Chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tất cả cùng vào cuộc để phát triển kinh tế đất nước

DNVN - Phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể cấp cao diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 chiều 17/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tất cả đều phải vào cuộc, càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Nhận diện bức tranh quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam / Cải thiện vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng đầu tư kinh doanh ngày càng gặp nhiều thách thức

Phải dứt khoát xử lý sai phạm
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 có chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.
Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả kinh tế năm 2022 là điểm sáng đáng tự hào trong hoàn cảnh đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.
Điều này có được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát thực tiễn của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự quản lý, điều hành hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại, bất cập liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng tín dụng, thị trường lao động, cũng như tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vừa qua cần phải được giải quyết. Phải dứt khoát xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, giữ ổn định hệ thống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5. (Ảnh: VGP)
"Chúng ta tôn trọng quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường thì Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết. Các cơ quan chức năng phải phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn. Doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải chia sẻ. Tất cả cùng suy nghĩ, cùng làm. Hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, tránh tình trạng "lúc thuận lợi thì không sao, lúc khó khăn lại kêu Nhà nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị thực hiện nghiêm túc, đồng bộ 4 công điện của Thủ tướng Chính phủ về các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, phát triển thị trường lao động, chăm lo đời sống người lao động.
Cùng với đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội qua hợp tác công tư. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Khẩn trương tập trung thực hiện, hoàn thành công tác quy hoạch với tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, dài hạn, nhưng thực hiện có thể phân kỳ. Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo kỹ năng nghề...
Thủ tướng cho biết ông đã lắng nghe và thu hoạch được rất nhiều nội dung rất đúng, rất trúng tại diễn đàn. Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp, "tất cả đều phải vào cuộc". Càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Nhiều rủi ro, thách thức
Trước đó, phát biểu đề dẫn phiên toàn thể cấp cao, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận sự phục hồi ngoạn mục trong năm 2022. Theo đó, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra.
Tuy vậy, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nền kinh tế nước ta cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước. Bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2023 cũng được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, dù phục hồi ngoạn mục trong năm 2022 nhưng kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều thách thức. (Ảnh: VGP)

Những bất cập, hạn chế từ nội tại của nền kinh tế cùng với bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến bất lợi, có nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ... đang đặt ra thách thức gay gắt đối với ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng và các vấn đề an sinh xã hội trong nước; tác động trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển cả trước mắt và dài hạn.
Đánh giá những thách thức, khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022. Lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu. Chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực. Một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế như Anh, Mỹ, Đức, Ý...
Triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm
Ở góc độ quốc tế, ông Andrea Coppola - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, có ba áp lực lớn ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong năm ngoái và có thể có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023. Đó là: áp lực lạm phát kéo dài, điều kiện tài chính tồi tệ hơn và suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác.
Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 ảm đạm. Việc Mỹ thắt chặt chính sách kinh tế vĩ mô để kiềm chế áp lực lạm phát sẽ làm tăng thêm tác động trễ của việc tăng lãi suất đáng kể vào năm 2022 và tiếp tục đè nặng lên hoạt động của nền kinh tế, vốn dự kiến sẽ trì trệ vào năm 2023.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 có chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”. (Ảnh: VGP)
Tại Châu Âu, do các cú sốc cung cấp năng lượng đang diễn ra và thắt chặt chính sách tiền tệ đáng kể, một cuộc suy thoái có thể thành hiện thực trong nửa đầu năm 2023 trước khi hoạt động ổn định vào cuối năm nay. Lạm phát dự kiến sẽ dần dần ôn hòa khi thị trường lao động hạ nhiệt và giả định giá năng lượng đứng ở mức vừa phải.
Tại Trung Quốc, tăng trưởng vào năm 2023 sẽ tăng tốc nhưng sự tăng tốc này sẽ bị cản trở bởi tác động kéo dài của các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch, nhu cầu bên ngoài yếu và cũng kéo dài sự yếu kém trong lĩnh vực nền kinh tế thực.
Theo Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, triển vọng kinh tế toàn cầu yếu kém và rủi ro gia tăng có thể có hàm ý quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam về áp lực tỷ giá hối đoái, tính dễ bị tổn thương của ngành tài chính, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong năm 2023.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để vượt qua thế giới đầy biến động trong năm 2023 với rất nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi không chỉ riêng sự chung sức đồng lòng, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra mà còn phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, các chính phủ, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm