Quốc tế

WB hạ dự báo tăng trưởng của Đông Á và Trung Quốc

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 của Trung Quốc và khu vực Đông Á. Định chế này còn cảnh báo những rủi ro "đáng kể" từ sự bất ổn toàn cầu, trong đó có tác động tiềm tàng từ việc đồng đô la Mỹ mạnh lên và lãi suất Mỹ ở mức cao hơn.

Ngân hàng có trụ sở tại Washington dự báo, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) đang phát triển, bao gồm Trung Quốc, sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2015 và năm 2016, giảm so với mức tăng trưởng 6,9% ghi nhận trong năm 2014. Mức dự báo này cũng giảm so với mức dự báo mà WB đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái là 6,9% trong năm nay và 6,8% trong năm tới.

 

Trong báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương mới nhất, WB cho biết, kinh tế Trung Quốc có khả năng sẽ chậm lại do nước này áp dụng chính sách đặt nền kinh tế trên một cơ sở bền vững hơn và giải quyết các lỗ hổng tài chính. Theo đó, WB dự báo, kinh tế Trung Quốc có khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại xuống mức 7,1% trong năm 2015 và 7% trong năm 2016, giảm so với mức tăng trưởng 7,4% ghi nhận trong năm 2014. Dự báo trước đó của WB là 7,2% và 7,1% lần lượt trong 2 năm 2015 và 2016.

 

(Ảnh Reuters)

 

Trong khi tác động của giá dầu thấp đối với mỗi nước là không giống nhau, WB cho biết, triển vọng giá dầu ở mức thấp trong một thời gian dài sẽ giúp củng cố tăng trưởng trong khu vực. Tuy nhiên, theo WB, do bất ổn của kinh tế toàn cầu, hiện có những "rủi ro đáng kể" đối với triển vọng khu vực.

 

"Lãi suất của Mỹ ở các mức cao hơn và đồng bạc xanh mạnh lên, cùng với sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của nền kinh tế tiên tiến có thể làm gia tăng chi phí cho vay, gây ra biến động tài chính, và các dòng vốn giảm mạnh hơn so với dự kiến", báo cáo của WB có đoạn viết.

 

Báo cáo cho biết thêm, bất kỳ sự suy giảm nào tại Nhật Bản và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu sẽ khiến xuất khẩu của khu vực giảm sút. Một nguy cơ khác là sự suy giảm đáng kể của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

 

Theo WB, tăng trưởng tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm nay và 5,4% trong năm 2016, giảm so với mức tăng trưởng 4,6% ghi nhận trong năm ngoái.

 

Malaysia, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất khu vực, có khả năng sẽ chứng kiến mức tăng trưởng chậm trong năm 2015, khi giá dầu ở mức thấp ảnh hưởng đến chi tiêu trong lĩnh vực năng lượng và tiêu dùng tư nhân giảm sút do việc thực hiện thuế dịch vụ và hàng hồi tháng Tư năm 2014.

 
NM (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo