Môi trường

Xả thải nước có chất cực độc

Một số mẫu nước thải qua phân tích đã phát hiện có hai chất thải nguy hại được xếp loại cực độc là kẽm và kim loại nặng cadmium.
Ngày 29/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường - Bộ Công an (C49) đã có kết luận điều tra ban đầu về hành vi xả thải trái phép của Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi Long Thành (Sonadezi Long Thành thuộc Tổng Công ty Sonadezi).

Có sự gian dối

Kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm trong nước thải xả ra môi trường của Sonadezi Long Thành vượt từ năm đến mười lần so với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, với khối lượng từ 5.000 m³ đến gần 10.000 m³/ngày đêm. Đáng chú ý, một số mẫu nước thải qua phân tích đã phát hiện có hai chất thải nguy hại được xếp loại cực độc, đó là kẽm và kim loại nặng cadmium (Cd).
 
Van xả nước từ hồ sinh thái của nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp
Long Thành ra miệng cống rạch Bà Chèo. Ảnh: Xuân Hoàng
 
C49 cũng làm rõ việc Sonadezi Long Thành vận hành không đúng quy trình, che đậy những hành vi sai trái qua việc cố ý điều chỉnh thiết bị xử lý nước thải tại nhà máy xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, công ty này còn thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt năm 2003.
 
Sonadezi Long Thành nhận xử lý nguồn nước thải tập trung cho 42 doanh nghiệp, với mức phí 0,32 USD/m3. Tuy nhiên, vào đêm 3/8 vừa qua, trinh sát C49 đã bắt quả công ty này đang xả nước thải trực tiếp ra môi trường.
 
Ngay sau khi xảy ra sự việc này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Sonadezi, bà Đỗ Thị Thu Hằng, cho rằng bất cứ lúc nào Sonadezi cũng “làm đúng theo quy định” và “bảo đảm  là Sonadezi không có gì gian dối”.
 
Vi phạm kéo dài

Trước khi C49 vào cuộc, gần đây nhất là tháng 2/2011, Sonadezi Long Thành đã bị Thanh tra Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) xử phạt 75 triệu đồng vì vi phạm xả nước thải vượt chuẩn cho phép.
 
Các năm 2009-2010, công ty này cũng bị xử phạt không dưới ba lần vì các hành vi xả nước thải vượt chuẩn; quản lý, xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định và thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường.
 
Người dân bức xúc với bùn đen đặc và hôi thối ở rạch Bà Chèo - nơi bị
ảnh hưởng nước xả thải của Sonadezi Ảnh: Xuân Hoàng
 
Trong khi đó, ngay từ năm 2007, nông dân khu vực xã Tam An, Long Thành đã có đơn kêu cứu vì không chịu nổi ô nhiễm do nước thải của Sonadezi Long Thành và chính quyền sở tại cũng đã có những kiến nghị lên cấp trên về vấn đề này.
 
Tính đến chiều 29/8, đã có 200 hộ dân xã Tam An nộp đơn đòi Sonadezi bồi thường tổng thiệt hại trên 11 tỉ đồng. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh, đo đếm mức độ tác động ô nhiễm từ hoạt động xả thải của Sonadezi.
 
Trao đổi với phóng viên, đại tá Phan Hữu Vinh, Phó Cục trưởng C49, cho rằng vi phạm tại Sonadezi Long Thành kéo dài là do trách nhiệm quản lý, giám sát của địa phương kém hiệu quả.

Đã có 202 đơn đòi Sonadezi bồi thường
Ngày 29/8, ông Lê Văn Mãi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam An, Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cho biết đã có 202 hộ dân gửi đơn kiện Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành đòi đơn vị này bồi thường thiệt hại.
Theo ông Mãi, mặc dù Hội Nông dân xã đã báo cáo sơ bộ lên Hội Nông dân huyện Long Thành nhưng sau đó, số hộ dân nộp đơn vẫn không ngừng tăng lên nên hội tiếp tục nhận đơn của bà con để báo cáo bổ sung sau.
Trong khi đó, ông Trần Đại Quang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, cho biết đến nay vẫn chưa nhận được báo cáo cụ thể từ phía Hội Nông dân huyện Long Thành.
“Chúng tôi đã đốc thúc nhưng không hiểu vì lý do gì cấp huyện đã quá chậm trễ, vì vậy chúng tôi cũng không thể nắm rõ được tình hình để báo cáo cụ thể lên cấp trên” - ông Quang nói.
X.Hoàng
 
Theo Quý Lâm 
Người Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo