Chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang nâng tầm giá trị đời sống Kinh tế - Xã hội

DNVN - Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Phải khẳng định rằng, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, đang nâng tầm giá trị đời sống Kinh tế - Xã hội.

Đà Nẵng: Dùng CNTT thúc đẩy đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng 185 khu đất diện tích lớn / Mục tiêu tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90% năm 2030

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định: Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số".

Từ khóa “chuyển đổi số” ngày càng len lỏi mạnh mẽ vào trong cuộc sống. Nếu như hồi tháng 3/2020 trên toàn bộ không gian mạng số lượt đề cập có chứa từ khóa “chuyển đổi số” chỉ khoảng 3.000 lượt thì đến tháng 11/2020 đã có 30.000 lượt. Những cuộc chuyển dịch từ không gian thực lên không gian số ngày càng được nói đến nhiều hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Bằng chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ Việt Nam coi phát triển hạ tầng viễn thông và CNTT là một trong những ưu tiên hàng đầu và coi chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”.

“Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập - giá thành rẻ, dễ sử dụng và mang lại tiện ích cho mọi người”, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng.

Với chiến lược chuyển đổi số Việt Nam mong muốn đưa công nghệ thâm nhập vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp tăng năng suất lao động. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển. Các ngành và lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tại Hội thảo, Triển lãm Make in Vietnam năm 2020.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tại Hội thảo, Triển lãm Make in Vietnam năm 2020.

Chính phủ số: Giải quyết thủ tục hành chính bằng click chuột

Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, bước khởi đầu để hướng tới chính phủ số và chính phủ thông minh. Chính phủ điện tử tạo nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, trong đó có thể kể đến đổi mới lề lối làm việc của các cơ quan nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số.

Hiện tại và tương lai, người dân có thể ngồi bất cứ đâu để thực hiện thủ tục hành chính (TTHC). Thay vì phải mang hồ sơ đến cơ quan hành chính, thì việc cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia giúp người dân chỉ cần đăng ký tài khoản 1 lần và nhập thông tin 1 lần, toàn bộ dữ liệu sẽ được số hóa. Thay vì đến Kho bạc nộp tiền thì có thể ngồi tại nhà kê khai thuế, nộp thuế qua điện thoại di động, hoặc máy tính. Hoặc các dịch vụ như đăng ký cấp điện, nộp phạt giao thông, thanh toán hóa đơn điện-nước, đăng ký thông tin nhà đất cũng trở lên dễ dàng hơn nhiều.

Chỉ riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia, từ ngày khai trương 9/12/2019 đến nay, đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp gần 6.700 thủ tục hành chính (TTHC) tại 4 cấp chính quyền với hơn 100,5 triệu lượt truy cập, hơn 417.000 tài khoản đăng ký và gần 745.000 hồ sơ với hơn 48.000 giao dịch thanh toán điện tử được thực hiện.

Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử này giúp hạn chế tiếp xúc với cán bộ thi hành công vụ. Ngoài việc tiết kiệm thời gian, giúp minh bạch quá trình xử lý hồ sơ, giảm tiêu cực, tham nhũng vặt, và quan trọng hơn cả là góp phần giảm dịch bệnh trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp.

Kinh tế số: Nông dân bán nông sản qua mạng

Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong 3 năm tiếp theo. Còn theo một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD.

Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã đạt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

Vậy, kinh tế số mang lại lợi ích gì cho người dân? Rõ nét nhất chính là chuyển đổi số đã chứng kiến sự bùng nổ của thương mại điện tử, với sự phát triển của các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, người dân có thể tham gia mua, bán hàng hóa trên mạng một cách dễ dàng hơn, từ đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, gia tăng thu nhập cho người dân. Thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ đã giúp nhiều người dân có thu nhập ổn định hơn, điều mà kinh tế truyền thống không thể tạo ra được.

Nhìn lại năm 2020, có thể thấy một cách rõ ràng rằng COVID-19 chính là một động lực cực mạnh thúc đẩy ngành thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam.

Theo công ty phân tích số liệu App Annie công bố hồi tháng 9/2020, số lượt sử dụng các ứng dụng mua sắm trên Android ở Việt Nam tăng đến 43% trong vòng 3 tháng, đạt 12,7 tỷ lượt, cao nhất từ trước đến nay.

Những nỗ lực của các công ty thương mại điện tử trong việc xây dựng và phát triển mua sắm trực tuyến ở Việt Nam đã được đền đáp xứng đáng trong đại dịch COVID-19.

Trong năm 2021, livestream trên mạng xã hội và thanh toán trực tuyến được coi là những “mỏ vàng” tạo lập những kỷ lục mới cho thương mại điện tử Việt Nam.

Việt Nam là nước kinh tế nông nghiệp chiếm ưu thế, kinh tế số sẽ giúp cho các sản phẩm: Chè xanh, gạo, cafe, sản phẩm thêu truyền thống, du lịch… của nông dân sẽ được tiêu thụ dễ dàng hơn.

Như Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nói: “Chuyển đổi số phải bắt đầu từ những nhu cầu nhỏ nhất. Thương mại điện tử sẽ giúp người nông dân bán những thứ họ sản xuất ra như con gà, nải chuối được dễ dàng hơn. Họ có thể ngồi nhà, dùng điện thoại đăng lên mạng là bán được hàng, hàng được giao cho người mua qua dịch vụ bưu chính, thay vì phải đi mấy chục km ra chợ truyền thống”.

Kinh tế số giúp người dân dễ dàng lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình. Ví dụ, để đi du lịch trong hay ngoài nước, du khách có thể dễ dàng tham khảo thông tin về điểm tham quan, đặt vé, đặt phòng, đặt tuor, đặt vé máy bay, dịch vụ đưa đón, nhà hàng tất cả đều được cung cấp qua các nền tảng trực tuyến.

Xã hội số: Hình thành công dân số và văn hóa số

Quầy hàng của quán bún ốc truyền thống trên vỉa hè phố Thái Thịnh (Hà Nội) từ mấy tháng nay có thêm một miếng giấy nhỏ in màu đẹp hình QR Code của ví MoMo. Người dùng MoMo có thể quét mã để thanh toán sau khi ăn, thay vì trả tiền mặt. Rất nhiều các quán bán hàng, cửa hàng nhỏ lẻ ở các thành phố lớn hiện nay đều cho phép khách hàng thanh toán bằng các phương tiện điện tử như: Quẹt thẻ, ví điện tử, QR Code, hay chuyển khoản. Chuyển đổi số đang dần hình thành một xã hội số với những công dân số từ những hành vi mua sắm tiêu dùng hàng ngày.

Covid-19 bùng phát, chuyển đổi số trong giáo dục đã phát huy tác dụng, giáo dục trực tuyến diễn ra mạnh mẽ ở khắp mọi nơi từ thành thị cho tới vùng sâu, vùng xa. Chỉ bằng máy tính, điện thoại và Internet giáo viên, học sinh đã thích ứng tốt với dạy và học trực tuyến. Chuyển đổi số trong giáo dục đã giúp xã hội đạt mục tiêu “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Chỉ trong một thời gian ngắn, giáo dục trực tuyến đã nhanh chóng được đưa vào 53.000 trường học, khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên. Các doanh nghiệp ICT vào cuộc mạnh mẽ phát triển các nền tảng quản lý dạy và học trực tuyến. Chuyển đổi số giáo dục cho thấy lợi ích rõ nét nhất là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giảm tải cho giáo viên, là đổi mới mô hình dạy và học, hỗ trợ công cụ giảng dạy mới cho giáo viên. Chuyển đổi số trong giáo dục còn giúp đào tạo kỹ năng để hình thành công dân số có kỹ năng để làm công dân toàn cầu trong nền kinh tế số.

Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam được thế giới đánh giá cao trong kiểm soát, phòng chống và duy trì cuộc sống của người dân, xã hội trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 có đóng góp không nhỏ của y tế số. Trong đó có sự góp sức của hàng chục doanh nghiệp công nghệ, hàng ngàn chuyên gia, kỹ sư, tình nguyện viên, đã phát triển hơn 20 ứng dụng phục vụ phòng, chống Covid-19. Điển hình như các ứng dụng Bluezone - ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần, NCOVI - Khai báo y tế tự nguyện dành cho người dân. Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Viettel Teleheath, nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến VOV Bacsi24.

Chuyển đổi số trong y tế, hay còn gọi là y tế số đã làm thay đổi mô hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế. Bệnh nhân trở thành khách hàng. Dữ liệu y tế trở thành tài sản lớn nhất. Với những thay đổi đột phá ấy, y tế số có thể giải được bài toán chăm sóc sức khoẻ cho mọi người ở mọi nơi, mọi lúc.

Người dân thuận tiện hơn trong xếp hàng đăng ký khám chữa bệnh, được tư vấn trực tiếp hoặc khám từ xa trực tuyến, qua mạng với bác sĩ phù hợp, thời gian phù hợp. Nhất là từ năm 2021 sẽ thực hiện liên thông khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây sẽ là giải pháp giảm tải bệnh viện hiệu quả cần được đẩy mạnh. Cùng với hệ thống khám chữa bệnh, tư vấn trực tuyến từ xa, để mọi người dân khi có bệnh thì qua hệ thống sẽ được biết các bác sĩ, cơ sở y tế phù hợp để khám chữa bệnh.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm