Doanh nghiệp

Xin đừng làm tăng những chi phí bất hợp lý cho các doanh nghiệp

Các định chế được đặt ra một mặt phải dễ hiểu, dễ thực hiện nhưng mặt khác cũng phải tính đến chi phí mà các Doanh nghiệp phải chịu. Bởi vậy, cơ quan quản lý thay vì đặt ra những điều khoản có lợi cho mình, nên tính đến việc những quy định đó có giúp giảm được chi phí của các tổ chức, cá nhân có liên quan hay không. Siết chặt điều kiện kinh doanh nhưng xin đừng làm tăng những chi phí bất hợp lý cho các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Tổ chức WHO bày tỏ băn khoăn trên một ấn phẩm của tổ chức này về dự thảo Thông tư 03 quản lý thuốc bảo vệ thực vật  của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. WHO cho rằng vấn đề ở chỗ, phòng thí nghiệm nào ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn GLP, ISO có thể thực hiện được việc đánh giá độ độc của các loại thuốc trừ dịch hại? Hơn nữa chi phí xác định những tiêu chí này sẽ là như thế nào?

 
Quy định mới trong dự thảo còn làm Doanh nghiệp phải tốn thêm một khoản tiền khá lớn cho việc xác định các chỉ tiêu này.
 
Cùng quan điểm với WHO, một chuyên gia (Nguyên là chuyên viên cao cấp của Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã viết tâm thư với ban soạn thảo đề cập đến quy định số liệu độc tính của thuốc thành phẩm,  bắt buộc việc thực hiện phải do các phòng thí nghiệm GLP, ISO, sê nảy sinh nhiều câu hỏi.
 
Thứ nhất, ở Việt Nam cho đến nay liệu có phòng thí nghiệm nào đạt chuẩn GLP, ISO có thể thực hiện yêu cầu này hay chưa. 
 
Ngay cả  có trang thiết bị, nhưng nguồn nhân lực được đào tạo chuyên về việc đánh giá độ độc trên động vật đã đủ để triển khai thí nghiệm đánh giá hay chưa. 
 
Những vật liệu thí nghiệm (chuột, chó, mèo, lợn, cá, chim,…) có cơ sở nào cung cấp được đầy đủ không,v.v…
 
Nếu không trả lời được các vấn đề đấy, phải chăng sẽ chỉ còn một cách là chi một khoản kinh phí rất lớn để thuê phòng thí nghiệm nước ngoài làm. Điều cuối cùng, nếu tất cả tính vào giá thành sản phẩm thì ai là phải chịu đây. Các doanh nghiệp hay nông dân.
 
Trong Điều 6 của thông tư quy định các loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép đăng ký ở Việt Nam. Tại Điều này, so với dự thảo lần  ba  đã bỏ đi một số quy định rất không khoa học, nhưng vẫn còn giữ lại các điểm b; c; đ.
 
Liên quan điểm b, thuốc bảo vệ thực vật hoá học là hỗn hợp của các loại thuốc bảo vệ thực vật có công dụng khác nhau (trừ sâu, trừ cỏ, trừ bệnh, điều hoà sinh trưởng) trừ thuốc xử lý hạt giống.
 
Thông thường mỗi loại dịch hại cây trồng phát sinh, phát triển gây hại phụ thuộc vào một điều kiện tự nhiên nhất định. Tuy nhiên, có những lúc những điều kiện tự nhiên nào đó vừa phù hợp cho đối tượng gây hại này lại vừa phù hợp cho đối tượng gây hại khác. Trong những khoảng điều kiện tối thích đó dịch hại cùng “đồng hành” phát sinh, phát triển gây hại. Đó là một thực tế. Những lúc như vậy người ta cần tiến hành đồng thời phòng trừ một lúc một vài đối tượng gậy hại. 
 
Trước đòi hỏi của thực tế như vậy các nhà sản xuất thuốc đã nghiên cứu và tạo ra những hỗn hợp thuốc để cùng một lúc có thể trừ được tất cả các đối tượng. Trình bày như trên để nói rằng các loại thuốc hỗn hợp là một đòi hỏi của thực tế chứ không phải là một mánh lới tiêu thụ của các nhà sản xuất cũng như của các doanh nghiệp.
 
Chúng ta thấu hiểu áp lực của xã hội về tình hình quản lý thuốc trừ dịch hại. Tuy nhiên, không chỉ vì áp lực đó mà đưa ra những quy định dành phần “không trách nhiệm” về mình.
 
Nhưng quy định mới ở trong dự thảo mới nhất, dường như chỉ nhằm mục đích giảm tối đa số tên thuốc trong danh mục. Chính vì vậy, mà mới có những quy định chỉ có tính “mệnh lệnh hành chính” và rất duy ý chí như trình bày ở trên. 
 
Không dựa trên các căn cứ khoa học và các kiến thức về cây trồng và dịch hại. Không có thông tin chính xác về tình hình quản lý thuốc trừ dịch hại ở các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Thiếu cơ sở pháp lý.
 
Dự thảo mới này  quy định trong hồ sơ đăng ký thuốc trừ dịch hại của các tổ chức, cá nhân, những số liệu độc tính của thuốc thành phẩm phải có báo cáo của các cơ sở nghiên cứu đạt chuẩn GLP, ISO là một quy định hơi khác thường với cách đặt ra những quy chế quản lý thời gian trước đây. Quy định này cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc.
 
"Đề nghị Ban soạn thảo xét nếu các doanh nghiệp vẫn muốn khai thác các sản phẩm của hoạt chất này thì nên chuyển sang danh mục thuốc trừ chuột đã có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt nam. Không nên loại khỏi danh mục. Tiền của cá nhân hay của tổ chức nào đó cũng là tiền của xã hội", Vị Chuyên gia xin dấu tên đề nghị thẳng thắn.
 
Doanh nghiệp Việt Nam xin được chuyển đến bạn đọc và các nhà soạn thảo thông tư những lời tâm huyết thiết tha và nhưng phân tích khoa học của một chuyên gia trong ngành với hy vọng các nhà soạn thảo sẽ đưa ra những điều khoản đúng đắn giúp ngành BVTV phát triển và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành.
 
Như Trâm
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo