Cách chùa Hương... 20km, "cò đò" đã đón đầu
Từ thông tin "ấm trà giá... 320.000 đồng" do chị Hạnh cung cấp qua đường dây nóng, PV Dân Việt đã vào cuộc điều tra, đi tìm sự thật về tình trạng "chặt chém" vốn năm nào cũng gây nhiều đồn thổi ở Chùa Hương.
Cách chùa Hương hơn 20km, “cò đò” đã đòi ngã giá
Đi theo Quốc lộ 21B, chúng tôi về chùa Hương dự hội và chỉ vừa tới khu vực thị trấn Vân Đình đã thấy xuất hiện một nam thanh niên bám theo từ phía sau và sau đó nhanh chóng vượt lên, với hỏi: “Các anh về chùa Hương?”.
Khi đã biết chắc chúng tôi về chùa Hương, nam thanh niên này nhanh nhảu giới thiệu là người ở khu vực chùa Hương và đề nghị được làm người dẫn đường đến chùa kiêm sắp xếp chỗ để xe, để đồ, dẫn đường lên các điểm của khu di tích.
Biết đây là một tay “cò đò” nên chúng tôi đã từ chối với lý do đã có kế hoạch trước.
Thế nhưng vừa đến bãi đỗ xe cạnh bến Yến (bến thuyền của khu di tích chùa Hương), chưa kịp gửi xe xong thì chúng tôi lại tiếp tục bị 3 người phụ nữ vây quanh. Họ liên tục chào mời xuống thuyền dù chúng tôi nói đã mua vé đi thuyền của Ban tổ chức lễ hội chùa Hương.
“Vé các em mua của nhà nước là 35 nghìn đồng (2 lượt đi về, mỗi vé 17.500 đồng) nhưng trừ các chi phí bọn chị chỉ được khoảng 20 nghìn thôi. Đường đi lên động thì dài nên các em cho thêm các chị ít tiền bồi dưỡng”, một phụ nữ phân bua.
Có vé đi đò, vẫn phải trả thêm tiền
Khi được hỏi, nếu tính cả vé đưa cho người lái đò thì chúng tôi phải trả thêm bao nhiêu mới có thể lên thuyền? Một phụ nữ ngay lập tức ra giá 100 nghìn đồng.
“Giá 100 nghìn đồng thì bọn chị sẽ gọi người chở đi ngay. Nếu bọn em không trả tiền thì không ai chở các em đi đâu”, người phụ nữ nói rõ ràng với chúng tôi.
Tại bến đò suối Yến, vẫn có thể bắt gặp một số lái đò sẵn sàng chở du khách mà không cần qua "môi giới" của "cò đò". Họ chỉ cần tiền vé và việc có cho thêm tiền hay không phụ thuộc vào khách đi thuyền.
Tuy nhiên: “nhà em có thuyền nhưng đôi khi vẫn phải nhờ “cò” mới có thêm khách. Tiền đi đò là do “cò” thỏa thuận với du khách, chúng em chỉ nhận khách và lấy vé của Ban tổ chức lễ hội hoặc số tiền bằng với tiền vé từ “cò”. Người ta thỏa thuận với khách được giá cao thì có thể cho em thêm tiền.
Còn nếu em tự đón được khách thì chỉ lấy vé của khách rồi cầm vé đó về trạm soát vé của ban tổ chức lễ hội lấy xác nhận. Đến khi hết hội, chỉ cần mang bảng kê ra ban tổ chức lễ hội lấy tiền thanh toán. Mỗi cặp vé đi và về bọn em được khoảng 20 nghìn đồng, còn khách cho thêm được đồng nào thì em nhận chứ em cũng không ép ai bao giờ”, một lái đò trên suối Yên tâm sự.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý khu di tích và thắng cảnh chùa Hương, Phó ban chỉ đạo Lễ Hội chùa Hương 2014, lý giải: Ban tổ chức lễ hội chùa Hương chỉ bán vé đi đò và tổ chức soát vé trên đường ra vào, còn việc bắt đò nào là do du khách tự chủ động.
Thông thường những du khách về chùa Hương theo đoàn đông sẽ không phải trả thêm tiền, thậm chí du khách còn được nhà đò tặng quà. Tuy nhiên, trong trường hợp du khách chỉ khoảng 2 người thì phải chờ đi ghép hoặc thỏa thuận trả thêm tiền cho nhà đò. Việc du khách trả thêm tiền như là hình thức để bù tải cho nhà đò.
Dân Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cột tin quảng cáo