Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Thăng bị trách lúc nào cũng đòi tiền

Dân ta đã nghèo rồi nhưng lúc nào cũng đòi tiền, Bộ trưởng có biện pháp nào ít tiền mà vẫn hiệu quả không? , một đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Thăng trong phiên giải trình, chất vấn về tình hình vi phạm hành chính giao thông đường bộ sáng nay

Tăng mức phạt, tịch thu xe đua'

Sáng 24/4, phiên giải trình về tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ diễn ra dưới sự chủ trì của ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Báo cáo trước Ủy ban Pháp luật, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, trong năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012, cả nước xảy ra 8,3 triệu trường hợp vi phạm hành chính về giao thông đường bộ đã bị xử lý, thu nộp Kho bạc Nhà nước gần 2.400 tỷ đồng.

 

Trong đó, Hà Nội đã xử lý  hơn 965.000 trường hợp, TP HCM xử lý hơn 1,9 triệu trường hợp vi phạm và Đà Nẵng xử lý 102.000 trường hợp.

Bộ trưởng Thăng cũng thừa nhận, mặc dù tai nạn giao thông trên cả nước cũng như tại 3 thành phố lớn đã giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ tai nạn giao thông và thiệt hại vẫn ở mức cao. Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2011, tai nạn giao thông đường bộ chiếm 98,2% số vụ, 96% số người chết, 98,8% số người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm trên cả nước.

Nguyên nhân được nêu là do ý thức tự giác chấp hành luật của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao, phương tiện cơ giới đường bộ tăng nhanh (bình quân 15%/năm, vượt khả năng đáp ứng nhu cầu thiết kế kết cấu hạ tầng) và một số bất cập từ các văn bản quản lý trong lĩnh vực giao thông đường bộ…

Để xử lý nghiêm các vi phạm, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, ông Thăng cho rằng cần phải nâng trần mức phạt tối đa đồng thời cho phép thanh tra viên, công an được tăng thẩm quyền xử phạt, tránh đẩy việc xử phạt lên cấp cao.

"Cần nâng mức xử phạt của thanh tra viên và công an lên 2 triệu đồng; tịch thu và sung công với các hành vi nguy hiểm như đua xe trái phép mà không phân biệt chủ sở hữu. Nếu xe đua không bi tịch thu sẽ làm cho người vi phạm coi thường kỷ cương, tiếp tục đua xe", ông Thăng đề nghị.

Thanh tra giao thông lấn sân CSGT?

Sau phần giải trình của Bộ trưởng là phần chất vấn của các đại biểu. Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Phùng Văn Hiển gửi tới Bộ trưởng Thăng 4 câu hỏi. 

Mặc dù theo báo cáo của Bộ trưởng Thăng, số vụ tai nạn và số người chết, bị thương do tai nạn giao thông trong 3 năm qua đã giảm đáng kế nhưng ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách lại cho rằng con số hơn 11.000 người chết vẫn là con số rất lớn, có biểu hiện không thuyên giảm. Số vụ vi phạm giao thông không phát hiện được hoặc không bị xử lý khá lớn.

“Tôi từng nói đùa người tiền nhiệm của anh Thăng rằng: anh là đại tướng nướng quân lớn nhất, mỗi năm hơn 1 sư đoàn, làm bị thương, loại ra khỏi vòng chiến đấu khoảng 1 sư đoàn khác. Giờ tình trạng vẫn vậy. Vậy Bộ trưởng có thể lý giải về trách nhiệm quản lý của Bộ về việc này. Có gì Bộ làm chưa hết trách nhiệm để tình trạng diễn ra như hiện nay?”, ông Hiển đặt câu hỏi.

Phản ứng nhận định của ông Hiển, Bộ trưởng Thăng dẫn lại số liệu các vụ, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông trong quý I/2012 ở Hà Nội và TP HCM để chứng minh có sự thuyên giảm so với trước đây và khẳng định, đến cuối năm sẽ giảm được hơn 2.000 người chết.


“Đúng là số người chết, bị thương, dù đã giảm vẫn còn rất lớn, còn nghiêm trọng nhưng 2.000 người là con số rất lớn”, ông Thăng nói.


 Bộ trưởng Thăng cũng cho rằng, ông đã thực hiện hết trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực với hệ thống giải pháp đồng bộ, cả về lâu dài lẫn giải pháp cấp bách. 

Trong phần chất vấn của mình, ông Hiển cũng nêu ra một hiện tượng xuất hiện trong thời gian gần đây và nó cũng là nguyên nhân gây tai nạn giao thông. “Một bộ phận lực lượng thanh tra giao thông làm chưa đúng nhiệm vụ của mình, lấn sang cả việc của cảnh sát giao thông mà quên nhiệm vụ của mình? Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào?”.


Đồng tình với vấn đề đại biểu Hiển vừa nêu, Bộ trưởng Thăng thừa nhận có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông trong đó có cả nguyên nhân năng lực của người quản lý nhà nước, người thực thi công vụ… . Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng các đề án để phát triển trình độ chuyên môn, đạo đức cho đội ngũ thực thi công vụ.

 

Bà Nguyễn Thị khá, Ủy ban các vấn đề xã hội thì cho rằng, phần giải trình của Bộ trưởng còn có nhiều điểm chưa rõ ràng.

 

“Báo cáo còn mờ nhạt. Ví như vấn đề học giả bằng giả, học giả bằng thật bởi lẽ, vi phạm hành chính liên quan đến kiến thức tối thiểu của người điều khiển vi phạm giao thông. Vậy Bộ GTVT đã quản lý được chất lượng đào tạo, cấp bằng lái và có báo cáo hay chưa?”, một câu hỏi bà Khá nêu ra.

 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Thăng cho biết, Bộ đang xât dựng đề án nâng cao chất lượng, kiểm soát giấy phép lái xe. Tuy nhiên, Bộ cũng không chờ tới lúc hoàn thành đề án mới triển khai mà hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng cục đường bộ, từ tháng 4 bắt đầu in và cấp lại mẫu giấy phép lái xe để không làm được bằng giả.

"Bộ đang phối hợp với Bộ Công an thống nhất việc quản lý lái xe trong cả nước. Theo đó, hướng sắp tới là mỗi người một bằng lái, kiểm soát bằng máy móc hiện đại để tránh làm giả. "Hy vọng sắp tới chất lượng lái xe sẽ tốt hơn", ông Thăng thông tin.

Kiến nghị xử lý hình sự trường hợp vi phạm giao thông do uống rượu bia

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tham dự phiên giải trình sáng nay là xử lý các trường hợp vi phạm giao thông do uống rượu bia. Nhiều ý kiến cho rằng đây là nguyên nhân lớn gây ra tình trạng tai nạn giao thông nhưng Bộ giao thông vận tải lại làm ngơ.



Trả lời thay Bộ trưởng Thăng câu hỏi về xử lý trường hợp lái xe uống rượu bia gây tai nạn giao thông bà Khá đưa ra, ông Đỗ Đình Nghị, đại diện Bộ Công an, cho biết, thời gian qua, ngành công an đã quyết liệt xử lý vi phạm này. Hai tháng đầu năm 2012 xử lý ô tô là trên 28000 trường hợp lái xe ô tô  và trên 39.000 lái xe mô tô vi phạm.

 

“Sử dụng rượu bia ở nước ta hiện nay dường như là một tập tục. Chúng tôi có nhiều biện pháp nhưng cũng rất khó khăn, thậm chí khi chúng tôi bố trí anh em ở khu vực ở quán bia rượu nhưng cũng không xử lý được vì họ nhìn thấy là vứt luôn xe đó để đi bộ”, ông Nghị cho biết.

 

Cũng theo ông Nghị, khó khăn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm giao thông do sử dụng rượu bia một phần liên quan chế tài xử lý hiện nay. Như: máy đo nồng độ rượu hiện nay còn quá ít, việc để người vi phạm thở vào đó cũng rất khó khăn.

 

“Nhiều trường hợp vi phạm không chịu thở vào ống đo nồng độ rượu, vì thế có tình huống bi hài, chúng tôi phải căng dây xem người ta có đi thẳng không? Có người kiên quyết bảo không say nên không thổi, lại có người bảo là say quá không thổi được”, ông Nghị kể.

 

Từ đó, ông Nghị cũng đề xuất, luật pháp cần bổ sung thêm, đề nghị đã sử dụng rượu bia thì không được sử dụng phương tiện giao thông chứ không cần căn cứ vào định lượng, tỷ lệ cụ thể. Đồng thời, nâng mức chế tài xử phạt cao hơn nữa, nên tạm giữ hành chính những người có nồng độ bia nồng độ cao; quy định các cán bộ không được sử dụng rượu bia trong giờ làm việc , giữa trưa.

 

Đồng tình với đề xuất của đại diện Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Uỷ ban các vấn đề xã hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nên nói rõ quan điểm ủng hộ việc tạm giữ các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia như thế nào.

 

“Dân ta đã nghèo rồi nhưng lúc nào cũng đòi tiền, Bộ trưởng có biện pháp nào ít tiền mà vẫn hiệu quả không? Những ông lái xe uống rượu bia phải tạm giữ, thậm chí đưa vào xử lý hình sự. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thì chúng ta không làm cho triệt để.

 

Trong khi đó, chúng ta cứ nhu nhơ, lúc nào cũng đòi nhà nước chi tiền để giảm thiểu tai nạn giao thông. Khi bàn về vấn đề sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, sao Bộ giao thông cứ im phăng phắc? Bộ trưởng có biết không hay vì cái gì đó mà im lặng như vậy? Đề nghị Bộ trưởng nói rõ, nói mạnh vấn đề này”, ông Tiên gay gắt.

 

Giải đáp bức xúc của các đại biểu, Bộ trưởng Thăng cho biết, trong luật đường bộ đã nghiêm cấm các trường hợp sử dụng rượu bia tuyệt đối không điều khiển ô tô.

 

Bộ trưởng cũng đã có tham khảo việc xử lý các trường hợp vi phạm này ở các nước bạn và cũng đã có đề xuất đề nghị tạm giữ trường hợp uống rượu, bia. Tuy nhiên chỉ nên làm ở những đối tượng có hành vi cực kỳ nguy hiểm.  



"Mọi đề xuất của chúng tôi đều dựa trên các nguyên tắc và xuất phát từ lợi ích của người dân chứ không phải thích đề xuất thì đề xuất. Hiện chúng tôi đã có những đề xuất, giải pháp đồng bộ để giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông chứ không phải chỉ là xử lý vi phạm hành chính", Bộ trưởng Thăng giải thích thêm.

 

 
Theo Đât Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo