Pháp luật

Xét xử đại án Vinashinlines: Luật sư bào chữa cho Giang Kim Đạt nói gì?

Là một trong ba luật sư bào chữa cho Giang Kim Đạt, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị Toà trả hồ sơ để điều tra bổ sung do cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng.

Ngày 18/2, ngày làm việc thứ ba của phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines), đại diện VKS đã đề nghị tuyên tử hình bị cáo Giang Kim Đạt về tội tham ô, theo tin tức trên báo Pháp luật TP. HCM. 

Bị đề nghị lãnh án tử, Giang Kim Đạt vẫn cười tươi rời tòa. Ảnh: Thu Nguyệt/PLO.

Bị truy tố cùng tội danh, cựu Tổng giám đốc Vinashinlines Trần Văn Liêm bị đề nghị mức án chung thân; nguyên kế toán trưởng Trần Văn Khương bị đề nghị 20 năm tù. 

Bị cáo Giang Văn Hiển (cha Giang Kim Đạt), bị đề nghị mức án 8- 9 năm tù về tội rửa tiền. VKS cũng đề nghị thu hồi số tiền 260 tỷ đồng các bị cáo đã chiếm đoạt, trả lại cho Vinashinlines.

Là một trong ba luật sư bào chữa cho Giang Kim Đạt, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị Toà trả hồ sơ để điều tra bổ sung do cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà xét thấy không thể bổ sung tại phiên tòa được, từ đó xem xét lại tội danh và đường lối, mức độ xử lý phù hợp đối với Giang Kim Đạt.

Theo luật sư Hoài, Giang Kim Đạt không thỏa mãn các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội tham ô tài sản. Người phạm tội tham ô phải là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản mà họ chiếm đoạt.

Trong khi đó, quãng thời gian 2006- 2008, Đạt ba lần vào làm việc rồi nghỉ việc tại Vinashinlines. Tuy nhiên, luật sư không thấy trong hồ sơ các hợp đồng lao động. Quá trình làm việc tại Trại tạm giam và tại phiên toà, Giang Kim Đạt khẳng định không ký các hợp đồng lao động, không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế...

 

Một điểm đáng chú ý, Tập đoàn Vinashin đồng ý với chủ trương mua tàu biển cũ của nước ngoài về khai thác, kinh doanh vận tải biển của Công ty Vinashinlines; toàn bộ nguồn vốn mua tàu thuộc nguồn vốn của Vinashin. 

Để thực hiện việc mua bán tàu, Lãnh đạo Vinashinlines đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban có liên quan, thành lập ban nghiên cứu và triển khai mua tàu... Sau khi công ty thẩm định, rà soát rồi, phải làm tờ trình gửi Tập đoàn đánh giá hiệu quả các thông số về kỹ thuật, giá cả, kể cả nguồn vốn thu xếp, sau cùng là lập tờ trình để Tập đoàn phê duyệt.

“Một mình Giang Kim Đạt không thể tự mình quyết định việc mua bán một con tàu cụ thể mà nó là tổng hòa trách nhiệm của các đầu mối, bộ phận có liên quan của Vinashinlines, có liên đới trách nhiệm của Vinashin thông qua quyết định phê duyệt và chịu trách nhiệm về tài chính. 

Cáo trạng lại thể hiện dường như Giang Kim Đạt tự mình đàm phán ký với đối tác nước ngoài thỏa thuận về hoa hồng, gửi giá cước thuê tàu....”- luật sư Phan Trung Hoài nói.

Như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, theo cáo trạng, các bị cáo đã thỏa thuận lấy tiền hoa hồng hoặc gửi giá vào hợp đồng mua 3 tàu, cho thuê 9 tàu của Vinashinlines để chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng.

 

Cụ thể, từ năm 2006 đến 2008, Liêm đã chỉ đạo Đạt tìm kiếm, thỏa thuận với các Cty môi giới để yêu cầu trích lại từ 1 - 5,75% tổng giá trị hợp đồng mua 3 tàu biển. Qua việc này, các bị cáo đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 11,4 tỷ đồng của Vinashinlines.

Cũng trong thời gian này, các bị cáo đã gửi giá vào hợp đồng của Vinashinlines cho đối tác thuê 9 tàu biển, chiếm đoạt gần 250 tỷ đồng. 
Ngoài ra, các Cty nước ngoài còn chuyển vào tài khoản của vợ chồng Giang Văn Hiển hơn 2,4 triệu USD. Tuy nhiên, CQĐT cho rằng không có căn cứ kết luận đây là tiền chiếm đoạt của Vinashinlines.

Về hành vi của Giang Văn Hiển, CQĐT xác định bị cáo đã mở 22 tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau nhằm giúp Đạt rửa tiền. Các Cty nước ngoài đã 92 lần chuyển tiền vào các tài khoản này với tổng số gần 16 triệu USD. 

Sau đó, Hiển rút ra giao Đạt để Đạt đưa lại cho Liêm và Khương một phần. Còn lại, Hiển mua 40 bất động sản đứng tên mình và người thân, mua đi bán lại 13 ô tô. Dự kiến phiên tòa sẽ tiếp tục vào thứ 2, ngày 20/2.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo