Chuyện con chữ ở Tân Dân: Kỳ 1-Chan chứa tình thầy cô xóm Cải
Mai Châu nổi tiếng với bản Lác làm say lòng du khách. Nhưng vậy thì chưa đủ. Nếu ai đã có dịp đến thăm xóm Cải, xã Tân Dân cách xa thủ phủ huyện hàng chục cây số, chắc hẳn sẽ còn ấn tượng về tình thầy trò cao quý nơi đây.
Xe máy và ủng cao su
Dù đã chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi dài trước khi đến đây nhưng chúng tôi không thể nào mường tượng ra hết những trắc trở mà mình sẽ gặp phải trên quãng đường di chuyển lên xóm Cải thuộc xã Tân Dân.
Vượt quãng đường hơn 150 cây số lên Mai Châu, chúng tôi tiếp tục xuôi thuyền theo dòng sông Thượng Đà để đến được xã Tân Dân theo đúng lịch trình. Xã miền núi này cách thủ phủ Mai Châu 55km về phía Tây Bắc. Lênh đênh trên con thuyền nhỏ hơn một tiếng đồng hồ, đoàn phóng viên cũng tới được điểm chính của trường Tiểu học Tân Dân B.
Thầy Hiệu trưởng Lường Văn Cắm chia sẻ: “Học sinh ở các xã rải rác, khó tập trung về cơ sở chính nên trường phải chia ra thành các chi lẻ tới tận xóm. Mỗi xóm đều có một trường để thuận tiện cho việc đi lại của học sinh. Chi xa nhất cách điểm trường chính tới 15 cây số”.
Sáng thứ hai đầu tuần, các thầy cô giáo sẽ tập trung về điểm chính của trường để giao ban và sinh hoạt chuyên đề, rồi họ lại tất bật trở về các xóm cho kịp buổi dạy chiều.
Chúng tôi được hai thầy cô giáo trẻ đưa lên điểm trường xóm Cải, cách điểm trường chính hơn 15 cây số. Đây là con đường đất mà người dân tự gùi đá từ trên núi cao về rồi theo thời gian bồi đắp, phát quang cho thuận tiện đi lại.
Con đường quanh co, khúc khuỷu lại có nhiều dốc cao. Trời nắng ráo có thể đi lại dễ dàng, không gặp trở ngại gì, nhưng các thầy cô kể, cứ hễ hôm nào trời mưa đường lại lầy lội và trơn trượt. Lúc đó chỉ còn cách duy nhất là “cuốc bộ” đến với các em học sinh. Vì vậy, người bạn đồng hành quen thuộc của các thầy cô giáo mỗi khi đến trường ngoài chiếc xe máy là một đôi ủng cao su.
“Mấy lần đầu chị lên nhận lớp, ngã xe liên tục là chuyện bình thường, nhưng rồi đi mãi cũng thành quen”, chị Tâm, giáo viên lớp 5, người mới tham gia công tác tại trường Tiểu học Tân Dân B vào tháng Tám năm nay cho biết. Sau nhiều lần bị trượt bánh xe, ngã dúi dụi vì đường lầy lội bùn đất, nhóm chúng tôi cũng lên tới xóm Cải. Đi một lần đã thấy mệt, vậy mà tuần nào chị Tâm và đồng nghiệp của chị cũng đều đặn vượt qua con đường đất lên đây dạy học.
Những con chữ nhọc nhằn
Trường Tiểu học Tân Dân B được tách ra từ trường phổ thông Tân Lập vào năm 1997. Hiện trường có 12 giáo viên với 96 học sinh được chia thành 10 lớp, trải đều tại 9 điểm trường xung quanh các xóm lân cận. Thầy Cắm chia sẻ: “Nhiều em học sinh ở xa không tập trung được về chi chính sẽ được xếp vào các lớp ghép từ hai đến ba trình độ ngay tại chi lẻ”. Việc buộc phải thành lập nhiều lớp ghép khiến cho các thầy cô giáo vất vả hơn vì phải truyền đạt lượng kiến thức của nhiều trình độ cùng lúc, các em học sinh cũng khó tập trung hơn vào bài giảng.
Vài năm nay, dù nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của Phòng Giáo dục huyện Mai Châu nhưng nhìn chung điều kiện về cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt của giáo viên vẫn còn nhiều hạn chế. Tại đây, sách báo và tài liệu tham khảo là thứ vô cùng quý giá vì rất khan hiếm. Anh Vì Công Minh, một giáo viên trẻ của trường Tân Dân B chia sẻ: “Chi chính đã có sóng điện thoại và thi thoáng có mạng 3G do Phòng Giáo dục cấp cho, nhưng ở các chi lẻ thì không. Vì thế, tranh thủ những dịp cuối tuần về nhà, mình thường chủ động tiếp cận thông tin và nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ thông qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng và mạng Internet”. Ngoài ra, những buổi họp chuyên môn vào mỗi sáng thứ Hai hàng tuần cũng rất quan trọng, giúp cho giáo viên của trường nâng cao chất lượng và hiệu quả khi giảng dạy các bộ môn như Toán, Tiếng Việt,...
Thư viện của trường chỉ là một căn nhà tạm mới được giáo viên dựng lên để chứa sách báo, dụng cụ phục vụ cho quá trình dạy và học. Có đến mới biết, sách giáo khoa và báo cho lứa tuổi thiếu nhi có tại thư viện đều được các trường trong thị trấn Mai Châu cung cấp và giúp đỡ. Những tư liệu, bản đồ...phục vụ cho việc giảng dạy những tiết học trực quan còn thiếu thốn. Những ngày đầu tuần, các thầy cô giáo thường đến thư viện mượn sách báo về cho các em học sinh ở chi lẻ mình phụ trách.
Do tính chất đặc thù của công việc nên các thầy cô chủ nhiệm phải đảm nhận đủ 9 phân môn (bao gồm cả hát nhạc, mỹ thuật và thể dục…). “Mình kiêm hết tất cả các môn học của lớp ghép (3 và 4) do mình chủ nhiệm. Giáo án của từng đấy môn học mình sẽ phải tự chuẩn bị kỹ càng trước khi lên lớp” - anh Minh cho biết. Việc vừa phải quản lý lớp ghép, chuẩn bị giáo án cho hai, ba trình độ khác nhau ngay trong cùng một lớp học mà mình chủ nhiệm là một thách thức không hề nhỏ với giáo viên của trường Tiểu học Tân Dân B.
Trường Tiểu học Tân Dân B thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập. Cụ thể, mỗi em học sinh đều được miễn hoàn toàn học phí và còn được hỗ trợ 70.000đ/tháng trong vòng một năm học. Vì vậy, ở đây không có tình trạng bỏ học và giáo viên phải đi vận động từng gia đình như ở nhiều vùng cao khác. Nhưng để các em học sinh yên tâm học tốt và theo được con đường học vấn tới cùng là cả một chuyện khác vì nhiều gia đình không biết chữ, hoàn cảnh khó khăn không muốn con đi học nữa mà chỉ cần đi làm để kiếm tiền đem về - Thầy Cắm trăn trở.
(Còn tiếp)
Bảo Sam - Tiến Đạt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo