Pháp luật

Yên Hòa, Hà Nội: Chính quyền “im lặng” để Handico “băm nát” đất vàng cho thuê?

(DNVN) – Với việc “băm nát” đất dự án để cho thuê nhiều năm qua, chủ đầu tư dự án tại khu đất E3, E4, E5 nằm trong KĐT mới Cầu Giấy trục lợi hàng tỷ đồng nhưng chính quyền sở tại vẫn “im lặng” khiến dư luận khó hiểu?

Nhộn nhịp nhà hàng, quán nhậu trên đất dự án

Vừa qua, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ra quyết định số 2528/QĐ-UBND, ngày 21/5/2016 về việc thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thực hiện thanh tra, kết luận đối với các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn TP Hà Nội có sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng và sử dụng đất. 

Nhà hàng, quán nhậu nhộn nhịp tại lô E5.

Chủ trương của thành phố đang thúc đẩy các đơn vị cấp dưới nghiêm chỉnh chấp hành ý kiến chỉ đạo. Tuy vậy, tại khu đất E3, E4, E5 nằm trong KĐT mới Cầu Giấy lại “mọc” lên hàng loạt nhà hàng, quán ăn, café, gara ôtô, trạm rửa xe…đang rầm rộ kinh doanh cả ngày lẫn đêm, gây mất mỹ quan nhưng vẫn tồn tại nhiều năm qua khiến dư luận khó hiểu? 

Giá thuê để làm điểm kinh doanh tại đây lên đến hàng chục triệu/tháng. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu đất này do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) quản lý nhiều năm qua đã cho các đơn vị khác thuê lại đất để dựng các kiot, nhà hàng kinh doanh. Giá thuê đất làm điểm kinh doanh lên đến hàng chục triệu đồng nhưng vẫn có nhiều đơn vị chấp nhận thuê vì vị trí đẹp, dễ kinh doanh kiếm lời. 

Các cửa hàng, quán ăn, điểm kinh doanh kiên cố tràn lan tại khu đất E3, E4, E5 nằm trong KĐT mới Cầu Giấy “đập” vào mắt những người tham gia giao thông qua khu vực này. Tuy vậy, chính quyền sở tại dường như “tê liệt”, mặc cho Handico thả sức “băm nát” đất dự án cho thuê để trục lợi. 

Tại sao không cưỡng chế sai phạm? 

Vào năm 2014, vụ hỏa hoạn tại Lô E5 khiến nhiều người dân đi qua khu đô thị Cầu Giấy một phen hoảng loạn. Ngọn lửa chỉ trong chớp mắt đã lan rộng, thiêu rụi nhà xưởng, gara ô tô, quán ăn… ước tính thiệt hại lên đến 5 tỷ. 

 

Vụ hoản hoạn tại lô E5 khiến người dân một phen hoảng loạn vào năm 2014. 

Trước sự việc trên, ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy đã ký Công văn số 961/UBND-QLĐT gửi Công ty Điện lực Cầu Giấy đề nghị ngừng cấp điện tại các khu đất trên và chỉ cấp điện khi có ý kiến chính thức của UBND quận.Trước sự vào việc quyết liệt của UBND quận Cầu Giấy khiến dư luận yên tâm là sai phạm sẽ bị xử lý triệt để. 

Tuy vậy, sau 2 năm dù đã có nhiều văn bản ban hành về việc xử lý dứt điểm sai phạm trên lô đất E3, E4, E5 nhưng đến nay nhiều nhà hàng, quán nhậu, điểm kinh doanh vẫn ngang nhiên “mọc” trên đất dự án. Vậy chủ trương của UBND quận Cầu Giấy sẽ xử lý như thế nào trước sai phạm của Handico? Đến bao giờ mới xử lý dứt điểm? Nếu lỡ xảy ra hỏa hoạn như năm 2014 thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này? 

Để làm rõ sự việc, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung Kiên – Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Dưới góc nhìn của một người quản lý địa phương, ông Kiên cho biết: “Đất này UBND TP. Hà Nội giao cho công ty (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - pv) và cho các cơ chế… để rõ em có thể liên hệ trực tiếp đến công ty”. Cũng theo ông Kiên, trước sai phạm trên là do việc quản lý không đảm bảo do việc tồn tại đã lâu. Còn về việc cưỡng chế thì đang gặp nhiều khó khăn vì bên phía công ty không hợp tác để thực hiện. 

Vậy tại sao Handico lại dám “phớt lờ” những ý kiến chỉ đạo của cấp chính quyền? Cá nhân nào đang tiếp tay để Handico “băm nát” đất dự án cho thuê trục lợi? Việc cho thuê đất thu về hàng tỷ đồng, Handico có đóng thuế hay không? Trước hàng loạt sai phạm của Handico, kính đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy cùng các cơ quan chức năng, ban ngành liên quan sớm vào cuộc điều tra, làm rõ, xử lý những cá nhân bao che, buông lỏng quản lý, trả lại mặt bằng để đất dự án thực hiện đúng mục đích. 

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật tin tức và gửi thông tin mới nhất đến bạn đọc. 

 

Theo điều 38, luật đất đai: 

Các trường hợp thu hồi đấtNhà nước thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

1. Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế;

2. Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;

3. Sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả;

 

4. Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;

5. Đất được giao không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;

6. Đất bị lấn, chiếm trong các trường hợp sau đây:a) Đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm;b) Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;

7. Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;

8. Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;

 

9. Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước;

10. Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn;

11. Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn mười tám tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn hai mươi bốn tháng liền;

12. Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.

Nên đọc
Tuân Kiệt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo