Bất động sản

Lợi thế du lịch sẽ giúp bất động sản miền Trung khởi sắc

DNVN - PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng miền Trung nên tiếp cận theo hướng phát triển du lịch đẳng cấp, thu hút khách du lịch ở đẳng cấp cao.

Xử phạt tập đoàn Tân Tạo vì xây dựng trái phép dự án E.City Tân Đức tại Long An / Ra mắt nền tảng tìm kiếm và giao dịch bất động sản “sạch”

Thị trường sẽ bùng nổ trong tương lai

Tại Diễn đàn “Bất động sản Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư” diễn ra mới đây, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết miền Trung vừa trải qua 2 năm khó khăn. Đặc biệt, miền Trung vốn có lợi thế du lịch và nhiều tỉnh thành phát triển mạnh du lịch nên đợt dịch vừa rồi khu vực này chịu ảnh hưởng nặng, hàng loạt dự án đứng im, không vận động.

Theo ông Thiên, để thành công, miền Trung nên có hướng đi khác với các tỉnh thành khác. Nếu như miền Bắc, miền Nam ưu tiên phát triển kinh tế công nghiệp, nông nghiệp thì miền Trung nên tận dụng vẻ đẹp của thiên nhiên, lấy du lịch thành hướng mũi nhọn phát triển.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch phát triển của khu vực này, ông Thiên cho rằng: “Chúng ta cần làm quy hoạch tổng thể để có sự phát triển nhất quán và theo tầm nhìn để có thể phát triển tối ưu. Tôi nói như thế để thấy hiện nay theo quy hoạch vùng, miền Trung phát triển còn chậm”.

“Miền Trung dọc đường biển, các cảng đẹp nhất đều ở miền Trung. Đây cũng là nơi tập trung mật độ sân bay cao nhất, các tài nguyên liên quan đến du lịch cũng nhiều… Với những đặc điểm như thế, tôi cho rằng để tạo nên thành công, miền Trung nên tiếp cận theo hướng phát triển du lịch đẳng cấp, thu hút khách du lịch ở đẳng cấp cao. Với cách tiếp cận như vậy, tôi tin rằng bất động sản miền Trung sẽ là thị trường bùng nổ trong tương lai”, ông Thiên nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thiên, ngoài vấn đề trên, việc kêu gọi các "đại bàng" đầu tư vào khu vực miền Trung cũng là một trong những cách phát triển khu vực này.

Trong những "đại bàng" đậu lại ở đây đã có những đại bàng thành danh. Và đây cũng là khu vực mà các đại bang có điều kiện phát triển tốt hơn bất cứ nơi nào. Từ quan sát, tôi cũng nhận thấy rằng dường như đang có cuộc đổ bộ của các nhà đầu tư vào khu vực này, điều này sẽ tạo ra làn sóng đầu tư lớn, ông Thiên chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, tại khu vực miền Trung, kinh tế biển, kinh tế du lịch sẽ trở thành hoạt động mũi nhọn, do vậy, các dự án bất động sản ở khu vực này phần lớn là phát triển về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Cùng với đó là những dự án đô thị để phục vụ cho kinh tế du lịch ở các địa phương.

Bất động sản miền Trung đang còn rất nhiều dư địa để bùng nổ trong tương lai.

Bất động sản miền Trung đang còn rất nhiều dư địa để bùng nổ trong tương lai.

Vẫn còn nhiều thách thức

Mặc dù được đặt rất nhiều kỳ vọng về phát triển, cùng với đó là các yếu tố thuận lợi tạo điều kiện để vươn lên trong thời gian tới nhưng muốn thị trường bất động sản miền Trung "bùng nổ" cũng đặt ra rất nhiều thách thức.

Theo đó, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, thị trường bất động sản nói chung và bất động sản miền Trung nói riêng hiện nay cũng không hẳn là "trải thảm" cho bất động sản tiến lên. Đi đôi với những triển vọng và ưu điểm của thị trường, thì vẫn tồn tại rất nhiều rủi ro và thách thức.

Cụ thể, ông Lực bày tỏ quan điểm e ngại về phương thức phòng chống dịch hiện nay tại Việt Nam vẫn còn thiếu nhất quán, Chính phủ và Bộ Y tế đôi khi vẫn phải "tuýt còi" một số địa phương. “Ngay trong chính bản thân lĩnh vực bất động sản cũng có phân khúc đi ngang, có phân khúc đi lên… Có thế thấy, bức tranh chung toàn ngành bất động sản hiện nay sức cầu còn yếu, dịch vụ phục hồi còn tương đối chậm, động lực tăng trưởng bị suy yếu...”, ông Lực nói.

 

Cũng theo ông Lực, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì chưa thể hoàn toàn phục hồi sau các đợt dịch liên tiếp ập đến, các doanh nghiệp nhà nước phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu. Và mặc dù chuyển đổi số tạo động lực cho nền kinh tế nhưng với một quốc gia chưa có nhiều quy định, chính sách rõ ràng và cụ thể để chuẩn bị cho chuyển đổi số như Việt Nam, đi đôi với nguồn nhân lực cũng như nguồn vốn đầu tư còn hạn chế đã tạo thách thức cho ngành.

Cùng với đó, ông cũng cho biết vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp dẫn dắt giá cả, thâu tóm các khu vực, cạnh tranh không lành mạnh, vẫn có tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" để thao túng thị giá,.. gây nhũng nhiễu, bất ổn tới thị trường bất động sản. Điều này đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước.

Cần khơi thông về mặt pháp lý

Để thị trường bất động sản miền Trung có thể được khơi thông và bật dậy mạnh mẽ thì việc đẩy nhanh tháo gỡ các nút thắt về chinh sách là vô cùng quan trọng. Bà Trịnh Thu Trang, Giám đốc Tổng Công ty Đất Xanh miền Trung cho rằng hiện nay vẫn còn tồn đọng nhiều vướng mắc trong quá trình kinh doanh bất động sản.

Lấy dẫn chứng từ một số dự án ở ven biển Đà Nẵng, bà Trịnh Thu Trang chia sẻ theo quy định ban đầu các dự án này sẽ có sổ lâu dài nhưng về sau lại bị chuyển thành sổ có thời hạn.

 

“Đây là vấn đề khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn, mang tâm lý e ngại và trăn trở khi đưa ra quyết định đầu tư vào dự án. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cơ chế cho người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải linh hoạt hơn”, bà Trang chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, Luật sư Đỗ Pháp cho biết, hiện nay, chúng ta vẫn chưa sửa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở. Điều này đang kìm chân sự trỗi dậy của mảng bất động sản tại cả nước nói chung và tại miền Trung nói riêng.

Theo ông, hành lang pháp lý về thị trường bất động sản đang bị rất nhiều luật chồng chéo bởi thị trường bất động sản không chỉ bị điều chỉnh bởi luật kinh doanh bất động sản mà lĩnh vực này phải chịu sự tác động điều tiết của 12 Luật khác nhau như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai, Luật Đầu tư…

Luật sư cho rằng chính những bất cập trong việc xây dựng và ban hành những luật lệ chồng chéo nói trên khiến cho thị trường bất động sản bị nhiễu loạn, giá bất động sản trên thị trường cũng vì thế mà tăng cao khó kiểm soát, môi trường cạnh tranh bất động sản trở nên thiếu tính lành mạnh.

Để tháo gỡ điểm nghẽn này, luật sư Đỗ Pháp cho rằng không chỉ đơn thuần là sự vào cuộc của các cấp, các ngành mà chính các nhà đầu tư, tham gia vào mua bán bất động sản đều phải nắm chắc các điều luật đã và đang áp dụng, từ đó đưa ra những kiến nghị tức thời, chính xác và mang tính thực tiễn cao.

 

Huyền Phạm
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm