Chủ tịch VAMC: “Bán nợ cũng phải xếp hàng"
Không né tránh câu hỏi về những thông tin âm ỉ trong hệ thống về việc VAMC sách nhiễu khi mua nợ xấu, ông Hùng khẳng định, các TCTD bán nợ cũng phải xếp hàng tương tự như xếp hàng mua vé vào xem một trận bóng hay.
Căn cứ nào để VAMC đưa ra kế hoạch phát hành 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt trong năm 2015, thưa ông?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt tờ trình của Hội đồng thành viên VAMC về phương án phát hành trái phiếu đặc biệt năm 2015 là 80.000 tỷ đồng, trên cơ sở VAMC xây dựng kế hoạch triển khai mua nợ xấu năm 2015 từ tháng 12/2014.
Về căn cứ để xây dựng con số này, thứ nhất, trong quá trình mua nợ xấu năm 2014, VAMC đã nắm bắt tình hình nợ xấu của các TCTD và yêu cầu các TCTD lên kế hoạch bán nợ xấu năm 2015. Thứ hai, VAMC phối hợp với Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN dự báo nợ xấu sẽ có những thay đổi khi Thông tư 02, 09 có hiệu lực và Quyết định 780 về cơ cấu lại nợ không còn hiệu lực; Thứ ba, VAMC tính toán cả khả năng tự xử lý nợ xấu với khả năng tài chính, trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD; Thứ tư là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2015…
Theo ông, 80.000 tỷ đồng có đủ để mua nợ xấu?
Tôi cũng không loại trừ khả năng có thể nhiều hơn. Do đó, trong quá trình triển khai, nếu các TCTD dự tính chưa sát với kế hoạch xây dựng hay việc triển khai Thông tư 02, 09, Quyết định 780 khiến nợ xấu tăng cao mà chưa xử lý kịp, VAMC sẽ đề nghị NHNN phát hành bổ sung trái phiếu.
Đây cũng là việc rất bình thường. Hồi cuối năm 2014, VAMC đã phải xin NHNN phát hành thêm mấy nghìn tỷ đồng trái phiếu để đáp ứng nhu cầu bán nợ của các TCTD.
Chiến lược hoạt động trong năm nay của VAMC ra sao, thưa ông?
Năm 2015 là năm trọng tâm trong hoạt động của VAMC, quyết liệt thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về dưới 3%. VAMC sẽ tập trung xây dựng Đề án mua bán nợ theo giá thị trường. Đề án này NHNN yêu cầu Cơ quan Thanh tra giám sát và VAMC phối hợp xây dựng trình Chính phủ trong năm 2015. Do đó, bên cạnh kế hoạch mua nợ xấu bằng 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt, VAMC sẽ có một kế hoạch chi tiết nữa về việc mua bán nợ theo giá thị trường, chắc chắn sẽ được triển khai trong năm nay.
Thứ hai, tiếp tục tiến hành cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, tạo điều kiện đối với DN có khả năng phục hồi sản xuất-kinh doanh. Thứ ba, từ nay đến cuối năm, VAMC sẽ hoạch định chiến lược hoạt động từ năm 2016 trở đi, VAMC sẽ như thế nào để tính đến câu chuyện xử lý triệt để nợ xấu.
Có vẻ như hoạt động mua bán nợ trong năm nay dường như được VAMC đẩy mạnh từ khá sớm?
Đúng vậy. Như tôi đã chia sẻ, mục tiêu của VAMC trong năm 2015 là cùng với các TCTD thực hiện chỉ đạo của NHNN trong việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội đưa nợ xấu về dưới 3%. Đồng thời, ngay từ đầu năm, NHNN đã ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD, do vậy, VAMC phải chủ động ngay từ đầu năm 2015. Điểm này rất khác với năm ngoái, khi tận tháng 1/2014 mới bắt đầu xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu. Năm nay, VAMC thực hiện đúng theo quy định, trước năm triển khai đã phải xây dựng kế hoạch và được NHNN phê duyệt.
Bên cạnh đó, việc phải thực hiện Thông tư 02, 09 và dỡ bỏ Quyết định 780… sẽ có sự liên thông với nhau, nợ xấu ở TCTD này có liên quan đến TCTD khác, vì vậy, cần có một kế hoạch rất cụ thể ngay từ đầu để các TCTD cũng phải xác định được việc bán nợ, thông qua đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc tái cấu trúc các khoản nợ, cảnh báo luôn các TCTD.
Tôi thấy mừng là các TCTD cũng nhìn nhận được vấn đề này và từ cuối năm ngoái đã lên kế hoạch bán nợ. Trên cơ sở đó, VAMC trình NHNN kế hoạch phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu.
Trong quá trình xử lý nợ, VAMC có nhận thấy những món nợ xấu phát sinh gần đây?
Những khoản nợ lâu ngày không thu được lãi, chưa trả được nợ gốc vẫn chưa xử lý xong được cơ cấu lại theo Quyết định 780, sắp tới khi quyết định này không còn hiệu lực sẽ phát sinh nợ xấu. Nhưng thực tế, đây không phải là khoản nợ xấu mới phát sinh.
Theo tôi, điều quan trọng là khoản cho vay mới có phát sinh nợ xấu hay không. Nhưng thực tế trong công tác tín dụng, không ai có thể nắm tay từ sáng đến tối. Dù tài giỏi đến mấy cũng vẫn có thể rơi vào tình huống khoản nợ cho vay hôm nay ngày mai đã thành nợ xấu. Điều quan trọng đối với một TCTD là có hệ thống quản trị tốt và hiện tại, tôi nghĩ, các TCTD đã, đang và sẽ quản trị tốt hơn, dẫn đến hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Vấn đề vốn của VAMC đã được đề cập rất nhiều lần. Câu chuyện này hiện nay ra sao, thưa ông?
Mua bán nợ theo cơ chế thị trường trong điều kiện hiện nay rất khó khăn do ngân sách không có. Vấn đề vốn của VAMC cũng là điều mà Ban lãnh đạo chúng tôi rất trăn trở.
Nên chăng Nhà nước ứng một khoản vốn, để VAMC có tiềm lực hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định. Khi đồng vốn mang lại hiệu quả, VAMC sẽ trả lại vốn cho Nhà nước xong phải bảo toàn vốn và có lãi càng tốt.
Từ phía các NHTM, đã có những ý kiến phàn nàn VAMC sách nhiễu khi mua nợ. Ông nói gì về điều này?
Chuyện không hài lòng của TCTD ở nơi này nơi kia, tôi không dám khẳng định là không có. Nhưng mọi người cũng nên nhìn nhận câu chuyện này một cách khách quan. Nó cũng tương tự như việc xếp hàng mua vé vào xem một trận bóng, sẽ có người được mua trước, người phải mua sau. Và dù có xếp hàng nhưng có thể có người xếp ở phía sau lại được mua trước. Lý do là bởi, TCTD nghĩ là khoản nợ đã đủ điều kiện, nhưng khi VAMC vào thẩm định lại thấy chưa đủ điều kiện và yêu cầu bổ sung thủ tục thì TCTD khác được bán nợ trước là việc bình thường.
Có thể trong trường hợp này, nhân viên đã không báo cáo cho lãnh đạo ngân hàng nên dẫn đến có sự hiểu nhầm là “bán nợ cho VAMC mà cũng phải cầu cạnh”. Tuy nhiên, tôi khẳng định hiện tượng “phe vé” chắc chắn là không có ở VAMC.
Ở một khía cạnh khác, từ tháng 1 đến tháng 9/2014, VAMC mới chỉ mua được hơn 10.000 tỷ đồng nợ xấu do các TCTD không bán nợ. Khi đó, nhiều thông tin cho rằng, VAMC không có việc gì để làm, VAMC phải cầu cạnh TCTD để mua nợ… Vậy, tại sao các TCTD không trải đều, chủ động xây dựng kế hoạch bán nợ xấu trong năm, mà lại dồn dập vào dịp cuối năm rồi bảo VAMC gây khó khăn? Tôi cho rằng, cũng cần xem lại tư duy của chính lãnh đạo các TCTD.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm rằng, từ năm 2015 trở đi, nếu TCTD không tự xử lý được nợ, buộc phải bán thì chỉ có những khoản nợ đủ điều kiện theo quy định mới được VAMC mua, còn những khoản nợ không bổ sung đủ hồ sơ sẽ trả lại TCTD sớm để TCTD tự xử lý. Khi tiến tới việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường thì việc mua nợ sẽ trên cơ sở “thuận mua vừa bán”, bởi tiền VAMC cũng chỉ có hạn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024