Tin tức - Sự kiện

An toàn vệ sinh lao động trong tiến trình hội nhập

(DNHN)- Ngày nay, toàn cầu hóa đang là một trong những xu thế phát triển tất yếu của quan hệ quốc tế hiện đại. Không nằm ngoài xu thế đó, ngày 7/11/2006 Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) và đang chủ động tham gia vào quá trình hội nhập, toàn cầu hóa. Trong đó, công tác quản lý sản xuất nói chung, quản lý an toàn - vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cũng đang thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

 Việc Việt Nam gia nhập WTO đã đặt ra những vấn đề mới cho công tác ATVSLĐ. Đây là tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu, chiếm gần 95% thương mại thế giới. Hoạt động của tổ chức này được điều tiết bởi 16 Hiệp định chính, trong đó liên quan nhiều đến lĩnh vực ATVSLĐ là Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT). Đối tượng của TBT là các qui định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, đánh giá sự phù hợp liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hoá.

 

Ngày 26/5/2005, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 114/2005/QĐTTg về việc tổ chức hoạt động của mạng lưới cơ quan thông báo và hỏi đáp, trong đó đầu mối Văn phòng TBT Việt Nam được đặt tại Bộ Khoa học – Công nghệ và các điểm hỏi đáp cấp Bộ và cấp tỉnh.

 

 

Đồng thời Chính phủ cũng đã có Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 26/5/2005 phê duyệt “Đề án triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại” để gấp rút chuẩn bị cho việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO, bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định TBT.

 

 

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang khẩn trương tiến hành các công việc như: rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về hàng hoá có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá đặc thù đáp ứng các yêu cầu, nguyên tắc thực thi Hiệp định TBT; chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cho điểm Thông báo và Hỏi đáp TBT; tuyên truyền nâng cao nhận thức trong hội nhập WTO.

 

 

Hội nhập quốc tế cũng đã tạo nhiều thuận lợi cho Việt Nam trong công tác ATVSLĐ, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội để tiếp cận và lựa chọn công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ sạch, đảm bảo không ô nhiễm môi trường, đảm bảo sự an toàn, sức khoẻ cho người lao động, qua đó điều kiện lao động cũng được cải thiện.

 

 

Sản xuất phát triển, số lượng doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh tăng nhanh, đến năm 2006 Việt Nam đã có khoảng 240.000 doanh nghiệp và 3 triệu hộ sản xuất - kinh doanh đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP và kim ngạch xuất khẩu, tạo ra hàng triệu việc làm giúp cho người lao động có thêm cơ hội lựa chọn việc làm và có điều kiện lao động tốt hơn. 

 

 

Bên cạnh đó, việc tham gia vào các tổ chức quốc tế và các mối quan hệ song phương khác có thể giúp Việt Nam học tập nhiều kinh nghiệm tốt trong quá trình quản lý, trong đó có kinh nghiệm quản lý ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động và nhận được nhiều hỗ trợ cho việc thực hiện công tác ATVSLĐ.

 

 

Thông qua ILO, các dự án đã và đang triển khai góp phần nâng cao năng lực về an toàn - vệ sinh lao động của Việt Nam. Quan trọng hơn thông qua các hoạt động này nhiều kinh nghiệm về quản lý ATVSLĐ, giám sát các nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cũng như các biện pháp cải thiện điều kiện lao động được phổ biến rộng rãi hơn và bước đầu đưa vào áp dụng ở một số ngành, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

 

 

Ngoài ra, Việt Nam cũng tranh thủ học hỏi được kinh nghiệm và nhận được sự trợ giúp trực tiếp từ nhiều đối tác khác trong công tác ATVSLĐ hoặc được lồng ghép trong các chương trình hợp tác (WHO, FES, KOSHA, JISHA, JICOSH, StBG/HVBG, các nước ASEAN...)

 

 

Trong điều kiện nền kinh tế hội nhập, các sản phẩm được tiêu chuẩn hoá không chỉ về chất lượng mà còn cả về khía cạnh xã hội, trong đó có vấn đề ATVSLĐ tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động.

 

 

Một số sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường quốc tế cần đảm bảo các tiêu chuẩn do phía đối tác yêu cầu như môi trường theo ISO 14000, SA 8000, OHSAS 18000 (OHSAS 18001, OHSAS 18002) và các qui định về ATVSLĐ khác. ATVSLĐ cũng là tiền đề khởi động cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức khi tìm hiểu để vào thị trường Việt Nam. Hội nhập cũng đồng nghĩa với việc tuân thủ luật pháp quốc tế.

 

 

Điều này đã tạo động lực cho sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng, triển khai các chương trình hoạt động về ATVSLĐ để đáp ứng các yêu cầu của hội nhập. Với sự hỗ trợ của ILO và sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành trong hội nhập, sau khi Bộ luật Lao động ra đời, đến nay, Việt Nam đã chính thức có Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010 với những đối sách tổng thể, toàn diện.

 

 

Năm 2005, Hồ sơ quốc gia về ATVSLĐ đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng, hệ thống lại những thành tựu đã làm được và cũng cho thấy những việc cần làm trong tương lai. Quỹ TNLĐ, BNN cũng đã được hình thành trong quỹ bảo hiểm xã hội theo luật Bảo hiểm xã hội và có hiệu lực từ năm 2007.

 

 

Bên cạnh những thuận lợi trên, công tác ATVSLĐ trong hội nhập cũng đứng trước những khó khăn và thách thức. Nguy cơ trở thành “bãi thải công nghệ” khi nhập khẩu phải công nghệ lạc hậu, máy, thiết bị đã hết khấu hao gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động là rất cao nếu không có những giải pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn nhập khẩu này.

 

 

- Điều kiện lao động xuất hiện nhiều yếu tố, nguy cơ mới về an toàn và  sức khoẻ do sử dụng các công nghệ mới. Ô nhiễm môi trường lao động đang ở mức báo động. Tỷ lệ các phân xưởng sản xuất bị ô nhiễm nhiệt chiếm 68%, ô nhiễm bụi gần 20% và ô nhiễm hơi khí độc hại 17%, trong đó rất nhiều phân xưởng bị ô nhiễm đồng thời từ 2 yếu tố trở lên.

 

 

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các bệnh có liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường chiếm tỷ lệ khá cao như: viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi chiếm 40, 26%; các bệnh đường tiêu hóa chiếm 14,35%, bệnh cơ xương khớp chiếm 12%...

 

 

Bệnh nghề nghiệp (BNN) có xu hướng gia tăng cả về số người mắc bệnh và loại bệnh. Đáng chú ý là chỉ có 10% số cơ sở sản xuất có nguy cơ gây BNN tổ chức khám BNN cho người lao động, cho nên trên thực tế số người mắc BNN cao gấp hàng chục lần số báo cáo.

 

 

Do lao động trong điều kiện chuyên môn hoá, tính đơn điệu lớn, tư thế lao động ít được thay đổi nên đã xuất hiện một số bệnh liên quan đến nghề nghiệp như giãn tĩnh mạch chân, thoái hoá cột sống, sưng viêm khớp... Tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) đang diễn biến phức tạp.

 

 

Không chỉ tăng về số vụ TNLĐ, mà số người chết vì TNLĐ cũng đang tăng khá nhanh... Trong đó, các doanh nghiệp khai thác than, xây dựng, điện là những lĩnh vực xảy ra TNLĐ nhiều nhất. Thống kê sơ bộ của Bộ LĐ-TB và XH cho thấy, TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất so với các lĩnh vực khác, chiếm 51,11% trên tổng số vụ TNLĐ chết người.

 

 

Đáng buồn hơn là TNLĐ xảy ra trong thực tế cao gấp hàng chục lần so với báo cáo….
Hàng rào phi thuế quan được dựng lên với danh nghĩa tiêu chuẩn lao động quốc tế, gắn các tiêu chuẩn về lao động, doanh nghiệp, quản lý sản xuất, chất lượng sản phẩm với công tác ATVSLĐ và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên nhận thức về ATVSLĐ trong doanh nghiệp vẫn chưa đầy đủ; tác phong công nghiệp, văn hoá an toàn lao động trong doanh nghiệp vẫn chưa được chú ý nhiều.

 

 

- Năng lực quản lý Nhà nước về ATVSLĐ chưa được phát triển toàn diện để đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Còn nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa kịp đổi mới phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định TBT khi chúng ta đã hội nhập WTO. Đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ còn nhiều hạn chế.

 

 

Công tác ATVSLĐ cần được xác định là một nhiệm vụ quan trọng và có tính lâu dài trên con đường hội nhập của nước ta. Để công tác ATVSLĐ có thể hội nhập tốt hơn, cần phải sớm thực hiện những vấn đề sau:

 

 

Xã hội hoá công tác huấn luyện ATVSLĐ, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ATVSLĐ cho mọi cấp, mọi ngành, người sử dụng lao động cũng như quần chúng nhân dân lao động. Từ đó NSDLD và NLĐ sẽ biết cách bảo vệ quyền lợi bản thân một cách thiết thực nhất.

 

 

Tổ chức huấn luyện, đào tạo đội ngũ giáo viên ATVSLĐ. Chú trọng các hoạt động phổ biến kiến thức ATVSLĐ cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, trong làng nghề, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phát triển hình thức giáo dục hành động có định hướng nhằm đảm bảo tính khoa học, đảm bảo ATVSLĐ. Xây dựng các trung tâm huấn luyện, đào tạo chính qui, chuyên nghiệp về ATVSLĐ nhằm phát huy hiệu quả của công tác huấn luyện.

 

 

Tiếp thu và ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước trong cả công tác quản lý nhà nước và thực tiễn sản xuất. Khuyến khích việc nghiên cứu và phổ biến các sáng kiến cải thiện điều kiện lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

 

 

 Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ cơ chế tổ chức quản lý ATVSLĐ trong các cụm công nghiệp vừa và nhỏ nhằm kiềm chế TNLĐ, BNN và định hướng an toàn tốt cho sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế này. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách vận hành Quỹ TNLĐ, BNN, chú trọng cải thiện điều kiện lao động của doang nghiệp.

 

 

Phát huy năng lực toàn diện của các doanh nghiệp trong việc tự cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo ATVSLĐ thông qua việc hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hệ thống quản lý ATVSLĐ (ILO-OSH 2001), cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (WISE), phổ biến các quy định của quốc tế, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong hội nhập quốc tế có liên quan đến ATVSLĐ... góp phần tạo ra những chuyển biến mới, thực sự ở cơ sở trong công tác ATVSLĐ. 

 

 

Tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ; rà soát hệ thống luật pháp về ATVSLĐ và các hoạt động có liên quan cho phù hợp với các qui định của quốc tế trong hội nhập; nghiên cứu khả thi việc phê chuẩn hoặc gia nhập các công ước quốc tế; kiện toàn bộ máy Thanh tra lao động, nghiêm minh hơn trong vấn đề xử phạt các doanh nghiệp, người lao động vi phạm các qui định về ATVSLĐ… Tổ chức thực hiện thành công Chương trình quốc gia về Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động.

 

 

Phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ATVSLĐ và đưa công tác này thành một trong những nội dung quan trọng của xúc tiến thương mại.


 

LS. Lê Văn 

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo