Bị Thủ tướng phê bình, ngành thuế hứa “cách ly” nhũng nhiễu
Cải tổ thủ tục hành chính, có các biện pháp “cách ly” cán bộ thuế thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp đồng thời công khai danh sách 1,7 triệu hộ nộp thuế khoán… là những biện pháp sẽ được ngành thuế triển khai để “tự chấn chỉnh” trước những phê bình nghiêm khắc từ Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Tài chính về tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ thuế.
Sẽ tự cải tổ
Trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó ban cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế cho biết, thông tin mỗi năm doanh nghiệp phải mất tới 872 giờ để làm thủ tục thuế, cao gấp 5 lần so với các nước ASEAN như Báo cáo Môi trường kinh doanh Việt Nam 2014 (do World Bank công bố) cần được nhìn nhận đầy đủ hơn.
Theo báo cáo của WB, chỉ số “nộp thuế” là tất cả các khoản đóng góp bắt buộc theo quy định của pháp luật mà chủ doanh nghiệp phải nộp, bao gồm cả thuế và các khoản đóng góp bắt buộc như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, tổng số thời gian thực hiện của doanh nghiệp mới mất là 872 giờ. Còn theo tính toán của ngành thuế, riêng thời gian liên quan đến bảo hiểm xã hội chiếm tới 335 giờ. Thời gian làm thủ tục thuế đơn thuần là 537 giờ.
Theo bà Lan Anh, nếu xét trong cả một quá trình, thời gian nộp thuế của Việt Nam đã giảm từ 1.050 giờ xuống 941 giờ và nay là 872 giờ. Như đối với lĩnh vực thuế, trong năm 2013, nhiều chính sách thuế và quản lý thuế được sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực thi hành đã đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện đáng kể về thời gian nộp thuế và thuế suất.
Cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có mức doanh thu đến 20 tỷ đồng/năm chỉ còn phải nộp thuế 4 lần/năm thay vì 12 lần. Thời gian giải quyết thủ tục gia hạn hồ sơ kê khai thuế cũng giảm từ 5 ngày xuống còn 3 ngày. Thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế rút ngắn đối với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau được giảm từ 60 ngày xuống còn 40 ngày…
“Cách ly” nhũng nhiễu
Liên quan đến những ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phải tự cải tổ và chấn chỉnh cán bộ thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, thời gian tới, ngành thuế phải tăng tốc cải cách nhanh gấp 5 gấp 7 lần kết quả cải cách của giai đoạn 2011-2013.
Ông Nam cho biết, tới đây ngành thuế sẽ mở lại đợt sinh hoạt chính trị về tuyên ngôn ngành thuế. Cùng đó, ngành thuế sẽ tích cực thực hiện các biện pháp nhằm “hạn chế” cán bộ thuế tiếp xúc với doanh nghiệp, tránh những hành động nhũng nhiễu có thể xảy ra.
“Tổng cục đã chỉ đạo thực hiện rà soát các thủ tục không cần thiết, giúp người nộp thuế thuận tiện hơn. Dứt khoát trong năm nay ngành sẽ thực hiện giảm 200 giờ nộp thuế theo đúng yêu cầu của Thủ tướng. Chúng tôi đang cho cán bộ tính toán, rà soát lại các thủ tục cần giảm. Những gì liên quan đến sửa luật, sửa nghị định, thông tư, chúng tôi sẽ thống kê trình Thủ tướng xem xét. Dự kiến trong tuần tới sẽ hoàn thành việc này”, ông Nam cho biết.
Ông Nam cũng cho biết, đã có biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng cán bộ thuế bắt tay với doanh nghiệp để chia tiền thuế khoán theo công thức chia hai, chia ba (Chia ba là một phần tiền thuế nộp cho cán bộ thuế, một phần để doanh nghiệp và một phần nộp cho Nhà nước).
Ngành thuế đã trình Bộ Tài chính đề xuất công khai danh tính 1,7 triệu hộ kinh doanh nộp thuế khoán trên mạng thông tin của các cục thuế và có link về Tổng cục Thuế. Với việc công khai toàn quốc này, các hộ nộp thuế khoán sẽ được giám sát chặt chẽ hơn. Các cấp ủy chính quyền địa phương cũng có thể giám sát lẫn nhau, tránh trường hợp cùng kinh doanh ngành nghề, quy mô như nhau nhưng chỗ nộp ít, nộp nhiều.
“Tổng cục cũng có công bố số điện thoại đường dây nóng trên mạng để người dân giám sát và phản ánh trực tiếp về hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ thuế. Cùng với đường dây nóng, chúng tôi cũng đang nghiên cứu các hình thức giám sát mới giúp ngăn chặn sự nhũng nhiễu của cán bộ trong ngành”, lãnh đạo Tổng cục Thuế nói. Đại diện ngành thuế cũng cho biết, thời gian qua, ngành đã khá mạnh tay với xử lý tiêu cực trong ngành. Gần đây nhất là trường hợp chiếm dụng tiền thuế tới 4,5 tỷ đồng của một cán bộ thuộc chi cục thuế huyện Phục Hòa (Cao Bằng) và vụ nhận hối lộ của một cán bộ thuộc chi cục thuế quận 1 (TPHCM). Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống thuế đã phải xử lý kỷ luật hành chính 133 trường hợp vi phạm, trong đó có 6 trường hợp đã bị kết án tù và một trường hợp đang điều tra.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Cột tin quảng cáo