Pháp luật

“Vua” đường lậu bị bắt

Sau bài viết “Bó tay với “vua” đường lậu” trên báo Lao Động, trong khi tỉnh An Giang cho rằng mọi việc đều tốt và thậm chí xử lý người phát ngôn, ngày 7/2, Bộ Công an bất ngờ bắt tạm giam ông Vi Ngươn Thạnh - nhân vật chính trong bài viết.

Đoàn xe chở đường của ông Thạnh bị tạm giữ tại Công an TP.Châu Đốc.

Bất ngờ bắt ông trùm

 
Ông Vi Ngươn Thạnh (còn gọi là Tỷ “đường”), sinh năm 1966, ngụ thành phố Châu Đốc (An Giang) bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi buôn lậu. Cả chục năm nay, ông Thạnh được coi là “vua” đường lậu ở biên giới Tây Nam. Một số đàn em của ông Thạnh cũng bị bắt để điều tra. Cùng ngày, lực lượng công an đã tiến hành khám xét các kho hàng chứa đường được nghi là nhập lậu của ông Thạnh tại Khánh Bình (huyện An Phú) và TP.Châu Đốc. Tại đây, lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ trên 9.000 bao đường để xác minh, làm rõ nguồn gốc.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại tá Lê Văn Tiền - Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang - xác nhận có việc ông Thạnh bị bắt. Tuy nhiên, do đây là “án” của Bộ Công an nên bước đầu ông Tiền không có nhiều thông tin. Trước khi bắt ông Thạnh, ngày 16.1, lực lượng công an cũng bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1970, ngụ huyện Tịnh Biên, An Giang. Hải được coi là đàn em của ông Thạnh, tham gia điều hành đường dây nhập lậu đường vào Việt Nam.
 
Trước đó, báo Lao Động ngày 28.2.2014 có bài “Bó tay với “vua” đường lậu”, nêu việc Cục Hải quan An Giang liên tục bắt được đường Thái Lan nhập lậu tại biên giới của ông Thạnh với số lượng lớn. Tuy nhiên, khi hải quan củng cố hồ sơ chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra, vẫn không có vụ án nào bị khởi tố. Sau khi báo đăng, ngày 4.3.2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công văn 1387/VPCP-V.I giao Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, làm rõ việc xử lý các vụ việc báo nêu, nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2014.
 
Yếu kém hay “làm ngơ”?
 
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngày 26/5/2014, ông Võ Anh Kiệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - có văn bản số 523/UBND-KT gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo nội dung phản ánh của Báo Lao Động. Trong công văn này, ông Kiệt nêu lại các vụ phát hiện đường cát không rõ nguồn gốc của ông Thạnh cũng như cách xử lý của ngành chức năng. Đồng thời, ông Kiệt cũng nêu lại quá trình phóng viên tiếp xúc và trao đổi thông tin với ông Nguyễn Tấn Thành - Phó Trưởng phòng Chống buôn lậu Cục Hải quan tỉnh An Giang. Theo đó, sau khi báo đăng, lãnh đạo Cục Hải quan đã tổ chức cuộc họp khẩn để kiểm tra, xác định rõ nội dung cuộc trả lời phỏng vấn của ông Thành. Ông Thành sau đó tường trình rằng: “Tôi có cung cấp một số tin như báo đã nêu, nhưng không đến mức độ như vậy. Việc bài viết có những lời lẽ gây hiểu lầm giữa các cơ quan là ý chí chủ quan của phóng viên”.
 
Đến ngày 1/3/2014, Ban Thường vụ Đảng ủy Cục Hải quan tổ chức cuộc họp xem xét, kiểm điểm trách nhiệm, mức độ sai sót của ông Thành trong việc trả lời phỏng vấn đối với phóng viên Báo Lao Động. Công văn nêu rõ: “Việc phát ngôn này chỉ là do sai sót mang tính cá nhân, không phải nội dung hoặc chủ trương của Cục Hải quan tỉnh”. Công văn khẳng định, công tác phối hợp giữa các ngành hải quan, công an, viện kiểm sát, tòa án trong việc xử lý các hành vi về buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là rất tốt. Đùng một cái, ông Vi Ngươn Thạnh bị bắt. Việc này được cho là “bất ngờ” với các cơ quan chống buôn lậu ở địa phương.
 
Điều đáng nói, trong các ngày 27-28/12/2014, Báo Lao Động có loạt bài “Buôn lậu nóng cả ngày lẫn đêm ở biên giới Tây Nam” và “Cận cảnh buôn lậu nhàn nhã, nhởn nhơ ở biên giới Tây Nam” có nội dung phản ánh về tình trạng buôn lậu ở khu vực biên giới thuộc địa bàn TP.Châu Đốc (An Giang). Ngay sau khi báo đăng, ngày 30/12/2014, ông Võ Anh Kiệt chỉ đạo Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Cục Hải quan tỉnh khẩn trương xác minh, làm rõ theo các nội dung phản ánh của Báo Lao Động và xử lý nghiêm theo quy định đối với các đối tượng, hành vi buôn lậu nếu đúng theo nội dung phản ánh của báo; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 20/1/2015.
 
Tuy nhiên, đến hết thời hạn được giao, các cơ quan nêu trên vẫn không báo cáo.
Theo Lao động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo