Thị trường

Ba Bộ cùng quản lý nợ công, hậu quả ai gánh?

(DNVN) - Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nếu không quy định trách nhiệm gánh hậu quả nợ công, thì cơ quan nào cũng muốn gánh trách nhiệm về mình.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 16/6, đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, vấn đề vẫn còn có những ý kiến khác nhau tiếp tục được thảo luận tại phiên làm việc, đó là đầu mối quản lý nợ công.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), việc giữ nguyên quy định về đầu mối quản lý như luật 2009 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) có ưu điểm căn bản là phát huy thế mạnh của mỗi cơ quan trong huy động các khoản vay, nhưng vì vậy mà nợ công tăng nhiều, cấp độ nợ công tăng nhanh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

"Việc quy định như vậy không gắn trách nhiệm đi vay, sử dụng vốn với trách nhiệm trả nợ, không chỉ nguy hại với khả năng trả nợ mà cả tiến độ, dẫn đến dồn trách nhiệm trả nợ nặng vào một thời điểm như giai đoạn hiện nay" ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, cách phân chia tách rời là không phù hợp. Quy định trách nhiệm trong luật hiện nay rất mập mờ: trách nhiệm trong thẩm định giám sát, báo cáo...  Đó không phải là trách nhiệm mà là nhiệm vụ các cơ quan phải thực hiện.

"Các cụ xưa đã nói đời có 4 cái dại, trong đó có dại là lãnh nợ. Nhưng luật không quy định lãnh nợ phải có trách nhiệm trả nợ, nên lãnh nợ không còn là dại như người xưa nói nữa”. Nếu không quy định trách nhiệm gánh hậu quả, thì cơ quan nào cũng muốn gánh trách nhiệm về mình", ông Cường dẫn chứng.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Quang Hà (Phú Thọ) cho rằng, một đầu mối sẽ tốt hơn 3 đầu mối. Điều này sẽ giúp giảm biên chế, tăng tính chuyên nghiệp cho cơ quan tổ chức, tăng niềm tin, giảm phiền hà cho người cho vay.

"Khi thống nhất một đầu mối quản lý nợ công thì bức tranh tổng thể về nợ trong nước, nợ nước ngoài sẽ hoàn chỉnh hơn, không phải ghép nhiều mảnh ghép như hiện nay. Điều này cũng phân tích nợ tốt hơn, giảm rủi ro về nợ, đồng thời đánh giá được tổng thể nhu cầu vay, giảm đầu mối trung gian, từ đó giảm chi phí vay", ông Hàm nêu quan điểm.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo