Chính sách

Doanh nghiệp không thể mãi tư duy "đầu tư là phải đi vay ngân hàng"

DNVN - Để tận dụng lợi thế cho tăng trưởng kinh tế từ nay tới cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần giải được mối quan hệ giữa lạm phát, tỷ giá và lãi suất, bảo đảm ổn định vĩ mô; đồng thời tiếp tục hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, doanh nghiệp phải có tư duy đổi mới.

Động lực phát triển kinh tế 2023: Yếu tố quan trọng vẫn là giải quyết “nút thắt” thể chế / Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, một trong những lợi thế tốt để phát triển kinh tế năm 2023 là vẫn kiên trì đẩy mạnh đầu tư công. Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022.

Cùng với đó là sự ổn định chính trị, Việt Nam đang trở thành đối tác chiến lược của tất cả các cực tăng trưởng trên thế giới; Trung Quốc mở cửa và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có cơ hội sớm trở thành kênh dẫn vốn đúng nghĩa cho nền kinh tế khi xử lý hiệu quả những bất cập năm 2022.

Việt Nam đang trở thành đối tác chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên ông Kiên cũng cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp "kêu" giá nguyên vật liệu tăng quá cao, khiến doanh nghiệp làm không có lãi, thậm chí lỗ nên không muốn làm. Điều này cho thấy, "chiếc áo" quản trị doanh nghiệp Việt hiện nay đã không còn phù hợp với quy mô của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không thể mãi tư duy theo cách "đầu tư là phải đi vay ngân hàng", cần có tư duy đổi mới, các doanh nghiệp liên kết lại với nhau để có đủ vốn tự có tương đương 60-70% tổng mức đầu tư rồi mới đi đấu thầu. Như vậy mới thắng được.

Tiềm năng đầu tư công năm 2023 là rất lớn. Nếu các doanh nghiệp biết quản trị theo hướng hiện đại, hợp vốn, hợp tác cùng có lợi thì làm thì kiểu gì cũng thắng. Vốn đầu tư công không thiếu, vấn đề của doanh nghiệp là phải nghĩ ra cách để sử dụng được số tiền ấy.

Ông Kiên nhấn mạnh về cơ bản Chính phủ đã chuẩn bị sẵn các nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thị trường. Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực cần sự chủ động, nỗ lực của doanh nghiệp.

Cần lấy lại niềm tin trên thị trường trái phiếu, đồng thời, doanh nghiệp sẽ buộc phải tìm ra cách để thanh toán số trái phiếu đến hạn trong năm 2022-2023. Nếu doanh nghiệp không chịu được trách nhiệm với số trái phiếu đã phát hành thì buộc phải phá sản.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia thì cho rằng, giải bài toán vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2023 thực tế không quá khó, chỉ cần sự phối hợp đồng bộ của chính sách tiền tệ và tài khoá là có thể vừa giảm lãi suất mà vẫn kiểm soát được lạm phát.

Tăng trưởng kinh tế đã giảm dần từ quý IV/2022 và sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023 khi cung tiền tệ năm 2022 quá thấp. Theo lý thuyết, cung tiền quá thấp thường khiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm và lạm phát giảm. Nhưng thực tế, lạm phát của Việt Nam năm 2023 sẽ không được kiềm giữ bởi cung tiền vì lạm phát chủ yếu do giá nhập khẩu hàng hoá tăng, lạm phát thế giới vẫn cao.

Vì vậy, cung tiền giảm ở nước ta chủ yếu sẽ làm lãi suất tăng cao, đánh thẳng vào hoạt động của doanh nghiệp, kéo theo đó là tình trạng nợ đọng, chiếm dụng vốn giữa các doanh nghiệp, làm giảm tăng trưởng GDP mà không có tác động tới lạm phát.

Cần cách tiếp cận mở hơn về chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Nghĩa nhận định việc thắt chặt cung tiền giống như chúng ta tự "lấy đá ghè chân mình". Muốn giải được bài toán lãi suất rất cần một cách tiếp cận mở hơn từ phía cơ quan làm chính sách, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chúng ta thường nhắc tới kỳ vọng về đầu tư công với hàng trăm ngàn tỷ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chờ được giải ngân. Tuy nhiên, cần nhìn vào thực tế rằng, giá nguyên vật liệu xây dựng đầu vào đã tăng rất mạnh trong thời gian qua, cùng môi trường lãi suất cao khiến doanh nghiệp càng làm càng lỗ vì đa số làm đầu tư công là ứng trước vốn, nhà thầu phải vay vốn ngân hàng để hoàn thành công trình rồi mới được quyết toán và quá trình quyết toán có khi kéo dài tới vài năm.

Một số nhà thầu xây dựng lớn chia sẻ, họ không "dại" đẩy nhanh tiến độ sản xuất, tăng doanh thu vì càng làm càng lỗ. Họ chỉ cố gắng duy trì để đủ tiền trả cho nhân công. Có đơn vị ngay cả khi đã giải phóng xong mặt bằng cũng không muốn làm vì làm cũng không có lãi.

Một con số đáng lưu ý nữa là tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam năm 2022 rất cao. Tình trạng đặc biệt đáng chú ý với TP Hồ Chí Minh do chủ yếu là sản xuất công nghiệp nhẹ như giầy da, dệt may, với một lượng lớn công nhân phải nghỉ việc do đơn hàng giảm. Như vậy thì CPI thấp hay tăng trưởng GDP cao không còn nghĩa lý.

Muốn hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo ông Nghĩa, cần giải được vấn đề “phi lý” tồn tại hiện nay là "lạm phát thấp, tỷ giá ổn định nhất nhưng lãi suất lại cao nhất thế giới".

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đưa ra giải pháp: Để hạn chế tác động tiêu cực, cần tạo điều kiện đảm bảo kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô, đồng thời tiếp tục hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế trong năm 2023.

Trong đó, cần phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; giữa đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân trong bối cảnh đầu tư tư nhân tăng khá thấp so với 2 kênh dẫn vốn còn lại.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm