đã lộ ra những vấn đề thực sự chưa rõ trong cáo trạng, kết luận điều tra.
 
Việc kiên quyết xử lý các vụ án liên quan đến quan chức gần đây thể hiện phần nào nỗ lực của chúng ta trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng nếu chỉ cố xét xử sao cho nhanh có bản án, sớm kết thúc được vụ việc thì rõ ràng pháp luật nhiều trường hợp bị dễ dãi, xem nhẹ bởi sự tùy tiện, thiếu thuyết phục. Và khi đó, lại càng lộ rõ các vụ án không được xét xử bằng pháp luật, bằng quyền của Tòa án mà có thể bị điều chỉnh bởi những ý chí ngoài luật, bị tác động bởi những lực cản thiếu minh bạch.
 
PV: Thưa ông, nếu việc điều tra lại mà không đủ cơ sở để kết luận những nội dung như bản cáo trạng cũng như bản án sơ thẩm thì Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có thể thoát án tử hình?
 
Về nguyên tắc, không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Án sơ thẩm chưa có hiệu lực, nếu bị hủy thì không còn giá trị để thi hành. Việc chứng minh tội phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng, nếu không chứng minh được hoặc chỉ chứng minh được mức độ phạm tội chưa đến mức chịu án tử hình thì ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc thoát án tử hình cũng là điều bình thường.
 
Dư luận rất quan tâm đến việc xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ đại án tham nhũng. Tuy nhiên việc xét xử phải đúng luật, việc kết tội phải tránh việc oan sai. Chúng ta biết rằng Nhà nước đang đấu tranh với nạn tham nhũng, nhưng không thể vì cảm tính mà đưa ra một phán quyết thiếu thuyết phục, bởi như thế sẽ dẫn đến hệ lụy người dân tin rằng chuyện xét xử của Tòa án chỉ cần dựa vào một quyết tâm nào đó mà không phải là trên cơ sở điều tra, truy tố, xét xử công minh, đúng người đúng tội.
 
PV: Ông có nghĩ là Tòa án cấp phúc thẩm sẽ hủy án sơ thẩm không?
 
Tôi không thể đoán được việc Tòa cấp phúc thẩm sẽ phán quyết như thế nào, tuy nhiên với những băn khoăn đã đề cập tôi nghĩ vụ án nên được điều tra lại để làm rõ các tình tiết của vụ án nhằm có một bản án thuyết phục, đúng pháp luật. Càng là vụ án quan trọng, vụ án cần xét xử nghiêm minh thì các chứng cứ càng phải được thu thập kỹ lưỡng, kết luận điều tra và cáo trạng càng phải tường minh, bản án phải công minh mới gây dựng được niềm tin của chúng ta vào công cụ pháp luật trong cuộc chiến chống tham nhũng.
 
Xin cảm ơn ông!
Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo