Cần thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Con số thống kê nghe đã lạc quan hơn, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và các gói hỗ trợ.
Hỗ trợ doanh nghiệp cần tạo sức bật
Điểm nhấn mạnh mẽ nhất trong đợt hỗ trợ doanh nghiệp năm nay của Chính phủ tập trung vào 2 gói hỗ trợ lãi suất và miễn, giãn, giảm thuế. Đánh giá về gói hỗ trợ thuế, ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, giải pháp này nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn tạm thời về nguồn vốn đầu tư, tăng tốc độ chu chuyển vốn khi mà lãi suất vẫn còn cao, và doanh nghiêp chưa tiếp cận được.
Đơn cử, với một doanh nghiêp lãi 6 tỉ đồng, lẽ ra phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 25%, tương đương 1,5 tỉ đồng, thì theo chính sách này sẽ tiết kiệm được 450 triệu đồng tiền thuế để làm vốn kinh doanh. Thế nhưng, theo tiến sỹ Trần Du Lịch - Ủy viên uỷ ban kinh tế quốc hội Quốc hội, việc giảm, giãn thuế chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng chưa đủ tạo ra sức bật cho doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mới nhắm đến các nguyên nhân trực tiếp. Về cơ bản là “ngược lại” đối với các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế nên quy mô và cường độ hạn chế, không thể kích cầu như trước năm 2011.
Do đó, các giải pháp hỗ trợ với doanh nghiệp rất ít hiệu lực trong giải quyết khó khăn của doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu thực hiện “quá liều” và “lệch hướng” thì có thể gây ra lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô. Trong khi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chưa cho kết quả thì giá xăng dầu, điện lại tăng liên tục, phí dịch vụ y tế tăng, làm cho doanh nghiệp yếu thêm.
Dù công bố các con số lạc quan như sau khi triển khai gói hỗ trợ thuế, đã có 6.100 đơn vị quay trở lại sản xuất, doanh thu tháng sau tăng 3-4% so với tháng trước. Nhưng Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng thừa nhận, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn đang hết sức khó khăn và cần có thêm những giải pháp để hỗ trợ. Đó là lý do Bộ Tài chính đã kiến nghị giãn tiếp thuế giá trị gia tăng thêm 3 tháng cho doanh nghiệp đến tháng 4.2013, với số tiền tương ứng 3.745 tỉ đồng.
Vốn vẫn tắc
Ở gói hỗ trợ lãi suất, ngân hàng nhà nước yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay các khoản nợ cũ về dưới 15% sau ngày 15.7 và mở rộng hỗ trợ lãi suất thấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ. Ngay sau đó, nhiều ngân hàng tung ra các gói tín dụng giá rẻ nhưng thực tế, tín dụng vẫn tắc.
Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích, tín dụng sau 9 tháng mới chỉ tăng 2,35% so với tháng 12.2011 chứng tỏ nguồn vốn ngân hàng chưa đến được với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy các doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Nghịch lý là số hàng tồn kho cao, doanh nghiệp không có đầu ra thì rất khó vay vốn hoạt động tiếp.
Nhiều người cho rằng chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng cao, Chính phủ cần phải có những biện pháp thắt chặt lại để chống lạm phát. Tuy nhiên, đó chỉ là tăng bất thường, thời vụ của một số nhóm hàng. Vì vậy, từ nay đến cuối năm vẫn phải giải ngân nguồn vốn ngân sách, trái phiếu theo mục tiêu (hơn 21.000 tỉ đồng/tháng). Các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng đảm bảo mục tiêu dư nợ năm nay tăng 8-10% để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Quan trọng là tín dụng phải đi vào sản xuất, kinh doanh còn nếu chảy vào kênh đầu tư tài chính sẽ rất nguy hiểm.
2 gói hỗ trợ, gói thì chưa đủ nhiệt, gói thì khó tiếp cận, đó là lý do doanh nghiệp vẫn chìm trong khó khăn.
Theo Thanh Niên Online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Đẩy mạnh dịch vụ logistics hàng không để phát triển du lịch Việt Nam
2 ngày tung một sản phẩm mới, Vinamilk tiên phong đưa chuẩn thế giới về Việt Nam
Nhìn lại kinh tế Thủ đô - Bài 1: Cán đích hơn mong đợi
Ngành nông nghiệp cần tăng tốc