Tài chính - ngân hàng

Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam liên tục trượt dốc

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) sau khi liên tục sụt giảm trong hơn 2 năm qua, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam tháng 1/2015 tiếp tục trượt dốc với mức giảm sâu gần 22%, đạt 33 triệu USD. Xuất khẩu sang các thị trường truyền thống ngày càng sa sút, nhường ngôi cho những thị trường nhỏ như ASEAN.

 

Năm 2013, xuất khẩu cá ngừ giảm 7,2% do nhu cầu thị trường giảm, chất lượng nguyên liệu chế biến xuất khẩu giảm, khiến giá trị sản phẩm xuất khẩu giảm. 

 

Năm 2014 giá trị xuất khẩu đạt 484 triệu USD, tiếp tục giảm 8,1%.

 

Sản phẩm cá ngừ ở hai phân khúc sống/tươi/đông lạnh và đóng hộp đều giảm mạnh, trong đó, cá ngừ tươi/sống/đông lạnh giảm mạnh nhất và giảm liên tục trong 2 năm: từ 159 triệu USD năm 2012 xuống 108 triệu USD năm 2013 (-32%), năm 2014 tiếp tục giảm sâu 46% xuống còn 59 triệu USD.

 

Trước đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tăng nhanh, từ 188 triệu USD năm 2008 lên gần 530 triệu USD vào năm 2013.

 

Vasep cho biết nguyên nhân chính là do chất lượng nguyên liệu không đảm bảo cho sản phẩm phẩm cấp cao, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản giảm vì đồng yên mất giá và qui định thị trường khắt khe.
 
Xuất khẩu cá ngừ phile, thăn cá ngừ tăng 17% bù đắp cho sự sụt giảm của sản phẩm tươi/sống sang thị trường Nhật Bản và đóng hộp sang thị trường Mỹ.
 
Sản phẩm cá ngừ đại dương của Việt Nam đã xuất khẩu đến 99 nước trên thế giới, thị trường chủ yếu là EU, Mỹ và Nhật Bản, hầu hết các thị trường chính đều giảm, trong đó thị trường Nhật giảm mạnh nhất -46%, tỷ trọng thị trường này giảm từ 8% xuống còn 5% giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.
 
Sản phẩm cá ngừ của Việt Nam càng gặp khó khăn khi mà yêu cầu sản phẩm trên các thị trường chính ngày càng cao, đòi hỏi tính bền vững và dễ truy xuất nguồn gốc: đảm bảo quy định khai thác IUU của EU; sản phẩm khai thác phải an toàn cho cá heo theo quy định EII của thị trường Mỹ.
 
Năm 2014, ngành cá ngừ được quan tâm khi lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị định với các chính sách toàn diện nhất cho một chương trình hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ trên diện rộng. Đó là Đề án Thí điểm sản xuất, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi và Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
 
Theo đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ cho ngư dân khai thác hải sản xa bờ, như cho vay đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt, tàu dịch vụ hậu cần có công suất lớn, trong đó có cho vay để mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ đánh bắt, bảo quản,... cho vay vốn lưu động để trang trải các chi phí... 
 
Song, sau hơn 2 tháng triển khai Nghị định vẫn chưa có ngư dân, tổ chức nào tiếp cận được với nguồn vốn này, vì thủ tục ở các địa phương còn khó khăn.
 

 

T. Hiền
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo