Bóc trần thủ đoạn chăn dắt người già bán vé số
Hành xác tuổi già
Khoảng 9h ngày 18.8, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa giao Lê Lợi (quận 1), một người đàn ông dáng nhỏ thó, thoăn thoắt đẩy xe lăn chở một bà lão ngoài 80 tuổi. Người đàn ông đẩy xe tới chợ Tôn Thất Đạm rồi thả bà cụ xuống và phát cho cụ một xấp vé số rồi xua vào trong chợ bán. Giao việc xong, người đàn ông ở vỉa hè đầu đường Tôn Thất Đạm ngồi đọc báo chờ thu tiền.
Đến 11h, bà cụ lọ mọ từ trong chợ đi ra trên tay cầm một hộp cơm tiến lại chỗ người đàn ông lúc này vẫn đang ngồi vắt chân đọc báo. Cụ đưa hộp cơm cho ông người đàn treo lên xe, tiếp đến đưa tiền và vé số cho ông ta. Người đàn ông đếm đi đếm lại xấp vé số, rồi sau đó ông ta đẩy cụ tới các quán ăn trước nhà hát Bông Sen trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) tiếp tục bán vé số.
Lúc này là giờ ăn trưa nên lượng người đổ về các quán ăn này khá đông. Bà cụ len lỏi giữa quán ăn, đi hết bàn này tới bàn nọ mời mọi người mua vé số, còn người này đứng ở bên đường theo dõi. Rất nhiều người đang ăn cơm nhưng thấy hình ảnh một bà cụ lưng còng, bước đi chậm chạm đã mua vé số ủng hộ cụ. Đặc biệt, cứ mỗi lần cụ từ trong quán bước ra là phải đưa xấp vé số cho người đàn ông đếm lại rồi sau đó ông ta mới đẩy cụ sang quán bên cạnh để tiếp tục bán vé số.
Cơn mưa rào bất chợt khiến cho không khí tại các quán ăn trở nên nhốn nháo, nhưng bà cụ vẫn cứ tiếp tục công việc của mình - chăm chỉ như một “chú ong thợ”, còn ông ta tấp vào trong quán ăn chú mưa đứng quan sát cụ.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều lần bà cụ bước từ trong quán ra thì bị người đàn ông xua trở vào để bán tiếp. Mỗi lần như vậy bà cụ chỉ còn biết cặm cụi, lủi thủi vào trong mời mọi người mua vé số.
Hơn một giờ sau, thấy cụ đã lượn nhiều vòng quanh mấy quán ăn, người đàn ông gọi cụ lại để chuyển “địa bàn”. Bà cụ rón rén đưa cho ông ta những tờ tiền vừa có được qua việc bán vé số. Lúc này gã gặp một “đồng nghiệp” - người đàn ông ngoài 30 tuổi đẩy một cụ bà ngoài 80 tuổi tới bán vé số. Hai người đứng nói chuyện vài câu rồi mỗi người một hướng tiếp tục đẩy các cụ đi bán vé số.
Sau đó gã đẩy cụ hướng ra chợ Bến Thành rồi đẩy cụ đi khắp các đường: Lý Tự Trọng, Nguyễn Du, Trương Định, Lê Thánh Tôn, Lê Anh Xuân, Cách Mạng Tháng Tám, Sương Ánh Nguyệt (quận 1) sang tới chợ Vườn Chuối (phường 4, quận 3).
Dọc đường đi, cứ gặp quán nhậu, quán cà phê là người đàn ông này lại thả bà cụ xuống đi bộ vào trong bán vé số. Bên trong quán bà cụ di chuyển đến đâu thì bên ngoài quán ông ta cũng di chuyển theo. Cũng giống như những lần trước đó, bước ra khỏi quán là cụ phải đưa xấp vé số cho người đàn ông đếm lại.
Suốt trưa 18.8 bà cụ liên tục được đẩy đến các tuyến đường mà không có được chút đồ ăn nào. Tới 15h, bán hết vé số, người đàn đẩy cụ vào đầu hẻm 408, Nguyễn Thị Minh Khai (phường 5, quận 3) để đếm tiền sau một buổi lao động cận lực của bà cụ. Lúc này gã mới đưa chai nước cho bà cụ uống. Tiếp đến người đàn ông đẩy cụ vào một con hẻm sâu hút, quanh co tới ngôi nhà số 46/10 Vườn Chuối (Phường 4, Q.3) rồi cả hai đi vào bên trong.
Đằng sau là các “ông chủ”
Bà cụ cho biết mình đã 89 tuổi, quê Phú Yên. Người đàn ông đẩy cụ là người của một đại lý vé số. “Mỗi ngày tui đi bán từ 6h sáng đến 15h chiều thì về. Ở Phú Yên, tui cũng có con cháu nhưng thấy tụi nó nghèo khó quá tui ngồi không đành. Rồi một người ở huyện Tuy Hòa đến rủ tôi vào TPHCM bán vé số. Tui nghĩ chắc kiếm được đồng một đồng hai sống qua ngày, nên tui đi theo” - cụ tâm sự.
Vào TPHCM, cụ được một chủ đại lý vé số cho ứng vốn đi bán vé số, tiền lãi sẽ nộp lại cho “ông chủ”, tỉ lệ ăn chia tùy theo “chủ” quyết định. Hỏi cụ về thể tỷ lệ ăn chia thì cụ cho biết một ngày nếu bán được 150 vé số loại 10.000 đồng/vé, tiền lời khoảng 150.000 đồng. Sau khi chia cho chủ và người đẩy xe, cụ còn được khoảng 30.000 - 40.000 đồng/ ngày.
Cụ cho biết dạo gần đây thường hay bị những tên lưu manh giật vé số. Mặc dù có người đẩy xe nhưng khi mất vé số thì chỉ có mình cụ phải chịu bồi thường. “Tui biết mình bị ăn chặn đầu này đầu kia nhưng cũng đành vì ít ra mình cũng còn lại chút đỉnh đủ để nuôi thân” - cụ nghẹn ngào.
Hiện nay, có một số đối tượng thường lợi dụng những người già neo đơn, cuộc sống khó khăn là dân đồng hương của họ ở các vùng Phú Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa... cả tin vào người cùng quê để chiêu dụ vào Sài Gòn bán vé số sẽ được bao ăn ở và cho một số tiền phòng thân, gửi về cho con cháu ở nhà.
Khắc nghiệt hơn, có những cụ già trong các đường dây ăn xin thường được “tuyển” từ người già cô độc, có hoàn cảnh khó khăn nhất mà nếu không phục vụ cho “ông chủ” thì sẽ không có khoản thu nhập nào để sinh sống.
Những đường dây chăn dắt như thế này đã xuất hiện từ nhiều năm. Báo chí cũng đã đề cập đến tình trạng này từ lâu nhưng số vụ được phát hiện có lẽ vẫn còn quá ít. Chính quyền và một số người cũng chỉ đứng nhìn mà chưa có một hành động can thiệp hay bảo vệ nào, để mặc cho những người già bị lạm dụng, khai thác tư cách và công sức của con người.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam