Góc nhìn

Xử lý lãng phí

Có lẽ chưa bao giờ thực trạng cuộc sống, xã hội, với mục tiêu phát triển bền vững, yêu cầu chống lãng phí đã và đang đặt ra vô cùng cấp thiết đối với Đảng, Nhà nước ta, với mỗi gia đình, cá nhân hiện nay. Nghị định 84/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí vừa ra đời đã không chỉ đơn thuần là việc hướng dẫn, đưa pháp luật vào cuộc sống, mà từ đây cần phải nhận thức rõ về một yêu cầu bắt buộc, khẳng định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân

Nhiều ngôi nhà xây trên đất  

Bởi rằng, không chỉ đến bây giờ vấn đề chống lãng phí, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân mới được đề cập, chú trọng. Vấn đề chống lãng phí đã được coi là truyền thống, tự cội nguồn dựng xây đất nước của ông cha ta. Bóc ngắn, cắn dài; miệng ăn, núi lở; tích tiểu thành đại…luôn là những lời cảnh báo, nhắc nhở từ trong dân gian. Ngay từ khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn luôn chú trọng đến vấn đề này, từ việc làm cụ thể, nhặt từng tờ giấy rơi còn viết được, cho đến quán triệt tới cán bộ, đảng viên, ban hành các quy định về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Lịch sử thế giới cũng như trong nước cho thấy, ở mọi thời đại, mọi xã hội, dân tộc, đất nước, cho đến mọi gia đình, cá nhân đi lên giàu có, hưng thịnh cũng đều xuất phát từ việc tiết kiệm, chống lãng phí này.

 
Đất nước ta từ lâu đã phải xếp vào những nước thuộc diện nghèo nhất  thế giới, vậy nhưng, buồn thay khi nhiều năm qua, tình trạng lãng phí đã như một căn bệnh trầm kha, trên mọi phương diện. Lãng phí từ trên xuống dưới, từ chủ trương đến việc làm cụ thể, từ ý thức đến hủ tục.  Và rồi từ chuyện ăn bát phở, ít khi người ta ăn đến khi sạch bát mặc dù bụng chưa no, cho đến việc ông chủ tịch huyện nghèo nọ "cưỡi” chiếc xe ô tô ngoại giá trị bằng mấy trăm con trâu…đều đã đưa ra bàn. Vậy nhưng vấn đề vẫn đâu hoàn đấy. Thôi chẳng kể mấy đại gia giàu có sánh vai hàng các bậc tỉ phú trên thế giới đi xe hạng sang, xông xênh không kém ai, nhưng nhiều vị có trách nhiệm, tiêu tiền của dân lại cứ ngỡ là của mình. Nhiều nơi, nhiều chỗ, đã nghèo những vẫn ăn chơi, sài sang thì thật khó hiểu.
 
Bởi vậy, rõ ràng rất cần có sự vào cuộc của pháp luật chặt chẽ hơn nữa và xử lý nghiêm. Những quy định về xử lý vi phạm như phải bồi thường thiệt hại, quy trách nhiệm, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự là rất cần thiết, bên cạnh đó là khuyến khích động viên người thực hiện nghiêm, làm tốt…
 
Tuy nhiên, cũng như cuộc chiến chống tham nhũng. Cuộc chiến chống lãng phí cũng không đơn giản chút nào. Có những việc hiện trạng bày ra rành rành trước mắt, nhưng khi đi vào cụ thể chỉ ra sai phạm lại không dễ. Không chỉ do những quy định pháp luật còn chung chung, không chỉ những mối quan hệ ràng buộc mà nhiều khi vướng ở ngay cơ chế, như  việc làm cá nhân, nhưng sai phạm lại quy cho tập thể, kiểu chung chung hòa cả làng. Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã ban hành gần chục năm nay, nhưng  chưa có cá nhân cụ thể nào bị xử lý tương xứng với hành vi vi phạm, thực tế vi phạm của họ.
 
Rõ ràng, vấn đề chống lãng phí, xử lý vi phạm chưa được làm đến nơi, đến chốn. Luật chưa được thực hiện nghiêm ngay từ trong ý thức. Như cuối năm trước, khi sửa đổi luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: "Tiết kiệm chống lãng phí còn dễ làm hơn là chống tham nhũng. Tham nhũng thì không lộ ra, mà nó lẩn, biết đấy nhưng không bắt được, chứ lãng phí thì lộ ra ngay, không giấu được”. Đúng là với chống tham nhũng, để tìm ra kẻ tham rất khó. Ngay với việc biện pháp kê khai tài sản, như số liệu công bố gần đây, đến hơn 944 nghìn (gần 1 triệu) trường hợp kê khai tài sản thu nhập chỉ có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh và duy nhất 1 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực. Tài sản của kẻ tham dù hiển hiện, nhưng để chỉ ra phần tham thật không dễ. Còn với lãng phí, đúng là mọi sự đều phơi ra. 
 
Để kể về thực trạng lãng phí, nếu có những ban bệ thống kê, thì chắc người ta sẽ lại cho ra những con số đẹp kiểu như tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 1,84%. Còn bằng con mắt thường, qua giám sát của người dân sẽ chỉ ra ngay thực tế. Như hàng trăm ngàn ha đất, nhất là đất bờ xôi ruộng mật đã bị thu hồi cho các dự án khu đô thị, nhà ở, khu công nghiệp, sân gôn…Hạt thóc, củ khoai mất đi, trong khi sản phẩm công nghiệp, du lịch chưa thấy, thay vào đó là những cánh đồng bỏ hoang, khu nhà bỏ hoang, khu công nghiệp bỏ hoang. Nhà nước, nhân dân đã thu được bao nhiêu cái lợi tiền bạc từ những sân gôn, hay bao tiền bạc đều đã chui vào túi cá nhân, sau khi biến từng "tấc đất, tấc vàng” thành cánh đồng ăn chơi cho kẻ lắm của, nhiều tiền? Những vụ tham nhũng, lãng phí cụ thể một vài tỷ, vài chục tỷ, trăm tỷ, ngàn tỷ đồng đã lớn, nhưng tham nhũng, lãng phí từ quy hoạch, chủ trương để những hậu quả, hệ lụy nhiều đời không thể tính đếm được, thì những ai sẽ phải chịu trách nhiệm, phải bị xử lý?
 
Tham nhũng, lãng phí mang tính kiểu "quy hoạch” sai, thôi thì cần phải có lộ trình, giải pháp khắc phục dần dần. Còn những lãng phí mà người dân có thể chỉ ra ở mọi lúc, mọi nơi, thì việc xử lý trong tầm tay. Tham nhũng không chỉ ra được đành chịu, còn lãng phí đã thấy thì phải làm triệt để, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định "chắc chắn sẽ trị được”. Ví như tỉnh A, thành phố B tổ chức lễ lạt, hội hè tốn kém thì chủ tịch tỉnh ấy sẽ phải chịu kỷ luật. Và như Nghị định đã quy định: Cán bộ để xảy ra lãng phí, gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định. Với bất cứ sự vụ, việc ở mọi cơ quan, đơn vị cần có sự phân định, tính toán, minh bạch, công khai… 
 
 Để gây ra thất thoát lãng phí, nhất là lãng phí lớn, đa số vẫn thuộc về những người có trách nhiệm, người đứng đầu. Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, từ cơ quan, tổ chức gây ra cho đến cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin cho đến xử lý ngăn chặn vụ việc. Thực tế lâu nay, việc không thực hiện tốt Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí nguyên nhân chính vẫn là những người đứng đầu chưa làm tròn trách nhiệm, nhất là khi chính họ là nguyên nhân gây ra thất thoát lãng phí. Để luật được thực thi triệt để, để vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí thực sự hiệu quả không thể cứ mãi tiếp tục quy định chung chung, hô hào chung chung mà phải quy định cụ thể, bắt đầu xử lý ngay vào những việc cụ thể, địa điểm cụ thể. Mọi đối tượng gây lãng phí phải bị xử lý, ngay cả người cầm cân nảy mực, chậm xử lý, không xử lý hành vi thất thoát, lãng phí càng cần phải bị vạch trần, xử lý nghiêm.
Theo Đại đoàn kết
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo