Xác định đúng đối tượng cho vay
Xung quanh những ý kiến về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản,chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính ngân hàng
Thưa ông, nếu theo đúng kế hoạch thì hôm qua, 15 - 4 đã là ngày chính thức triển khai gói hỗ trợ này, song nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của nó khi mà việc xác định đúng đối tượng vay vốn, đâu là đối tượng thu nhập thấp thực sự… không hề dễ dàng?
TS Cấn Văn Lực: Thực tế, lâu nay, việc xác định đúng đối tượng thu nhập thấp, đối tượng nghèo, cận nghèo đã là một việc làm rất phức tạp, không phải đến khi có gói hỗ trợ 30.000 tỷ này vấn đề mới được đặt ra. Song tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những tiêu chí cụ thể trong dự thảo, như đối tượng được ưu đã là sinh viên, công nhân, người có công… còn đối tượng thu nhập thấp, được nằm trong diện mua nhà ở xã hội mới là đối tượng cần phải xác định rõ.
Tôi cho rằng, với trường hợp này, cần phải dựa vào tiêu chí xét xem mức thu nhập bao nhiêu sẽ được xác định là đối tượng thu nhập thấp. Chúng ta có thể xác định dựa vào tiêu chí xác định chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế thới, họ quy định những đối tượng thu nhập 2 USD/ngày (tương đương 60 USD/ tháng) sẽ thuộc nhóm đối tượng nghèo. Theo tôi, cũng nên đưa ra một mặt bằng thu nhập chung tương tự như cách làm của Ngân hàng Thế giới để xét đối tượng thu nhập thấp.
Chẳng hạn như, dựa vào số liệu thống kê, những lĩnh vực có đông người lao động như dệt may, than… thu nhập bình quân của công nhân ở mức 4 -5 triệu đồng/ tháng, thì chúng ta có thể dựa vào mức thu nhập đa số này để đưa vào tiêu chí thu nhập thấp.
Thứ hai, việc xác định đối tượng thu nhập thấp cũng có thể xem xét vào mức tất toán thuế thu nhập cá nhân của mỗi người. Theo tôi, việc làm này là cần thiết để xác định chính xác đối tượng thu nhập thấp – đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội tránh những trường hợp giả mạo nhằm trục lợi.
Với mức lãi suất 6% Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho các đối tượng vay ưu đãi trong vòng 10 năm, nhưng lại chỉ quy định 3 năm đầu, còn 7 năm sau thì… thả nổi, như vậy có phải là "đem con bỏ chợ”, thưa ông?
Trong quy định đưa ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhắc đến yếu tố này, nghĩa là 3 năm đầu người vay được hưởng mức lãi suất 6%, còn những năm sau sẽ căn cứ vào diễn biến thị trường và cân nhắc. Điều này cũng có nghĩa, lãi suất có thể giảm hoặc có thể cao hơn. Nhưng chúng ta cần xác định rằng, Nhà nước không thể cứ trợ cấp mãi cho người đi vay bởi nguồn ngân sách là có hạn. Và chắc chắn, với yếu tố điều chỉnh theo thị trường, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để người tiêu dùng không bị thiệt thòi.
Có ý kiến cho rằng, với những khách hàng đã mua căn hộ 70m2 với giá 14 – 15 triệu đồng/m2 nhưng lại mua trước thời điểm áp dụng chính sách hỗ trợ này (15-4), Ngân hàng Nhà nước nên có sự hỗ trợ gì để tránh thiệt thòi cho họ, và cũng là để việc "giải cứu” thị trường BĐS được trọn vẹn hơn, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Động thái này nói nôm na là "hồi tố”, việc này này là rất không nên bởi nếu xem xét những trường hợp đó, sẽ không loại trừ việc các cá nhân chuyển đổi ngày ký hợp đồng, như vậy việc làm này vô tình lại tiếp tay cho những hành động tiêu cực. Ngoài ra tôi cho rằng, lấy mốc là thời điểm 15-4, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tính toán rất kỹ về tính thời điểm. Do đó, tôi vẫn thống nhất với quan điểm không nên xem xét thời điểm trước đó nhằm tránh phát sinh tiêu cực và ngoài tầm kiểm soát của các ngân hàng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Công Duy
Theo ĐĐK
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo