Các khu công nghiệp vẫn thiếu hụt lao động nhưng chưa đến mức trầm trọng
Hơn 20.000 người lao động tại Hà Nội được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp / Khắc phục đứt gãy thị trường lao động, cần các giải pháp căn cơ để phát triển nhà ở cho công nhân
Thiếu hụt lao động nhưng chưa đến mức trầm trọng
Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021 với diễn biến phức tạp, kéo dài đã làm cho nguồn thu nhập cũng như cuộc sống của người lao động rơi vào tình trạng khó khăn, bế tắc đặc biệt với các lao động ngoại tỉnh.
Từ đầu tháng 10/2021, mặc dù nhiều tỉnh, thành phố (TP) phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đã bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế khi áp dụng các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thời điểm này, có hàng ngàn lao động tại đây lại ồ ạt đổ về quê khiến các doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu công nghiệp đang rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, TP có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại với nhu cầu lao động cần khoảng 43.600-56.800 người. Tuy nhiên, số lao động về quê ồ ạt trước thời điểm TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội đã khiến các doanh nghiệp dù hoạt động trở lại, nhưng lại phải đối mặt với bài toán thiếu hụt lao động cho việc hồi phục sản xuất và việc hoàn thành các đơn hàng cuối năm.
Trong buổi thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Đào Ngọc Dung cho biết, đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, nhưng điều đáng mừng là sau hơn một tháng cả nước bước vào trạng thái bình thường mới vừa qua, tình hình đang có tiến triển rất khả quan.
Theo báo cáo tại các tỉnh phía Nam và kết quả kiểm tra của Bộ LĐ-TB-XH, hiện nay, tỷ lệ phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp, chế xuất đạt từ 50 đến 80% và số lao động trở lại làm việc hiện nay đạt 70 đến 75%, cá biệt có địa phương tới 90%.
Như vậy, so với nhu cầu và yêu cầu đáp ứng đơn hàng cuối năm, các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn thiếu lực lượng lao động nhưng không đến mức trầm trọng. Đó là do chúng ta đã chủ động những giải pháp, do các địa phương đẩy mạnh hoạt động phục hồi sản xuất.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dự báo, hết quý I và đầu quý II/2022, nếu dịch bệnh không có diễn biến phức tạp hơn thì khả năng phục hồi trở lại thị trường lao động như bình thường nhiều khả năng đáp ứng được.
Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn thiếu hụt lao động nhưng chưa đến mức trầm trọng.
Xây dựng chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động
Cùng với đó, Bộ Bộ LĐ-TB-XHđã báo cáo Chính phủ và xây dựng chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động đi đôi với vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, chia làm hai giai đoạn: giai đoạn phục hồi và giai đoạn bứt phá với những cơ chế chính sách đề xuất đảm bảo đủ mạnh, đủ lớn chương trình này là một trong những nội dung của Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội.
Theo đó, chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động tập trung vào 7 vấn đề chính bao gồm: hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho một số đối tượng, lực lượng lao động để góp phần phục hồi, kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động vay vốn ưu đãi, khôi phục, duy trì phát triển sản xuất, giải quyết việc làm; nâng cao hiệu quả ứng dụng về dịch vụ công, việc làm hiệu quả, đổi mới cung cầu lao động, phát triển lao động trực tuyến, giao dịch việc làm, kết nối việc làm; hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, phát triển hệ thống đào tạo chất lượng cao.
Ngoài ra, đầu tư phát triển các cơ sở, chăm lo đối tượng yếu thế, tổn thương vì dịch bệnh; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, chuyển đổi số trong lĩnh vực dân cư và kết nối với lao động; tập trung chăm lo phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, công nhân và những người lao động ở các khu nhập cư.
Cũng tại đây, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị đặc biệt quan tâm tới công nhân lao động, tạo động lực cho người lao động quay trở lại làm việc. Nhấn mạnh "đây là thời điểm người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước", đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc.
Theo đó, cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động; kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn; tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống; triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo