Bảo vệ thương hiệu: Doanh nghiệp độc hành
Vì sao tranh kính nhái công nghệ Vinh Coba lại rẻ hơn một nửa?
Chỉ sau khi nhận bằng độc quyền sáng chế công nghệ không lâu, hàng loạt các công ty khác làm nhái tranh kính Vinh Coba xuất hiện trên thị trường với mức giá rẻ hơn một nửa sản phẩm chính hãng.
Trong “Đơn kiến nghị về việc vi phạm bản quyền Công nghệ sản xuất tranh kính” ông Vinh Coba gửi đến Bộ Khoa học và Công nghệ có kể đến một số công ty ngang nhiên sử dụng công nghệ độc quyền của ông như: Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Gia Việt (Tranh kính Việt), xưởng sản xuất Tranh kính và Kính nội thất (Licoglass), công ty TNHH thương mại – sản xuất kính nghệ thuật (Artglass)…
Lý giải vì sao các công ty làm nhái tranh kính theo công nghệ của mình lại có giá rẻ hơn đến một nửa, ông Vinh cho rằng, các quy trình sản xuất tranh kính của họ đều giống của Vinh Coba nhưng lại bớt đi một vài công đoạn quan trọng trong quá trình sản xuất tranh kính. Các công ty khác làm nhái công nghệ này, họ bỏ qua công đoạn vẽ đồ họa vi tính, chế bản corel. Họ chỉ vẽ, trổ đề can rồi khắc và trổ trực trên kính, còn lại sao chép y nguyên công nghệ của ông Vinh.
Ông Vinh nói: “Do làm nhái, làm ẩu nên sản phẩm của các đơn vị trên không đảm bảo tính mĩ thuật. Nhiều khách hàng mua phải hàng nhái giá rẻ đã phàn nàn và tìm đến công ty tôi xin làm lại tranh kính đúng quy chuẩn”.
Ông Vinh ngậm ngùi cho biết thêm: hàng nhái ăn bớt công đoạn nên có giá thành rẻ hơn dù thiếu sự tinh tế và kém thẩm mĩ. Nhờ giá rẻ, năm 2012, công ty TNHH Thương mại và xây dựng Gia Việt đã thắng thầu công trình Thủy điện sông Đà, Rạp Kim Đồng… và hầu hết các công trình nghệ thuật lớn khác.
Phải mất bao nhiêu tỷ mới kiện được hết các đơn vị làm nhái?
Bảo vệ được thương hiệu của mình cũng như bảo vệ nền văn hóa cổ truyền của dân tộc là mong muốn lớn nhất của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh. Ông đã đi gõ cửa khá nhiều cơ quan chức năng để tìm hướng giải pháp cho hiện trạng đáng lên án này. Nhưng cho đến nay, ông vẫn chưa tìm được giải pháp nào để giải quyết triệt để.
Ông Vinh đã tìm đến sự tư vấn của một số luật sư. Câu trả lời ông nhận được chỉ dừng ở mức: sự việc của ông là một vấn đề rất phức tạp, sẽ phải có nhiều phát sinh khác và rất khó để có thể giải quyết triệt để.
Một luật sư còn cho hay: nếu muốn kiện được một đơn vị làm nhái sản phẩm tranh kính Vinh Coba thì chi phí tốn kém có thể lên đến 500 triệu. Bởi đây là một vụ kiện phức tạp. Để giải quyết được vấn đề của ông, cần phải có sự kết hợp tham gia của nhiều cơ quan đơn vị Nhà nước như: Ban Thanh tra Bộ Kế hoạch và Công nghệ, Sở Kế hoạch Công nghệ, Sở Công thương, Cảnh sát kinh tế…
Ông Vinh nhẩm tính: “Để kiện một đơn vị làm nhái công nghệ của mình đã lên đến 500 triệu, trong khi có hàng trăm đơn vị như vậy, thử hỏi mình phải bỏ ra chi phí đến bao nhiêu tỉ mới có thể kiện được hết?”
Đem vấn đề của mình đến thắc mắc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông chỉ nhận được một câu trả lời mơ hồ rằng: Khi ông Vinh được cấp bằng tức là ông đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận công nghệ, bằng sáng chế. Ông phải phải đi theo các bước làm thủ tục hành chính để giải quyết tình trạng của mình.
Gửi đơn kiến nghị lên Bộ Khoa học và Công nghệ - nơi đã cấp bằng sáng chế cho ông Vinh – thì ông cũng chỉ nhận được một câu trả lời lửng lơ: Bộ không có chức năng cưỡng chế, chỉ mang tính quản lý. Cuối cùng Bộ lại gợi ý ông Vinh trở về nhờ luật sư và kiện lên tòa án.
Là một doanh nghiệp làm nghề có quy mô kinh doanh nhỏ, việc duy trì sản xuất, kinh doanh đã phải mất rất nhiều thời gian, chi phí. Vậy câu hỏi đặt ra là: mất đến số tiền quá lớn mới kiện được một đơn vị làm hàng nhái của mình, trong khi trên thị trường nhan nhản những đơn vị như vậy, hỏi doanh nghiệp nhỏ của Vinh Coba sẽ cạnh tranh bằng cách nào?
Tranh kính nghệ thuật đã có mặt ở các nước châu Âu khá sớm. Còn ở Việt Nam, sản phẩm này được biết đến lần đầu tiên gắn liền với tên tuổi nghệ nhân Phạm Hồng Vinh. Ông bắt đầu mở xưởng sản xuất tranh kính từ năm 1990.
Sau gần 20 năm làm việc và nghiên cứu, ông đã cho ra đời công nghệ làm tranh kính nghệ thuật siêu bền mang tên Vinh Coba.
Quy trình này được hoàn thiện năm 2003 với 8 bước cơ bản: thiết kế mẫu (vẽ, tạo phối cảnh), thiết kế đồ họa, cắt vi tính, dán bịt vi tính (đề can), phun cát (khắc áp lực), mài (làm đẹp chi tiết điêu khắc), phun sơn và nung (hoặc hấp). Với các loại tranh kính phun sơn nội thất thì chỉ cần hấp ở nhiệt độ 120 độ C là thành sản phẩm. Còn tranh kính phun sơn ngoại thất thì phải được nung và tôi ở nhiệt độ 700 độ C và khi đó sẽ cho ra những sản phẩm tranh kính siêu bền, trường tồn cùng thời gian.
Năm 2012, ông Vinh đã nhận được bằng sáng chế độc quyền về quy trình sản xuất tranh nghệ thuật Coba.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa lên sàn UPCoM, Nguyên liệu Á Châu AIG muốn đổi ngành nghề kinh doanh
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Một doanh nghiệp 2 năm liền dẫn đầu nơi làm việc tốt nhất ngành bán lẻ
Xuất khẩu cá ngừ vượt mốc 90 triệu USD/tháng
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam