Xã hội

Xây dựng Bộ cơ chế tổng thể phát triển đảo Phú Quốc

Sáng 6- 12 tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì buổi làm việc với các thành viên Tổ công tác nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang là đảo có diện tích lớn nhất Việt Nam, hơn 589 km2, có 2 thị trấn và 8 xã, dân số khoảng 100.000 người. Năm 2006, đảo Phú Quốc và vùng biển đảo Kiên Giang được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Phú Quốc nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, có lợi thế quan trọng trong mối liên kết giao thông hàng hải, hàng không với các quốc gia trong khu vực và thế giới; có tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế, có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Do sở hữu tiềm năng đặc biệt, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến 2010, tầm nhìn đến 2020. Tháng 5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng huyện đảo Phú Quốc đến năm 2030.

Trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Kiên Giang thời kỳ đến năm 2020, đã xác định mục tiêu xây dựng Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế – hành chính vào năm 2020 với vai trò là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng.

Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định về việc thành lập Tổ công tác nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tổ công tác do Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ làm Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và tỉnh Kiên Giang.

Ngay sau khi được thành lập, Tổ công tác đã ban hành Quy chế làm việc, kế hoạch hoạt động, phân công 4 nhóm nghiên cứu, rà soát và đề xuất cơ chế bao gồm nhóm nghiên cứu mô hình tổ chức, bộ máy, nhân lực và dịch vụ; nhóm nghiên cứu quy hoạch, cơ sở hạ tầng; nhóm nghiên cứu cơ chế tài chính, vốn đầu tư; nhóm tổng hợp – hậu cần.

Trong thời gian từ tháng 10/2012 đến nay, Tổ công tác đã làm việc với các sở, ngành của tỉnh Kiên Giang, huyện Phú Quốc, đi khảo sát thực tế, rà soát cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật, quy định có liên quan đến phát triển Phú Quốc để tổng hợp chung.

Đến nay, Tổ Công tác đã bước đầu tổng hợp được những đề xuất cơ chế trong ngắn hạn để phát triển đảo Phú Quốc, hiện thực những mục tiêu, định hướng phát triển theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cơ chế tổng thể, đảm bảo tính đặc thù

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhất trí về quan điểm cần phải xây dựng được Bộ cơ chế, chính sách tổng thể, đặc thù để phát triển Phú Quốc.

“Sản phẩm cuối cùng là bộ cơ chế chính sách tổng thể, trong đó có những cơ chế đặc thù, khả thi để đảm bảo Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, cốt lõi của việc xây dựng bộ cơ chế chính sách tổng thể này là phải đề xuất cho được những cơ chế rất đặc thù, riêng có để phát triển Phú Quốc. Phó Thủ tướng gợi ý một số nhóm cơ chế chính sách lớn bao gồm nhóm cơ chế về mô hình, quy hoạch phát triển; nhóm cơ chế về xây dựng, phát triển hạ tầng; nhóm cơ chế về huy động nguồn lực; nhóm về thu hút đầu tư…

Phó Thủ tướng đề nghị trước mắt, Tổ Công tác sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát cơ chế, chính sách hiện hành, từ đó kiến nghị những cơ chế, chính sách ngắn hạn, trong thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng, Chính phủ để ưu tiên giải quyết sớm.

Tiếp đó, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bộ, ngành sẽ cùng với tỉnh Kiên Giang và các địa phương trong khu vực tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất những cơ chế chính sách đặc thù. Trên cơ sở đề xuất đó, sẽ tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ với Tổ công tác, tỉnh Kiên Giang và các địa phương liên quan; hội thảo với các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế.

Sau khi các bộ, ngành cho ý kiến để hoàn thiện đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị. Về tiến độ, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tập trung triển khai thực hiện, chậm nhất cuối quý 3/2013 báo cáo Thủ tướng, quý IV báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo giao Bộ NNPTNT hoàn thiện, báo cáo Chính phủ Đề án về tăng cường liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở đó sẽ thể hiện cụ thể thành cơ chế chính sách để triển khai thực hiện.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo chinhphu.vn)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo