Xã hội

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định qua hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể tại DN

(DNVN) - Đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể là một trong những nội dung mới được đưa vào trong BLLĐ 2012. Việc thực hiện đối thoại, thương lượng tập thể định kỳ có ý rất quan trọng trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp.

1. Đối thoại tại nơi làm việc

Khoản 2, Điều 3 Nghị định 60/2013/NĐ-CP quy định: “Đối thoại tại nơi làm việc là việc trao đổi trực tiếp giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) với người lao động (NLĐ) hoặc đại diện tập thể lao động với NSDLĐ nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa NSDLĐ và người lao động để bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.”.

1.1. Trách nhiệm tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc

Trách nhiệm tổ chức đối thoại tại nơi làm việc được quy quy định chi tiết tại Điều 10 Nghị định 60/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc do người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện 03 tháng một lần để trao đổi, thảo luận các nội dung quy định tại Điều 64 của Bộ luật Lao động; khoảng cách giữa hai lần đối thoại định kỳ liền kề tối đa không quá 90 ngày. Trường hợp thời gian tổ chức đối thoại định kỳ trùng với thời gian tổ chức hội nghị người lao động thì doanh nghiệp không phải tổ chức đối thoại định kỳ.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm: Ban hành quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và phổ biến công khai đến từng người lao động trong doanh nghiệp để thực hiện;  Bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất cần thiết khác bảo đảm cho đối thoại;  Cử thành viên đại diện cho bên người sử dụng lao động tham gia đối thoại;  Tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở có trách nhiệm: Tham gia ý kiến vào quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; Tổ chức bầu các thành viên đại diện cho bên tập thể lao động tham gia đối thoại tại hội nghị người lao động;  Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

1.2.Nội dung đối thoại 

Về mặt nội dung (Điều 64 BLLĐ 2012), việc đối thoại giữa NSDLĐ và NLĐ có thể xoay quanh các vấn đề sau: Tình hình sản xuất, kinh doanh của NSDLĐ; Việc thực hiện hợp đồng lao động thỏa ước lao động tập thể ,nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc; Điều kiện làm việc; Yêu cầu của NLĐ, tập thể lao động đối với NSDLĐ; Yêu cầu của NSDLĐ với NLĐ, tập thể lao động; Nội dung khác mà hai bên quan tâm.

1.3.Quy trình đối thoại

a. Chuẩn bị nội dung, thời gian, địa điểm và thành phần tham gia đối thoại:

Sau 60 ngày kể từ ngày kết thúc lần đối thoại trước liền kề, NSDLĐ và Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc người đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở tổng hợp nội dung và gửi nội dung yêu cầu đối thoại cho bên đối thoại;

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung yêu cầu đối thoại, NSDLĐ và Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc người đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc;

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày hai bên thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, NSDLĐ ra quyết định bằng văn bản tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Quyết định tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc phải được gửi đến Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở và các thành viên tham gia đối thoại ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tổ chức đối thoại;

NSDLĐ và Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc người đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở phân công các thành viên tham gia đối thoại của mỗi bên chuẩn bị nội dung, số liệu, tài liệu liên quan cho đối thoại.

b. Tổ chức đối thoại:

Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc được tổ chức tại địa điểm và thời gian đã thống nhất .Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc chỉ được tiến hành với sự có mặt ít nhất 2/3 số thành viên đại diện cho mỗi bên. Trường hợp cuộc đối thoại không đủ 2/3 số thành viên đại diện cho mỗi bên, NSDLĐ quyết định hoãn cuộc đối thoại vào thời gian sau đó song thời gian hoãn tối đa không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cuộc đối thoại bị hoãn;

Trong quá trình đối thoại, các thành viên tham gia đối thoại có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu, trao đổi, thảo luận dân chủ các nội dung đối thoại.

c.  Kết thúc đối thoại:

NSDLĐ và Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc người đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở lập biên bản cuộc đối thoại. Biên bản cuộc đối thoại ghi rõ những nội dung đã thống nhất và các biện pháp tổ chức thực hiện; những nội dung chưa thống nhất và thời gian tiến hành đối thoại những nội dung chưa thống nhất hoặc mỗi bên tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật lao động. Đại diện của hai bên ký tên, đóng dấu xác nhận nội dung biên bản. Biên bản cuộc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc được lập thành 03 bản và có giá trị như nhau, mỗi bên tham gia đối thoại giữ một bản và một bản lưu tại doanh nghiệp;

NSDLĐ có trách nhiệm niêm yết công khai biên bản cuộc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc tại doanh nghiệp, phòng, ban, phân xưởng, tổ, đội sản xuất và đăng tải trên hệ thống truyền thanh, thông tin nội bộ hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

Đối thoại khi một bên có yêu cầu

 Trường hợp một bên có yêu cầu tổ chức đối thoại thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung yêu cầu đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm chủ trì phối hợp với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở tổ chức đối thoại.

Số lượng, thành phần tham gia đối thoại và trách nhiệm của các bên trong tổ chức đối thoại được thực hiện tương tự như đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

2. Thương lượng tập thể

Cũng giống như đối thoại, thương lượng tạo nên một kênh thông tin liên lạc giữa NSDLĐ và NLĐ. Tuy nhiên, khác với đối thoại thường diễn ra để trao đổi, nắm bắt thông tin và để hiểu biết lẫn nhau, thương lượng tập thể thường hướng đến một mục tiêu nhất định và thường để đảm bảo quyền lợi của một trong các bên hoặc cả hai bên. Mục đích của thương lượng tập thể là để: (1) xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, (2) xác lập các điều kiện lao động mới làm căn cứ để tiến hành ký kết thoả ước lao động tập thể; (3) giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. (Điều 66 BLLĐ 2012)

Về mặt nguyên tắc, thương lượng tập thể được tiến hành một cách thiện chí, bình đẳng, hợp tác, công khai và minh bạch. Việc thương lượng tập thể được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất và có thể được thực hiện tại địa điểm do các bên thỏa thuận.

2.1. Nội dung thương lượng tập thể

Nội dung thương lượng tập thể theo quy định tại Điều 70 BLLĐ 2012 này khá phong phú, do các bên lựa chọn và có quan hệ trực tiếp tới quyền và lợi ích của các bên, bao gồm, cụ thể các có thể thương lượng các nội dung sau: Tiền lương, tiền thưởng và nâng lương; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca; Bảo đảm việc làm đối với NLĐ; Bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, thực hiện nội quy lao động.   Ngoài các nội dung kể trên, NLĐ và NSDLĐ cũng có thể thương lượng các nội dung khác liên quan đến quyền và lợi ích của mỗi bên.

2.2. Quy trình thương lượng

Theo quy định tại Điều 71 BLLĐ 2012, việc thương lượng tập thể phải được thực hiện theo một quy trình nhất định, cụ thể như sau:

- Chuẩn bị: trước khi bắt đầu phiên họp thương lượng tập thể ít nhất 10 ngày, NSDLĐ phải cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi tập thể lao động yêu cầu trừ những bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của NSDLĐ;

- Lấy ý kiến tập thể lao động : đại diện thương lượng của bên tập thể lao động lấy ý kiến trực tiếp của tập thể lao động hoặc gián tiếp thông qua hội nghị đại biểu của NLĐ về đề xuất của NLĐ với NSDLĐ và các đề xuất của NSDLĐ với tập thể lao động;

- Thông báo nội dung thương lượng tập thể: chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi bắt đầu phiên họp thương lượng tập thể, bên đề xuất yêu cầu thương lượng tập thể phải thông báo bằng văn bản cho bên kia biết về những nội dung dự kiến tiến hành thương lượng tập thể;

- Tổ chức phiên họp thương lượng tập thể: NSDLĐ chịu trách nhiệm tổ chức phiên họp thương lượng tập thể theo thời gian, địa điểm do hai bên đã thỏa thuận.     Việcthương lượng tập thể phải được lập biên bản, trong đó phải có những nội dung đã được hai bên thống nhất, thời gian dự kiến ký kết về các nội dung đã đạt được thoả thuận; những nội dung còn ý kiến khác nhau. Biên bản phiên họp thương lượng tập thể phải có chữ ký của đại diện tập thể lao động, của NSDLĐ và của người ghi biên bản.

Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp thương lượng tập thể, đại diện thương lượng của bên tập thể lao động phải phổ biến rộng rãi, công khai biên bản phiên họp thương lượng tập thể cho tập thể lao động biết và lấy ý kiến biểu quyết của tập thể lao động về các nội dung đã thoả thuận. Trường hợp thương lượng không thành, một trong hai bên có quyền tiếp tục đề nghị thương lượng hoặc tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của BLLĐ 2012./.

Như vậy, với những quy định nêu trên có thể khẳng định khi doanh nghiệp quan tâm chủ động tổ chức đối thoại định kỳ và thượng lập thể với người lao động sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng một quan hệ lao động hài hòa, ổn định, cởi mở trong doanh nghiệp. Bởi vì đối thoại, thương lượng tập thể mở ra một cơ hội cho NLĐ gặp gỡ và trao đổi trực tiếp các vấn đề mà mình quan tâm để tìm ra cách tháo gỡ hoặc hướng đi phù hợp, đảm bảo quyền lợi của mình. Ngược lại, đối thoại cũng là một kênh thông tin tốt để NSDLĐ nắm được tình hình sản xuất kinh doanh, các mặt hạn chế hoặc các điểm tốt cần phát huy ở NLĐ. 

Theo Dương Tuyết Mùi (Chuyên viên Phòng Chính sách Lao động Việc Làm Sở LĐ&TBXH Hà Nội)

Nên đọc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo