Bác sĩ kê thuốc viêm gan cho người bị bệnh não
Bệnh nhân rối loạn tuần hoàn não uống thuốc... viêm gan
Sáng 28/8, ông Nhụ đến khám bệnh theo thẻ BHYT tại Bệnh viện 71 Trung ương. Ông Nhụ có triệu chứng khó vận động tay trái nên ông đã đề nghị bệnh viện cho siêu âm khớp vai và khám chẩn đoán.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hiệu - Phó trưởng Khoa Khám bệnh, đã kết luận ông Nhụ bị rối loạn tuần hoàn não và viêm đa khớp. Theo đó, BS Hiệu đã kê đơn gồm các thuốc điều trị bệnh trên cho ông.
Tuy nhiên, thay vì viết vào bìa tiếp theo của cuốn sổ khám bệnh thì BS Hiệu đã “tiện tay” viết luôn vào một trang còn trống ở giữa cuốn sổ.
Đưa sang phòng kế toán để nhập vào máy và làm các thủ tục xuất thuốc BHYT thì các nhân viên Nguyễn Thị Mai, Lê Thị Tuyết và Đoàn Thị Quỳnh Loan lại không nhập đơn thuốc mà BS Hiệu vừa kê mà lại nhập đơn thuốc mà ông Nhụ đã đi khám từ 13/6 về bệnh viêm gan.
Cuối cùng, dược sĩ Lê Thị Hương cứ theo giấy của kế toán và cấp cả một túi thuốc chữa bệnh viêm gan cho ông Nhụ mặc dù ông đã khỏi viêm gan và đang điều trị rối loạn tuần hoàn não.
Chiều 29/8, BS chuyên khoa II Lê Xuân Hanh - Phó Giám đốc Bệnh viện 71 Trung ương (thị trấn Môi, huyện Quảng Xương), đã thừa nhận sai sót của bệnh viện này khi cấp thuốc viêm gan cho bệnh nhân bị rối loạn tuần hoàn não.
Đây không phải là trường hợp kê nhầm đơn thuốc duy nhất xảy ra trong ngành ý, trước đó đã xảy ra nhiều trường hợp tương tự khác.
Bé gái phù nề bao quy đầu... do tay đánh máy sai?
Chuẩn đoán kỳ lạ này là từ Phòng khám số 15, Bệnh viện Nhi T.Ư cho bé gái 7 tháng tuổi ở Từ Liêm, Hà Nội.
Theo thông tin từ gia đình, bé gái kể trên bị sốt virus và được đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư hôm 10/8. Tuy nhiên, kết luận của BS Đặng Tự dành cho bé gái này lại là “phù nề bao quy đầu”, kèm theo 5 loại thuốc.
Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết nhầm lẫn này là sự cố liên quan đến công tác hành chính. Trong đó một phần do lỗi khách quan vì hệ thống mạng tại bệnh viện quá tải, phần khác, bác sĩ đã không kiểm tra lại đơn thuốc sau khi in.
Theo bác sĩ Điển, thông thường sau khi khám và chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhi. Trong đơn này, tên, tuổi bệnh nhi và các loại thuốc sẽ được đánh máy, còn phần tên bệnh chẩn đoán là nhập mã bệnh. "Do có sự cố về mạng nội bộ, các chỉ số liên quan đến công nghệ thông tin tại bệnh viện bị nhảy nên mới xảy ra sai sót này", ông Điển nói.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong đơn thuốc gồm 5 loại này, có đến 3 loại thuốc bổ gồm Thymorosin, Kidafort và Calciumgeral, là quá nhiều đối với một em bé 7 tháng tuổi.
Cấp sai đơn thuốc do phần mềm máy tính của bệnh viện
Ngày 31/3, anh Phùng Văn Sỹ (23 tuổi, trú tại T5, xã KRông, huyện M’Đrắk, Đắc Lắc) tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, bác sĩ Võ Thị Quý chẩn đoán anh Sỹ bị viêm họng amygdal cấp. Theo đó, bác sĩ Hạnh kê đơn thuốc gồm 4 loại thuốc để anh Sỹ về điều trị tại nhà.
Theo phản ánh, trong số các loại thuốc mà bác sĩ Quý kê cho anh Sỹ có loại thuốc Levitra không liên quan gì tới việc điều trị viêm họng amygdal cấp. Qua tìm hiểu, được biết, Levitra là loại thuốc kê đơn - sản phẩm của hãng Bayer (Đức) mới được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để điều trị rối loạn cương dương.
Trả lời nguyên nhân dẫn tới sự sai sót này, lãnh đạo bệnh viện cho biết: Lẽ ra phải kê thuốc Levoquin để điều trị bệnh viêm amygdal cấp, nhưng do trên phần mềm máy tính của bệnh viện, các tên thuốc được đánh theo thứ tự chữ cái từ A – Z, bác sĩ trong quá trình kê đơn, do bệnh nhân đông nên đánh máy chữ LE và ra tên thuốc Levitra trước, bác sĩ không để ý và in ra đưa cho bệnh nhân nên mới dẫn tới sai sót này.
Bác sĩ Đặng Văn Hoàng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trưởng khoa Liên Chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết: sáng ngày 11/4, bệnh viện cũng đã phát hiện ra những sai sót của bác sĩ Quý khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã ghi nhận và đang trong quá trình điều tra xác minh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo