"Sức nóng" bên lề cuộc lấy phiếu tín nhiệm 15 chức vụ chủ chốt Hà Nội
“Với những người bị phiếu tín nhiệm thấp thì cấp ủy đảng và các lãnh đạo cấp cao nên suy nghĩ trong công tác điều hành, bố trí cán bộ làm sao cho hợp lý..."
Đại biểu Nguyễn Xuân Diên – Phó Chánh văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND TP Hà Nội, Thành viên Ban Pháp chế chia sẻ với phóng viên về việc lấy phiếu tín nhiệm ở Hà Nội.
Ông Diên cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm cũng giống như Quốc hội, một số đại biểu trong diện lấy phiếu có tín nhiệm thấp ở kỳ trước cũng đã có sự chuyển biến. Ông hi vọng lần lấy phiếu này với 15 đồng chí, các đại biểu sẽ đánh giá đúng từng chức danh.
Cử tri băn khoăn với những người có phiếu tín nhiệm thấp kỳ trước thì mình nên áp dụng các giải pháp gì, ví dụ như điều chuyển công tác chẳng hạn? Ông nhìn nhận gì về việc này?
Quan điểm cá nhân tôi với những người bị phiếu tín nhiệm thấp thì cấp ủy đảng và các lãnh đạo ở tầm cao cũng nên có một suy nghĩ trong công tác điều hành, bố trí cán bộ làm sao cho hợp lý. Bởi vì bản thân các đồng chí có phiếu tín nhiệm thấp tự người ta cũng đã thấy khó trong công tác chỉ đạo điều hành rồi. Lần lấy phiếu này không vươn lên được nữa, có lẽ cũng nên suy nghĩ trong công tác cán bộ để làm sao phù hợp hơn.
Theo tôi cũng nên suy nghĩ lại trong công tác điều động cán bộ để làm sao hợp lý hơn. Điều này là vấn đề mà không những cử tri, mà các ĐBQH, rồi các tầng lớp nhân dân thủ đô cũng rất quan tâm. Nếu làm như vậy sẽ càng nâng cao uy tín của các đồng chí lãnh đạo. Hai nữa điều này cũng là củng cố lòng tin với cử tri và nhân dân.
Với những trường hợp mà kỳ trước phiếu tín nhiệm thấp thì có trường hợp nào đã bị điều chuyển sang vị trí công tác khác chưa?
Việc điều chuyển còn nhiều yếu tố chứ không phải chỉ phụ thuộc vào phiếu tín nhiệm thấp. Bởi vì theo quy định của Nghị Quyết 35 có những quy định tương đối rõ và ngặt nghèo hơn. Còn khi điều chuyển các vị trí công tác khác, đó được xem là một tiêu chí rất quan trọng để xem xét.
Cá nhân ông và các đại biểu có thu thập được đầy đủ thông tin đối với 15 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm không?
Hiện có thể nói những thông tin về 15 chức danh thành ủy cũng chỉ đạo rất quyết liệt. Bí thư thành ủy, trong quá trình họp đã chỉ đạo rất quyết liệu để làm sao những thông tin, nhất là thông tin trong quá trình thực thi nhiệm vụ của 15 chức danh đã tương đối đầy đủ.
Thứ hai, những quy định chung đối với Đảng viên, đối với cấp ủy nói chung về vấn đề kê khai tài sản cũng phải làm rất ngặt nghèo, rất rõ ràng. Bản thân các đại biểu cũng phải nắm rõ những thông tin đó để biết.
Với cá nhân tôi cũng có được những thông tin về 15 đại biểu, kể cả trong quá trình hoạt động, những ưu, những khuyết điểm thế nào, kể cả trong hoạt động ra sao. Các đại biểu khác chắc chắn cũng sẽ có nhiều kênh, ngoài kênh chính thống ra họ có nhiều kênh khác để nắm thông tin.
Khó đánh giá hết được tất cả các đại biểu quyết định ghi phiếu như thế nào, còn cá nhân tôi thì tôi nắm khá đầy đủ về 15 chức danh đó.
Hiện nay việc kê khai tài sản, theo đánh giá của cử tri, thì còn rất hình thức. Có cách nào để đánh giá lại những thông tin mà mình tiếp nhận được từ các cơ quan?
Thực sự đây là vấn đề rất khó. Tôi chỉ đơn giản vụ ông Trần Văn Truyền, sau khi ông ấy về hưu rồi, qua rất nhiều nguồn thông tin, kể cả báo chí, rồi nhân dân thì mình mới nắm được. Cho nên khi người ta đã không tự giác thì đây là một cái cực kỳ khó. Mà với đại biểu mình cũng không có chức năng đi điều tra cái đó. Cho nên vấn đề này cũng chỉ kêu gọi tính tự giác, tự nguyện của các đồng chí thôi.
Việc lấy phiếu được thực hiện lần này là thứ 2 ở Trung ương và Hà Nội, theo ông việc này có cần điều chỉnh gì không để cho thực sự ý nghĩa thiết thực?
Qua phát biểu của các đại biểu trên nghị trường, nói chung dư luận nhân dân nắm rất rõ. Trong lấy phiếu chỉ mong duy trì ở 2 mức: Tín nhiệm và Không tín nhiệm, nhưng Nghị quyết 35 của Quốc hội thì vẫn giữ nguyên 3 mức. Đây có lẽ cũng là bước thử nghiệm, mà tôi suy nghĩ là sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới. Nhưng trước mắt, trong nhiệm kỳ này có lẽ phải chấp nhận 3 mức như vậy.
Ông có cho rằng nên mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm nhất là đối với các lãnh đạo ngành như giao thông, trật tự đô thị…?
Mong muốn của cử tri và nhân dân thì luôn muốn những vị trí quản lý, những vị trí đảm nhiệm, những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đất đai. Theo cá nhân tôi thì cái này nằm chung trong Luật cán bộ, công chức. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ công chức thì theo luật như nhau cả, mà tôi lại không bị bỏ phiếu. Đây lại là vấn đề, cần công bằng trước pháp luật.
Nhân dân và cử tri đang muốn lấy phiếu với những chức danh đó, nhưng mà để thực thi điều này thì rất khó và phải theo quy định của Luật.
Ông Vũ Cao Minh - Phó Bí Thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Thanh Xuân:
Tôi cũng hi vọng lần lấy phiếu này đại biểu sẽ đánh giá đúng những kết quả, cũng như những ý kiến để các đồng chí có thể tiếp thu, nâng cao hiệu quả trong quản lý điều hành. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đại diện cho cử tri thể hiện ý kiến qua việc đánh giá công việc của các đồng chí trong thời gian vừa qua. Những gì đại biểu làm được thì nên ghi nhận, còn những thiếu sót khuyết điểm cũng có những góp ý để các đồng chí rút kinh nghiệm trong công việc của mình.Việc lấy phiếu tôi cho rằng có thể cân nhắc nhiều yếu tố hơn, bởi lấy phiếu phải có thông tin, quan trọng nhất là phải có những thông tin đầy đủ, những ý kiến phải đảm bảo khách quan quan, công tâm, đánh giá đúng được. Vì vậy có những việc do thông tin chưa đầy đủ, mà chúng ta lấy phiếu không tốt thì cũng không phát huy được hiệu quả.
Theo Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo