CEO nữ 3.0: "Chịu thương chịu khó" cả ở công ty lẫn ở nhà
Ở công ty, trên thương trường, các chị là những doanh nhân bản lĩnh, sắc sảo với "tinh thần thép" và sức chiến đấu bền bỉ. Nhưng khi ở trong gia đình, các chị vẫn không quên thiên chức của mình, là những người vợ, người mẹ hết lòng yêu thương, luôn nỗ lực thu vén để chăm lo cho tổ ấm.
Bà Ngô Thị Báu - Giám đốc công ty TNHH SX-TM Nguyên Tâm (thương hiệu thời trang FOCI) chia sẻ: "Đây là câu hỏi nữ doanh nhân chúng tôi thường xuyên được nhận, nhưng tôi nghĩ các nam doanh nhân cũng phải đối diện với những khó khăn tương tự mà ít ai hỏi các anh ấy. Việc gia đình không chỉ là việc nội trợ và không phải của riêng phụ nữ. Cả hai vợ chồng cần thỏa thuận những nguyên tắc chung để giải quyết các công việc gia đình một cách hợp lý. Tuy điều hành cùng lúc nhiều công ty khác nhau nhưng hàng ngày tôi vẫn dành thời gian nấu hai bữa cơm trưa và tối cho chồng con. Tôi không coi việc nhà là nghĩa vụ mà là một cách để tận hưởng cuộc sống và thể hiện tình cảm với gia đình. Bên cạnh đó, việc xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả cho doanh nghiệp sẽ tiết kiệm cho doanh nhân rất nhiều thời gian làm việc để dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình".
“Hoàn thành vai trò của người vợ là ưu tiên hàng đầu của tôi”, doanh nhân Nguyễn Thị Thiên Hương – Chủ tịch hội đồng thành viên - Giám đốc Công ty TNHH TM & DV K&H khẳng định. Lập gia đình với một doanh nhân gốc Á nên cả hai vợ chồng bà đều coi trọng những giá trị truyền thống của gia đình châu Á, quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục con cái. Thấu hiểu vai trò và công việc của nhau, có sự phân công rõ ràng là bí quyết để gia đình bà cân bằng cuộc sống.
Doanh nhân Mai Thu Huyền – Giám đốc Tincom Media tâm sự: “Trước giờ chúng ta quan tâm đến vấn đề quản trị doanh nghiệp mà chưa chú ý đến việc áp dụng các phương pháp quản trị vào gia đình. Trong năm đầu đảm nhận vị trí giám đốc tại FPT Media, tôi bị cuốn vào công việc và hầu như không còn thời gian dành cho gia đình. Đến khi tôi nhận ra mình đã xa con quá lâu, mẹ con không còn quấn quýt gần gũi như trước nên tôi quyết tâm phải thu xếp công việc. Quan trọng nhất là bản thân mình phải có ý thức về gia đình. Trước đây tôi cũng chưa hiểu được hết những khó khăn mà chồng tôi - cũng là một doanh nhân phải đối mặt nên hay than phiền anh ấy không dành nhiều thời gian cho gia đình, nhưng vị trí mới khiến tôi cảm thông với anh ấy nhiều hơn”.
Bà Nhan Húc Quân – Tổng giám đốc Công ty Bao bì giấy nhôm New Toyo cho rằng, để cân bằng công việc và cuộc sống, doanh nhân cần sắp xếp thứ tự ưu tiên những việc cần làm cũng như các mối quan hệ, dành thời gian để giáo dục, chuyện trò với con cái. Bên cạnh đó, cần xây dựng văn hóa gia đình đồng nhất với văn hóa công ty.
Thẳng thắn và hài hước, bà Phan Thị Tuyết Mai – Giám đốc Công ty Thủy sản Tài Nguyên bày tỏ quan điểm: "Dù thế nào đi nữa, chúng ta đều sinh ra là một phụ nữ, lại còn là phụ nữ Á Đông, nên thôi thì mỗi người đành chịu khó một chút để giữ ấm nếp nhà".
Trước những thách thức mới về kinh tế vĩ mô lẫn vi mô, định nghĩa “Nữ doanh nhân 3.0” được đưa ra thảo luận sôi nổi với nhiều câu chuyện xúc động. Các diễn giả tham dự cũng chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm xương máu trong quá trình kinh doanh và những bài học kinh doanh, bài học làm người quý giá mà mỗi người đã rút ra từ những thành bại trên thương trường. Qua đó có thể thấy, là một phụ nữ và là người điều hành doanh nghiệp, các nữ doanh nhân đã nỗ lực không chỉ 100% mà là 200% để đạt đến những vị trí nhất định trong xã hội cũng như chu toàn những trách nhiệm của mình.
Tự nhận mình chưa có nhiều kinh nghiệm như các đàn chị, doanh nhân Mai Thu Huyền thừa nhận: “CEO 3.0 là mục tiêu để tôi nỗ lực hoàn thiện mình và hướng đến trong tương lai. Trước đây có lúc tôi quá cầu toàn và ôm đồm khiến không thể cân bằng công việc và cuộc sống riêng”.
Bà Nguyễn Thu Anh - CEO Công ty Never Alone – người có biệt danh “connecting lady” khẳng định, chính ý thức làm nên tầm vóc. Theo bà Anh, doanh nhân Việt nhìn chung còn tự ti, chưa kết nối chặt chẽ và đoàn kết với nhau, và đây là một hạn chế rất lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau 22 năm lăn lộn trên thương trường và được đánh giá là doanh nhân tiêu biểu của thế hệ CEO 3.0, doanh nhân Tuyết Mai cũng nhắn nhủ, để kinh doanh thành công, nữ doanh nhân hiện đại cần rèn luyện ngoại ngữ, thường xuyên nâng cao kiến thức, rèn luyện tính tự tin, độc lập.
“Trong tình hình kinh tế khó khăn, tôi đã thấy một thực tế là rất nhiều công ty còn có thể trụ vững được là nhờ có công sức không ít của các nữ doanh nhân hiện đang nắm vai trò chủ chốt trong doanh nghiệp đó. Đây là lúc mà đức tính chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam được phát huy” – bà Ngô Thị Báu khẳng định.
Theo định nghĩa của ông Trần Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Vĩnh Tường tại “Vietnam CEO Forum 2012” thì ở Việt Nam, sau khi đất nước giải phóng, thế hệ CEO đầu tiên (được gọi là thế hệ CEO 1.0) chủ yếu là giám đốc các doanh nghiệp nhà nước, nắm hầu hết các cơ sở vật chất kỹ thuật và vận hành, sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu nhất, thực hiện sứ mệnh đảm bảo cung – cầu nền kinh tế, giúp nhà nước thực hiện việc bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội. Thế hệ CEO 2.0 có thể tạm chia thành 3 nhóm lớn: nhóm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trưởng thành từ thế hệ CEO 1.0; nhóm lãnh đạo doanh nghiệp dân doanh, và nhóm lãnh đạo doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Điểm nổi bật của thế hệ CEO 2.0 chính là sự chăm chỉ và khả năng vận dụng sáng tạo những phương thức quản trị học hỏi được qua quá trình mở cửa của nền kinh tế vào thực tế hoạt động doanh nghiệp. Sự tôn vinh và trân trọng của xã hội dành cho doanh nhân nói chung phần nhiều được tạo lập từ quá trình phấn đấu của thế hệ CEO 2.0 này. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo